Võ Trân Châu thích sống với những điều xưa cũ. Cô kể mình đã ngồi trong căn phòng thế nào, rị mọ từng đường kim qua thớ vải và từ tốn nghĩ về những di sản mà cô hay chúng ta đã đánh mất.
Thương xá Tax trong mắt nghệ sĩ Võ Trân Châu - Ảnh: MAI THỤY |
Nhặt lá rừng xưa đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TP.HCM) và kéo dài đến ngày 10-4 có lẽ là triển lãm nút thắt của nghệ sĩ Võ Trân Châu. Người ta thấy ở 19 tác phẩm được trưng bày ân tình của cô với nghề dệt, các công trình kiến trúc bị phá dỡ và với những thứ rất nhỏ nhắn nhưng cũng đã cũ mòn.
1. Ký ức về những ngày còn bé của nghệ sĩ Võ Trân Châu gắn liền với công việc may vá, thêu thùa cho xưởng may gia đình. Thực hành nghệ thuật của cô bao giờ cũng gắn với vải.
Vậy nên, bốn tác phẩm đồ sộ nhất trong triển lãm là về những xưởng dệt trải dọc VN thời Pháp thuộc: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy dệt 8-3, Nhà máy dệt Phú Phong và Nhà máy dệt Phú Lâm.
Tất cả những nơi này giờ đây đã bị dỡ bỏ để nhường không gian cho các công trình mới. Dấu tích duy nhất còn lại của chúng nằm mờ nhòe trong những tấm ảnh cũ lác đác trên Internet hoặc nơi ký ức người dân.
Tác phẩm của nghệ sĩ Võ Trân Châu, dưới dạng họa tiết mosaic, cũng nhòe đi như vậy. Người xem phải đứng xa xa, nheo mắt lại mới ngắm hết được chi tiết ẩn trên những tấm vải lớn.
Lục lọi tàn tích của những nhà máy một thời nhộn nhịp cũng là quãng đường nghệ sĩ đi tìm quá khứ nghề dệt. Võ Trân Châu chia sẻ rằng ngành dệt may VN đã phát triển mạnh vào thời Pháp thuộc cho đến tận ngày nay, thế nhưng trái với những món đồ xa xỉ công nhân may hằng ngày, họ lại phải sống trong điều kiện tệ hại.
Bốn tấm vải lớn trong triển lãm tương ứng với bốn nhà máy được quây thành một căn phòng nhỏ bằng diện tích nhà trọ của công nhân thu nhập thấp. 0Cảm giác tiếc nuối dành cho nhà máy cũng sóng đôi với sự đồng cảm của nghệ sĩ dành cho những người may vá.
2. Từ các nhà máy cũ, Võ Trân Châu luồn mũi kim xa hơn, mảnh vải nhỏ của cô ghép lại thành những di sản đã vĩnh viễn biến mất: hệ thống xe điện Sài Gòn, xưởng đóng tàu Ba Son, thương xá Tax, nhà thờ Trà Cổ và trường vẽ Gia Định.
Mỗi địa điểm đều ghi lại dấu ấn trong lịch sử kinh tế, giao thông, công nghiệp... mà vai trò của chúng không thể thay thế được. Dù chỉ là ngẫu nhiên, những kiến trúc ở Sài Gòn vốn gắn với ký ức của nghệ sĩ vẫn cuốn lấy cô. Nhặt lá rừng xưa không hẳn là một triển lãm về cái đã mất mà đúng hơn là về thứ quý giá mà chúng ta không níu giữ được.
Tác phẩm trong triển lãm đều làm bằng vải từ quần áo đã qua sử dụng, đồ vật trưng bày từ khung cửa gỗ, bộ bàn ghế cũng vậy. Nhặt lá rừng xưa có vẻ như muốn nói nhiều hơn đến "cái mới" qua hình hài của những món đồ cũ.
Nghệ sĩ lý giải tất cả sự tan biến của các di sản này như một hệ quả tất yếu cho sự chạy đua của con người với những điều mới lạ: những bộ quần áo theo mốt mới, vật dụng sang trọng, trung tâm thương mại cao hơn và rộng lớn hơn.
Và vì vậy, tác giả ngần ngại nếu công chúng đến xem Nhặt lá rừng xưa chỉ vì nó mới, rồi lại lướt qua từng tác phẩm cũng nhanh như cách chúng ta lướt qua các di sản mỗi ngày...
Theo MAI THỤY (TTO)