Bác sĩ quân y Việt Nam xử trí ca đột quỵ não cho nhân viên Liên Hiệp Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau khi xử trí ban đầu thành công ca đột quỵ não cho nhân viên Liên Hiệp Quốc, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tham gia vận chuyển bệnh nhân thẳng lên bệnh viện cấp 3 ở Uganda bằng máy bay.

Ngày 11-4, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC2.3) của Việt Nam đang làm việc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan đã tiếp nhận và cấp cứu ban đầu thành công một ca bệnh nặng.

 

Tiếp nhận bệnh nhân
Tiếp nhận bệnh nhân


Bệnh nhân nam người Nam Sudan là nhân viên LHQ, 50 tuổi, được đồng nghiệp đưa vào BVDC 2.3 lúc 10 giờ sáng ngày 11-4 trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, tỉnh táo, gọi hỏi đáp ứng được, huyết áp tăng rất cao 197/113 mmHg.

1 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột yếu liệt và giảm cảm giác nửa người phải. Bác sĩ Đặng Long Triêu, Trưởng khoa khám bệnh, và Phó giám đốc chuyên môn Trần Đăng Khoa đã trực tiếp xử trí bệnh nhân, kiểm soát huyết áp và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ là đột quỵ não bán cầu não bên trái giờ thứ nhất nghi do xuất huyết não - biến chứng tăng áp lực nội sọ trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 5 năm nhưng không điều trị.


 

 
 

Với điều kiện trang-thiết bị của một bệnh viện dã chiến cấp 2, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Hoàng Xuân Trường đã tiến hành siêu âm tại giường nhằm đánh giá đường kính bao dây thần kinh thị giác hậu nhãn cầu của bệnh nhân để đánh giá tình trạng tăng áp lực trong não nhằm hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh rõ ràng hơn.

Kết quả trên siêu âm cho thấy có sự tăng áp lực nội sọ rõ rệt, dự đoán có hiện tượng chèn ép não. Bệnh nhân ngay lập tức được xử trí theo theo phác đồ chuẩn của đột quỵ não.

Ngay khi Phó giám đốc chuyên môn BVDC 2.3 Trần Đăng Khoa báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Y tế phái bộ chuyển khẩn cấp bệnh nhân lên bệnh viện dã chiến cấp 3 để bệnh nhân được tiếp cận sớm với điều trị chuyên khoa về đột quỵ, Điều dưỡng trưởng BVDC 2.3 Trần Văn Tuấn đã khởi động quy trình chuẩn Di tản y tế MEDEVAC gồm nhiều khâu thủ tục hành chính chỉ trong chưa đầy 1 giờ để chuyến bay đặc biệt chuyển bệnh nhân được chấp thuận.


 

Đội Cấp cứu đường không AMET thuộc BVDC2.3 đã vận chuyển và bàn giao bệnh nhân an toàn qua BVDC cấp 3 ở thủ đô Kampala ở nước Uganda



Nhận lệnh, Đội Cấp cứu đường không AMET thuộc BVDC2.3 do bác sĩ Đinh Văn Hồng cùng 2 điều dưỡng phụ trách đã vận chuyển và bàn giao bệnh nhân an toàn qua BVDC cấp 3 ở thủ đô Kampala ở nước Uganda.

Trong nhiệm kỳ 12 tháng vừa qua, đây là trường hợp đột quỵ thứ 3 mà BVDC 2.3 đã chẩn đoán và xử trí kịp thời và thành công bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh, và là ca bệnh thứ 2 áp dụng hiệu quả phương pháp siêu âm đường kính bao dây thần kinh thị giác hậu nhãn cầu để đánh giá tình trạng tăng áp lực nội sọ nhằm hỗ trợ tích cực trong chuẩn đoán cũng như điều trị và tiên lượng đột quỵ não cấp trong điều kiện dã chiến trang thiết bị y tế thô sơ, không có các phương tiện hiện tại như máy CT scaner hay MRI. Những điều trên cộng với sự hiệp đồng, phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa, ban, đội trong BV đã góp phần không nhỏ tạo nên uy tín, sự tin tưởng của bệnh nhân cũng như trưởng y tế phái bộ đối với BVDC2.3, giúp tập thể BVDC2.3 hoàn thành tốt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan.

 

Theo D.Ngọc (NLĐO)
Ảnh, video do BVDC2.3 cung cấp

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.