Ấp iu tình "mẹ đỡ đầu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫu không mang nặng đẻ đau nhưng trong tâm trí các “mẹ đỡ đầu” luôn canh cánh nỗi lo cho những đứa con côi cút. Họ chỉ thôi thao thức, trăn trở khi con thơ vơi bớt tiếng khóc, ấm dạ, xúng xính áo quần tới trường.
 

Gặp những người “mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh đang tham gia chương trình giàu ý nghĩa nhân văn do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, họ đều bày tỏ nỗi niềm chung ấy. Tất cả đang chung sức với các gia đình để con trẻ vững bước vào đời.

Cám cảnh phận mồ côi

Ánh chiều vàng vọt hắt qua bậc cửa ngôi nhà cũ kỹ ở làng Hven (thị trấn Đak Pơ) khiến câu chuyện nuôi cháu nội từ thuở lọt lòng của bà Đinh Thị Ker thêm đong đầy xúc cảm. Bà Ker kể: Đinh Kiết năm nay 10 tuổi. Ngày cháu vừa đầy năm thì mẹ mất do bệnh hiểm nghèo. Thương cháu khát sữa, ngày ngày, bà bế Kiết đi quanh làng, cứ nhà ai có con nhỏ là dừng chân ghé vào. Lúc không xin sữa thì nhai cơm, giã hạt bắp non cho cháu ăn. Bố Kiết ngày ngày gắng làm thuê để có tiền mua sữa, thức ăn cho con. Những tưởng cuộc sống cứ yên bình trôi qua như thế. Nhưng trớ trêu thay, lúc Kiết vừa vào học lớp 4 thì người bố về với mây ngàn. “Bố nó mất, cuộc sống khó khăn gấp bội. Chưa kể, đất rẫy ít cộng với giá nông sản phập phù nên không đủ cho mấy miệng ăn trong nhà. Tuổi chúng tôi đã lớn, đi làm thuê cũng ít người mướn, chủ yếu làm mấy việc lặt vặt. Vất vả lắm nhưng con cái vắn số, gắng nuôi cháu nội thành người. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo thôi, biết làm sao khác được”-bà Ker vừa kể vừa đưa tay chấm mắt.

Chị Ngô Thị Huyền-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Gu (huyện Krông Pa)hướng dẫn 2 chị em Siu Kasi học bài. Ảnh: Hoành Sơn
Chị Ngô Thị Huyền-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Gu (huyện Krông Pa) hướng dẫn 2 chị em Siu Kasi học bài. Ảnh: Hoành Sơn



Dù mới 3 tuổi nhưng cháu Nguyễn Thị Hồng Ngọc (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) đã phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Bố mất khi Ngọc vừa lọt lòng. Bệnh tật đeo bám, 4 mẹ con Ngọc thay phiên nhau nằm viện. Chị Trần Thị Ngoãn (mẹ Ngọc) rầu rĩ: “Sinh nở nhiều khiến sức khỏe của tôi giảm sút, mắc nhiều bệnh, thường phải nhập viện điều trị. Công việc đồng áng và nhà cửa đều do chồng gánh vác. Từ khi anh ấy mất, cuộc sống gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Tôi gắng gượng làm mướn nuôi con, trả nợ nhưng chẳng ăn nhằm gì. Mới làm được mấy hôm lại phải đi viện, tiền công làm thuê đổ vào mua thuốc hết. 3 đứa con thì nheo nhóc, hay ốm đau. Bữa rồi, bé Ngọc mới điều trị xong viêm phổi thì đến đứa con trai thứ 2 nhập viện do ngã gãy tay lần 2, nay đến lượt tôi đi viện điều trị viêm khớp. Thật khổ hết chỗ nói”.

Ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), 2 chị em Rơ Ô H'Nhan (SN 2009) và Rơ Ô H'Tâm (SN 2011) mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ khác. H'Nhan ở với bà ngoại, còn H'Tâm về ở với người họ hàng tại xã Ia Rmok. Dù vậy, kinh tế của gia đình bà ngoại, họ hàng các em cũng không khá khẩm là bao, chạy cơm từng bữa. Sâu thẳm trong đôi mắt của những đứa trẻ người Jrai côi cút đượm nỗi buồn. Gạt nước mắt, H'Nhan sụt sùi: “Mẹ mất, bố lấy vợ khác, 2 chị em phải sống xa nhau. Hôm nào nhớ em quá, em nhờ người chở lên thăm rồi lại về. Bà ngoại mắc bệnh u não, em phải nghỉ học chăm bà. Hàng xóm thương nên thường gọi em đi làm thuê, trả công chừng 150 ngàn đồng/ngày hoặc mang gạo, thức ăn qua cho. Ở đây kiếm việc làm không dễ nên tiền công cũng không đủ mua thuốc cho bà, thức ăn hàng ngày. Nhiều khi, hai bà cháu hái rau mọc quanh vườn ăn thay cơm”.

Hội Phụ nữ cơ sở Trung đoàn 38 (Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) tặng nhu yếu phẩm cho em Đinh Kiết. Ảnh: Nguyễn Hiền
Hội Phụ nữ cơ sở Trung đoàn 38 (Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) tặng nhu yếu phẩm cho em Đinh Kiết. Ảnh: Nguyễn Hiền



Hai chị em Siu Kasi (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) cũng đồng cảnh ngộ. Mới 8 tuổi mà nom Kasi già dặn lắm. Để cậu, dì yên tâm lên rẫy làm lụng kiếm tiền nuôi 2 chị em và bà ngoại ốm liệt giường, Kasi đảm nhiệm việc nấu ăn, rửa bát, quét nhà. Đôi khi, Kasi dắt díu em trai lên rẫy theo người thân mót nông sản sót sau vụ thu hoạch.

