Bài 3: Vấn nạn 'tận diệt chim trời': Dẹp bỏ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại buổi làm việc với người đứng đầu Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ, một lần nữa, những khoảng tối “có vấn đề” trong công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ “chim trời" trên đảo lại được hé lộ…

Ông Nguyễn Quang Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Quang Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau nhiều ngày hóa trang thâm nhập thực tế, chứng kiến toàn bộ quá trình giăng bẫy lưới tàng hình như “thiên la địa võng” trên khắp các cánh cánh đồng, ven bờ biển, chân núi quanh Vườn quốc gia Cát Bà, ngày 16/11/2020, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có buổi làm việc với người đứng đầu Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ - Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng.
“Trời động, đừng đi làm gì cho mệt…”
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ, ngay tại trụ sở Hạt - nằm cách khu vực “điểm nóng” bẫy bắt bắt chim trời ở xã Xuân Đám khoảng 5 kilômét, ông Thành liên tiếp “khoe” với phóng viên về con số hàng nghìn chiếc bẫy lưới, cọc tre dùng để bẫy bắt chim đã tịch thu ở trên địa bàn và tiêu hủy ngay tại chỗ để răn đe.
Theo ông Thành, tình trạng bẫy bắt chim trời ở trên đảo đã diễn ra suốt từ năm 2000 đến nay. Thời gian qua, năm nào Hạt cũng làm rất quyết liệt. “Chúng tôi còn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện, từ xây dựng kế hoạch cho đến ra thông báo. Không biết trong đất liền làm thế nào, riêng huyện tôi tham mưu làm rất tích cực, làm chuẩn nhất của thành phố Hải Phòng,” ông Thành cho hay.
Không chỉ nhận đứng đầu thành phố về cách xử lý tang vật bẫy bắt chim di cư, ông Thành còn cho biết “mấy năm trước, bên Quảng Ninh - lực lượng Kiểm lâm vùng 1 đóng ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn sang đây để tham khảo kinh nghiệm.”

Bẫy lưới tàng hình săn bắt chim được giăng trắng khắp xã Xuân Đám, thị trấn Cát Bà. (Ảnh:PV/Vietnam+)
Bẫy lưới tàng hình săn bắt chim được giăng trắng khắp xã Xuân Đám, thị trấn Cát Bà. (Ảnh:PV/Vietnam+)
Dẫn ví dụ từ địa bàn, ông Thành khẳng định thời gian qua, tình trạng bẫy bắt chim hoang dã di cư đã giảm đi rất nhiều. “Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra, tiêu hủy đốt ngay tại chỗ đúng quy định,” ông Thành nói và khẳng định riêng từ đầu tháng 11/2020 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ có 3 ngày (4, 10, 12/11) xuất hiện tình trạng bẫy bắt chim, qua đó đã xử lý tiêu hủy 1.850m lưới, 48 cọc tre.
Về quy luật hoạt động, ông Thành cho rằng việc bẫy bắt chim phụ thuộc vào thời tiết. “Ví dụ thời tiết như mấy hôm nay, trời động vì ảnh hưởng bởi bão thì gần như không có nên mình đừng có đi làm gì cho nó mệt ra,” ông Thành chia sẻ.
Câu chuyện Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ chia sẻ là vậy, song thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Bởi thực trạng mà phóng viên ghi nhận được trong những ngày thâm nhập thực tế và hình ảnh người dân cung cấp cho thấy từ tháng 9/2020 đến nay, tình trạng bẫy bắt chim ở Cát Bà vẫn vô tư diễn ra.
Chỉ riêng các ngày từ 13-16/11, thời điểm ông Thành khẳng định là “trời động, mình đừng đi làm gì cho nó mệt” thì bẫy lưới như “thiên la địa võng” vẫn được giăng trắng khắp các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà; trong màn đêm, âm thanh “nhái” tiếng chim vẫn kêu khắp các vùng đảo.
Và rồi, mỗi sáng khi Mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi, những chùm chim, bao lưới đầy ắp chim vừa gỡ ra từ “bẫy tàng hình lưới cước” ngoài đồng, ven rừng, bờ biển lại được mua bán trao tay, đưa vào “lò mổ” thui sống và “bay” tới bàn nhậu.
Cứ chuẩn bị đi kiểm tra là bị lộ thông tin?
Sau gần 20 phút nghe ông Thành chia sẻ với những nỗ lực đẩy lùi vấn nạn tàn sát chim trời, phóng viên VietnamPlus quyết định cho ông xem một đoạn video quay lại cảnh tượng “bẫy tàng hình lưới cước” giăng trắng khắp các cánh đồng, ven rừng, bờ biển; hình ảnh những người đàn ông cầm từng chùm chim vừa gỡ từ bẫy lưỡi; cho đến cảnh vặt lông, thui sống, moi nội tạng chim trời…
Trong tiếng kêu cứu thảm thiết của hàng trăm chú chim phát ra từ video như “phá tan không gian căn phòng làm việc,” nét mặt của người đứng đầu Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ, bắt đầu chuyển sắc. Ông nhanh chóng luồn tay vào túi áo lấy ra chiếc khẩu trang y tế đeo vội lên mặt như cố dấu sắc thái lúc này.
Xem xong đoạn video, ông Thành liền giãi bày, chia sẻ về những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vấn nạn bẫy bắt chim trời ở trên đảo, với những lý do “quen thuộc” như: Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, hay “chỉ thu được tang vật (bẫy lưới, loa, cọc tre), không có đối tượng nào đứng ra nhận” nên rất khó xử lý tận gốc.
Cầm chén trà lên uống một ngụm sâu rồi ông Thành nói tiếp: “Với săn bắt chim di cư, hiện chế tài xử lý đối với cá nhân tương đối khó. Hơn nữa, mỗi khi đoàn liên ngành (gồm đồn biên phòng, công an huyện, lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Bà, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn…) chuẩn bị đi kiểm tra lại bị phát lộ thông tin, khi xuống tận nơi thì họ đã phi tang và bỏ đi, không có ai đứng ra nhận.”

