Bài 3: Những hố sâu chết người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi nổ mìn, lấy đá, hiện trường còn lại chỉ là những hồ nước sâu hàng chục mét hun hút, lạnh lẽo và tiềm ẩn những tai nạn chết người. Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định về hoàn nguyên môi trường nhưng thực tế công tác khắc phục môi trường của những đơn vị khai thác đá đều làm rất qua loa. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất, mặt nước và quản lý sau khai thác để không làm lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bộc lộ nhiều bất cập.

Từ hồ Ba Cô

Trong vai dân đi phượt, chúng tôi mon men tới hồ Đá Xanh (phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa), nằm cách quốc lộ 51 hơn một cây số. Trong vài năm gần đây, hồ này đã trở thành một điểm chụp ảnh phong cảnh lý tưởng của người dân. Xung quanh hồ được bao bọc một hàng dây thép gai cùng những biển cảnh báo hồ sâu, nguy hiểm, cấm tắm và cấm câu cá. Xung quanh hồ, vẫn có các mỏ khai thác với tiếng máy nghiền, máy múc, ô tô vận chuyển ra vào.

 
 Hồ nước sâu Ba Cô - Đá Xanh (phường Kim Dinh, TP Bà Rịa) được hình thành sau khi khai thác đá, chưa có phương án bảo vệ phòng chống đuối nước
Hồ nước sâu Ba Cô - Đá Xanh (phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) được hình thành sau khi khai thác đá, chưa có phương án bảo vệ phòng chống đuối nước


Từ bãi đất gần bờ, những chiếc cầu bằng gỗ, tre ọp ẹp được bắc ra gần giữa hồ. Mặc dù nguy hiểm đến vậy, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm người, gồm cả khách du lịch và ê kíp chụp ảnh đám cưới đến đây để chụp hình. Có một vài chiếc thuyền bằng gỗ, nhưng cũng chẳng có chiếc áo phao nào để bảo vệ tính mạng cho khách nếu chẳng may trượt chân rớt xuống hồ. Bên trên hồ Đá Xanh là một chiếc hồ sâu hơn, nhưng nhỏ và ít nước hơn, nó cũng được hình thành từ hoạt động khai thác đá. Tuy nhiên, tất cả chỉ được bọc bằng hàng rào dây thép gai thưa thớt và rất dễ dàng đi vào bên mép hồ sâu.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp được anh Huân, vốn là một thợ khai thác mỏ đá. Từ đầu những năm 1990, khi mới bước chân vào miền Nam, anh Huân khởi nghiệp bằng việc vác thuốc nổ, chẻ đá trong mỏ, đến khi mỏ đá này ngưng khai thác, anh Huân chuyển sang công việc trồng rau. Anh Huân nói: “Theo các cụ trong vùng kể lại, hồ Đá Xanh trước đây có tên là hồ Ba Cô. Sở dĩ có tên như vậy là vào thời điểm những năm 1980 của thế kỷ trước, có 3 cô gái trên đường đi học về đến hồ tắm và bị đuối nước. Kể từ đó, người dân quanh vùng gọi là hồ Ba Cô. Hồ vốn được khai thác từ trước ngày 30-4-1975, sau giải phóng, nó tiếp tục được khai thác cho đến năm 2004 thì ngưng”. Theo thời gian khai thác, độ sâu và độ rộng của hồ ngày càng lớn, có nơi sâu tới 50m. Nước mưa, nước ngầm tích tụ theo thời gian, mỏ đá trở thành một chiếc hồ với màu xanh thăm thẳm, rộng mênh mông.

Tình trạng khách du lịch tham quan, chụp hình tại địa điểm này mới rộ lên từ cách đây 1-2 năm, thấy màu nước xanh nên nhiều người gọi là hồ Đá Xanh và gọi riết thành quen. Chúng tôi quan sát, có một nhóm thanh niên tự dựng những chiếc cầu tre ọp ẹp ra tới tận giữa hồ để cho du khách chụp ảnh và thu phí 20.000 đồng/người. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ hoạt động du lịch tự phát và luôn là nỗi lo của phường sở tại, như phản ánh của ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Kim Dinh. Để hạn chế nguy cơ tai nạn đuối nước, ngoài việc cắm các biển báo cấm tắm, phường Kim Dinh đã thành lập tổ bảo vệ hồ, tuy nhiên lãnh đạo UBND phường cũng thừa nhận, do công việc nhiều nên tổ này làm việc cũng không thường xuyên.

