Bài 1: Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) được đầu tư từ năm 2003, với tổng diện tích quy hoạch là 365,22 ha gồm khu trung tâm và khu công nghiệp. Mặc dù theo quy hoạch tổng thể, vốn đầu tư giai đoạn 2010-2020 sẽ là 6.000 tỷ đồng, nhưng đến nay tổng vốn đầu tư cho khu kinh tế này chỉ mới 152,701 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng đầu tư chưa tương xứng với quy mô khiến Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế kém thu hút nhà đầu tư.

Tiềm năng dồi dào

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được đánh giá là nơi có vị trí đặc biệt thuận lợi so với các cửa khẩu khác trong khu vực, giao thông thông suốt từ khu vực nội địa đến cảng biển, gần sân bay qua các nước trong khu vực và nhất là khu vực trọng điểm phát triển có tính chất liên kết lan tỏa giữa các nước trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Bên cạnh đó, đây là khu vực có nhiều thế mạnh về cây công nghiệp và các loại nông sản để xuất khẩu.

 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Lê Lan
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Lê Lan

Đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu đã có 81 doanh nghiệp thành lập, trong đó có 54 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng tại khu trung tâm có 17 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mua bán kinh doanh, trong đó có 4 dự án đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 155,7 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, tính đến cuối tháng 6-2014, tổng doanh thu tại khu trung tâm đạt được 52,862 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 983 triệu đồng…

Cùng với đó, tình hình buôn bán qua lại giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia những năm qua có nhiều chuyển biến tốt, lượng hàng hóa mua bán qua cửa khẩu năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 4,2 triệu USD thì đến năm 2013 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng lên 103 triệu USD và trong 6 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 144,8 triệu USD (cao hơn so với cả năm 2013). Lượng người xuất nhập cảnh cũng tăng lên đáng kể, cụ thể năm 2005 có 13.000 lượt người, năm 2013 đã tăng lên 107.609 lượt (gấp 8,2 lần so với 2005), riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã có 64.994 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu (tăng 1,1 lần so với cùng kỳ 2013)…

Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có, nếu được đầu tư tương xứng, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy giao thương buôn bán và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hình thành đô thị biên giới quy mô nhỏ và từng bước đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện, tỉnh.

Nhưng mức đầu tư thấp

 

  Bãi tập kết xe hàng hóa chờ xuất nhập cảnh.  Ảnh: Lê Lan
Bãi tập kết xe hàng hóa chờ xuất nhập cảnh. Ảnh: Lê Lan

Ông Nguyễn Ngọc Đính-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã có 36 hạng mục công trình được đầu tư với tổng kinh phí 152,701 tỷ đồng gồm: trạm kiểm soát liên hợp, trụ sở làm việc của Ban Quản lý, chợ, bến xe cửa khẩu và một số hạng mục khác như đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ… Hiện vẫn còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư hoặc đầu tư dở dang, chẳng hạn như: tuyến đường giao thông khu A hiện đang tạm ngừng thi công. Nguyên nhân do một số vướng mắc, khó khăn, nhất là vấn đề về vốn. Cụ thể: Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ban hành về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 thì các dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu Trung ương chi hỗ trợ tối đa không quá 35% tổng mức đầu tư, phần vốn còn lại địa phương tự cân đối (65%), trong khi kinh phí của tỉnh có hạn chưa thể tập trung đầu tư lớn vào đây.

Không chỉ khó khăn trong đầu tư, kinh phí duy tu, sửa chữa, duy trì hoạt động khu kinh tế cũng gặp nhiều vướng mắc. Sau thời gian sử dụng, một số công trình hiện đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình phụ tại trạm liên hợp gây bức xúc cho cán bộ, công nhân viên và khách đến làm việc tại đây. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thốn trang-thiết bị cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nghiệp vụ của một số đơn vị tại trạm liên hợp cửa khẩu. Cụ thể, tại Khoa Kiểm dịch Y tế Biên giới (thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) hiện vẫn chưa xây dựng buồng cách ly bệnh nhân, chưa có tủ thuốc cấp cứu; việc khử trùng, kiểm tra y tế đối với hàng hóa cũng gặp khó khăn do thiếu phương tiện hoặc không có bộ phận xét nghiệm… Trong khi đó, nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm thông qua các cửa khẩu, sân bay đang là đề tài “nóng” được quan tâm hiện nay.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.