Hình ảnh người dân đi bẫy bắt chim hoang dã di cư ở ven biển quanh đảo Cát Bà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hình ảnh người dân đi bẫy bắt chim hoang dã di cư ở ven biển quanh đảo Cát Bà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau đó, ông Thành đưa ra một tập giấy - Biên bản kiểm tra về “công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn” và cho biết từ tháng 9/2020 đến nay, các tổ ban ngành, chính quyền địa phương đã lập 9 biên bản kiểm tra, tịch thu tang vật, nhưng tất cả đều “không có đối tượng nào đứng ra nhận.”

“Bất lực” trong xử lý hay phớt lờ cho vi phạm?
Liên quan đến việc xử lý hoạt động buôn bán chim trời, ông Thành cho rằng “việc ngăn chặn buôn bán chim hoang dã bây giờ cũng rất khó, bởi người ta không công khai mang chim ra ngoài bán mà nếu ai biết được thì điện thoại. Hơn nưa, hiện nay cũng có tình trạng lợi dụng vào việc cho cấp trại nuôi chim cút, mà những loài này cũng na ná thế, còn những loài khác thì rất ít, cho nên rất khó xử lý.”
Viện dẫn Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Thành cho rằng trước đây luật quy định “động vật hoang dã” là cấm, giờ quy định “động vật rừng” là cấm nên rất khó để xác định động vật rừng hay động vật nuôi. Vì thế, khi bắt được tang vật là chim thì cũng phải mang lên đơn vị có chuyên môn để xác định mới biết được.
Vậy nghĩa là Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ không có cách nào khác để xử lý dứt điểm tình trạng bẫy bắt, sát hại chim hoang dã trên đảo? Nhìn thẳng vào mắt người hỏi, ông Thành thở dài nói: “Khó! đây là anh tâm sự thật.”
“Mà thực tế có khi người ta chỉ săn bắt về chơi, ăn, sử dụng trong gia đình cho vui thôi, chứ không nghĩ tới chuyện buôn bán. Cho nên chúng tôi cũng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng những kế hoạch làm sao thực sự hài hòa, vừa đảm bảo pháp luật vừa đảm bảo cái tình, cái lý,” ông Thành giãi bày.

Hàng trăm cá thể chim hoang dã di cư ở Cát Bà bị dân buôn làm thịt, rao bán tràn lan trên mạng xã hội facebook.
Hàng trăm cá thể chim hoang dã di cư ở Cát Bà bị dân buôn làm thịt, rao bán tràn lan trên mạng xã hội facebook.
Lời ông Thành chia sẻ một lần nữa lại trái với thực tế mà phóng viên ghi nhận, khi “ông trùm” tên Viễn và những người dân chuyên đi bẫy bắt chim hoang dã trên đảo đều khẳng định mức thu nhập từ việc buôn bán chim đảo lên tới trên dưới 100 triệu đồng/hộ/mùa; thậm chí có trường hợp còn thu được 200-300 triệu đồng/mùa.
Với lợi nhuận nêu trên, có thể nói người dân ở Cát Bà đi bẫy bắt chim không phải chỉ để “mang về chơi, ăn, sử dụng cho vui,” mà hơn hết là vì lợi nhuận quá lớn.
Trước thực trạng bẫy bắt, buôn bán chim trời đang diễn biến phức tạp ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, đại diện các bộ, ngành và giới chuyên gia cho rằng việc “tận diệt” chim di cư sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cân bằng sinh thái không chỉ của quần đảo Cát Bà mà còn của Việt Nam và thế giới. Vì thế, ngăn chặn tình trạng “tận diệt” chim đảo Cát Bà là việc không thể trì hoãn.
Mời độc giả đón đọc Bài 4: Ngăn chặn nạn ‘tận diệt’ chim đảo Cát Bà: Việc làm không thể trì hoãn

Hoạt động bẫy bắt chim trời bằng loa đài
Hoạt động bẫy bắt chim trời bằng loa đài "nhái" tiếng chim kêu và bẫy lưới tàng hình, diễn ra rầm rộ ở huyện đảo Cát Hải vào mỗi buổi tối. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mai Mạnh - Trang Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.