Chuyện không hề giỡn chơi là giám đốc một bệnh viện đã đề xuất với Công an phường cấp áo giáp và khiên cho các bác sĩ để chống những côn đồ bệnh viện.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh giờ phải... tập võ để có thể thoát thân trong những trường hợp bị tấn công. Trong ảnh: Vật dụng mà một thân nhân người bệnh dùng để đâm bác sĩ. Ảnh: CTV |
Người đề xuất cũng là một bác sĩ: Ông Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Theo báo Công an, bác sĩ Khanh đã đề xuất với công an phường nghiên cứu xem có thể cung cấp một chiếc khiên để tại khoa cấp cứu của bệnh viện phòng khi có trường hợp tấn công nhân viên y tế, nhất là người tấn công bằng dao… còn có cái để đỡ.
Ngoài khiên, bệnh viện cũng muốn Công an có thể cấp mũ có mặt nạ và 1 - 2 bộ áo giáp để bộ phận bảo vệ mặc, tiếp cận khống chế những người dùng hung khí tấn công nhân viên y tế, trong khi chờ Công an tới.
Trang bị áo giáp và khiên cho các bác sĩ. Nghe qua thì đúng là rất buồn cười. Nhưng nghĩ kỹ, thật sự là cười không có nổi.
Tình trạng thân nhân bệnh nhân hành hung cán bộ y tế- hay nói đúng hơn là những côn đồ bệnh viện diễn ra liên tục với mức độ ngày càng bạo lực hơn. Đến mức ngay ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa tuần trước xảy vụ bác sĩ bị bóp cổ, ngay tuần sau tiếp tục bị người nhà bệnh nhân đâm bằng dao bấm.
Tôi vẫn theo dõi những dòng status (cảm nghĩ) của người bác sĩ bị bóp cổ ở Bệnh viện Gia Định hôm ấy. Anh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cứu người, trong tình trạng sốc tâm lý nặng nề. Anh, vẫn không thể giải thích cho gia đình, cho chính mình được là tại sao lại bị tấn công trong lúc đang làm nhiệm vụ cứu giúp người khác.
Thật sự không thể cười được. Bởi trong chuyện bác sĩ muốn áo giáp và khiên che kia ẩn chứa những lo sợ, ẩn chứa nỗi buồn và cả sự chán nản, nếu như không nói là tuyệt vọng.
Đây là lần thứ n, nhưng vẫn phải nhắc lại những dòng chữ nhuốm nước mắt của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước cái chết của một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm thủng màng tim: “Trong căn nhà đơn sơ, gia sản hầu như không có gì, tôi không thể cầm nước mắt khi nhìn lên bàn thờ ông. Có hai vật mà tôi nhớ nhất, là chiếc ống nghe và cuốn sổ tay ghi chép theo dõi bệnh nhân. Ông thiệt mạng tại nơi làm việc".
Năm ấy, nữ bộ trưởng viết rằng: Những hành vi côn đồ cần phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Đúng như thế, nhiệm vụ cứu người cũng thiêng liêng cao cả như nhiệm vụ bảo an vậy.
Ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, giờ đây, các bác sĩ đang phải... tập võ để có thể tự bảo vệ mình.
Có ở nơi nào lại có những câu chuyện kỳ quặc, những câu chuyện quá buồn như thế này không?
Theo Đào Tuấn (LĐO)