Cho đời con bớt chông chênh

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.866 trẻ mồ côi. Nhằm phần nào giúp các em vơi bớt khó khăn, từ năm 2021 đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu”. Hiện đã có 135 trẻ mồ côi được cá nhân, Hội Phụ nữ các cấp nhận đỡ đầu.


Từ đầu năm 2022 đến nay, khi được Hội LHPN thị trấn Đak Pơ và Hội Phụ nữ cơ sở Trung đoàn Bộ binh 38 (Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) nhận đỡ đầu, cậu học trò nghèo Đinh Kiết cùng ông bà nội không còn phải đối mặt với nỗi lo thiếu cơm ăn hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ-cho hay: “Từ khi được nhận đỡ đầu đến nay, cháu Kiết được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng cùng các loại nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, chị em phụ nữ còn thay phiên nhau đến nhà hướng dẫn cháu học hành và chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi giúp ông bà nội Kiết có thêm nguồn thu nhập. Ngoài Đinh Kiết, các cấp Hội Phụ nữ ở Đak Pơ còn nhận làm “mẹ đỡ đầu” cho 32 trẻ mồ côi với mục đích là góp sức để các cháu vượt qua nghịch cảnh”.

Cuộc sống của gia đình cháu Nguyễn Thị Hồng Ngọc cũng đã bớt sự quạnh quẽ khi có sự chung tay đỡ đần của Hội LHPN xã Nghĩa Hòa. Không chỉ nhận làm “mẹ đỡ đầu” Ngọc, chị em phụ nữ trong xã còn giúp đỡ cả gia đình. Khi phải nhập viện hoặc chăm con ở viện, chị Ngoãn được các hội viên luân phiên đến dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, chăm sóc các con giúp. Các “mẹ đỡ đầu” còn vận động Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí hỗ trợ gia đình. Nhắc chuyện “mẹ đỡ đầu”, khuôn mặt chị Ngoãn hiện nét vui: “Nhờ có các chị em, nhất là chị Phạm Thị Thu Hằng-Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hòa chung tay giúp đỡ, gia đình tôi có nhiều sự thay đổi. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm, mỗi khi gia đình tôi có việc không may, các chị ấy đều đến động viên, chia sẻ. Riêng nhà chị Hằng ở sát vách nên có đồ ăn, thức uống gì cũng mang cho các cháu. Nhiều hôm, anh chị gọi cả nhà tôi qua ăn cơm chung. Sự động viên kịp thời của các chị giúp chúng tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Các con tôi cũng vui vẻ học hành nên đạt kết quả tốt hơn trước”.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đak Pơ thăm hỏi, động viên Đinh Kiết chăm lo học hành. Ảnh: Nguyễn Hiền
Đại diện Hội LHPN thị trấn Đak Pơ động viên em Đinh Kiết chăm lo học hành. Ảnh: Nguyễn Hiền



Tiếp chuyện chúng tôi, chị Hằng cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình “mẹ đỡ đầu” từ đầu năm 2021 với trường hợp đầu tiên là cháu Nguyễn Thị Hồng Ngọc. Hội sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ mọi mặt cho đến lúc cháu Ngọc tròn 18 tuổi và phấn đấu nhận đỡ đầu thêm 1 trường hợp nữa trong những năm tới”.

Sắc vui đang hiện hữu trong mấy ngôi nhà sàn tuềnh toàng của gia đình 2 người bà ngoại của 4 chị em H'Nhan và Kasi. Niềm vui đó xuất phát từ sự chung tay đỡ đần của các cấp Hội LHPN huyện Krông Pa qua chương trình “mẹ đỡ đầu”. Đón nhận phần quà gồm gạo, sữa, bánh kẹo do Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Gu Ngô Thị Huyền tặng em Kasi lí nhí nói lời cảm ơn và hứa nỗ lực học hành để không phụ lòng “mẹ đỡ đầu”. Bà ngoại của Kasi siết chặt tay chị Huyền nói trong nước mắt: “Già biết ơn các chị nhiều lắm. Có chị em nhận đỡ đầu, giúp đỡ các cháu, già có sớm về với tổ tiên cũng yên lòng rồi”.

Bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa-thông tin: Bằng tình thương, lòng yêu trẻ, các hội viên phụ nữ đã tạo điểm tựa vững chắc cho những trẻ được nhận nuôi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình các em. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện nhận đỡ đầu 21 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã hỗ trợ hơn 60 suất quà (trị giá gần 20 triệu đồng) cùng 5 cặp heo giống cho các trẻ được nhận đỡ đầu. Hội cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề khi các cháu tròn 18 tuổi để có việc làm ổn định. Trên địa bàn huyện còn hơn 300 cháu mồ côi với 179 trẻ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Chúng tôi đang vận động các cấp Hội Phụ nữ đăng ký nhận đỡ đầu trong những năm tới.

…Ở đời, không ai sinh con lại muốn con mình phải chịu khổ. Nhưng họa phúc khôn lường. Tấm lòng thơm thảo của những người “mẹ đỡ đầu” cưu mang những mảnh đời đói khổ sẽ tiếp thêm động lực giúp các em vượt lên số phận, trở thành người có ích, hướng thiện. Và, khi lòng tốt có ở muôn nơi thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

 

 HOÀNH SƠN

 

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.