Đến “Hồ đá tử thần”

Theo quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường, các chủ mỏ trong quá trình khai thác phải ký quỹ phục hồi môi trường, khi khai thác xong phải phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ. Tuy nhiên tại Đồng Nai, việc phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ mang tính chất “được chăng, hay chớ”. Khảo sát của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai tại 14 mỏ đã khai thác xong nhiều năm, chỉ có 5 mỏ mới làm hàng rào bao quanh cẩn thận (sau sự cố năm 2013 tại mỏ đá Hóa An, TP Biên Hòa có 2 học sinh chết do ngã xuống hố mỏ đã khai thác), còn lại phần lớn vẫn chỉ rào qua loa.

Nhưng đáng nói nhất là hồ đá ở khu vực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (nằm trên địa phận thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), cái tên “Hồ đá tử thần” do người dân đặt cho vì mỗi năm đều có người thiệt mạng do đuối nước. Quá trình khai thác đá xây dựng trong hàng chục năm, từ trước ngày 30-4-1975 đến nay đã tạo thành 5 hồ nước có tổng diện tích khoảng 100ha, cái lớn nhất khoảng 30ha. Giữa các hồ có những mỏm đá nhô lên, dễ kích thích người trẻ bơi ra chinh phục đảo đá. Nhờ được bao bọc bởi nhiều lớp đá tự nhiên với nguồn nước ngầm từ vách đá chảy ra quanh năm nên nhiệt độ dưới nước khá lạnh, chỉ 10-170C, trong khi nhiệt độ ngoài trời vào mùa hè có thể lên tới 38-390C, rất dễ gây chuột rút cho người bơi. Cùng với đó, vì lòng hồ sâu trải đều, với chỗ sâu nhất đo được lên đến 60 mét nên nếu người bơi đuối sức, khó tự bơi vào được, dễ hoảng hốt và dẫn đến tử vong. Chưa kể, dưới đáy hồ có nhiều ngóc ngách và cả những tảng đá lởm chởm vô tình là những cái bẫy nếu chẳng may sa chân xuống hồ. Chính điều này khiến hồ đá trở thành “hồ tử thần” giữa làng đại học quốc gia từ nhiều năm qua.

Ông Trần Văn Hùng, một người dân sống gần khu hồ đá, bức xúc: “Tôi đã chứng kiến hàng chục vụ đuối nước tại đây, có thời điểm vụ sau cách vụ trước chỉ vài ngày, như trường hợp 4 công nhân rủ nhau ra hồ tắm vào ngày 31-10-2016, khiến một người chết, rồi sau đó một tuần, lại có một cô gái trẻ bị đuối nước, tôi bơi ra dìu vào bờ ngay lập tức nhưng vẫn không cứu được”.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong vòng hơn chục năm qua, đã có hàng chục người phải bỏ mạng ở “Hồ đá tử thần” mà phần lớn là sinh viên đang học ở các trường thành viên của Đại học Quốc gia và người dân ở địa phương sống quanh hồ. Sau khi đăng bài viết phản ánh tình trạng nguy hiểm ở hồ này thì Trung tâm Phát triển khu đô thị đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường nhiều biện pháp, như: cắm thêm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm và làm hàng rào bảo vệ ngăn người dân và sinh viên xuống hồ nhưng vẫn còn một số người phớt lờ cảnh báo, tìm cách mon men xuống hồ để chụp ảnh, vui chơi nên nguy cơ xảy ra chết đuối vẫn còn hiện hữu.

Hậu khai thác để lại những hố sâu thăm thẳm không có mục đích sử dụng và không được rào chắn cẩn thận đang là tình trạng phổ biến ở các mỏ đá trong khu vực. Cho đến nay, chưa thể thống kê hết những vụ tai nạn do đuối nước gây ra những cái chết thương tâm cướp đi sinh mạng của những học sinh - sinh viên và người dân sống xung quanh các hồ nước sau khai thác đá trên địa bàn các tỉnh trong khu vực. Nhưng chắc chắn một điều: Những vụ tai nạn như trên vẫn chưa dừng lại, nếu không có các biện pháp hữu hiệu cả trước mắt và dài hạn cho những mỏ đá thời kỳ hậu khai thác.

Theo sggp

Trở lại phường Kim Dinh của TP. Bà Rịa, lãnh đạo UBND phường cho hay, đã có đề xuất với cấp trên là UBND TP. Bà Rịa, được TP đầu tư để hồ trở thành một địa điểm du lịch, tuy nhiên đề nghị chưa được chấp thuận do lo lắng về nguy cơ tai nạn đuối nước. Vì vậy, phường đã đề nghị thành lập dự án hồ chứa nước để phục vụ công tác tưới tiêu cây trồng, hoa màu cho bà con trong vùng. Và tất cả cũng chỉ dừng ở kế hoạch, dự kiến, đề nghị…

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.