Chiếc cối của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ góp phần làm ra hạt gạo trắng ngần, chiếc cối còn là dụng cụ làm bếp và có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng.
Ở buôn làng Tây Nguyên, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc cối giã gạo đường kính 40-50 cm, cao ngang thắt lưng người lớn nằm úp ngược hay chỏng chơ nơi gầm nhà sàn. Từ lúc máy xay xát trở nên phổ biến, chiếc cối đã qua thời “vàng son”. Tuy nhiên, thi thoảng nó vẫn được dùng để chế biến các món ăn truyền thống như: canh bột, lá mì, cà đắng, muối é... trong dịp lễ trọng của gia đình với quy mô đông người. Ngày trước, để làm ra hạt gạo, đồng bào Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng phơi lúa thật khô giòn, loại bỏ hạt lép, đổ trực tiếp vào cối giã. Lượt giã đầu chỉ nhằm tách vỏ lúa như cách mà người Kinh nhờ vào chiếc cối xay lúa. Sau công đoạn sàng sảy, gạo lứt lại được cho vào cối, tiếp tục giã để loại bỏ phần lớn lớp lụa cám, cho hạt gạo thành phẩm trắng ngần.
 Chiếc cối có vai trò quan trọng trong đời sống của các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên. Ảnh internet
Chiếc cối có vai trò quan trọng trong đời sống của các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên. Ảnh internet
Chế độ mẫu hệ quy định trước khi bắt chồng, cô gái Jrai có thời gian về ở tại nhà chàng trai, gọi là thời gian thử thách. Ngoài lời ăn tiếng nói, cách ứng xử thì công việc là thử thách quan trọng hơn cả. Không ít cô gái bị “mất điểm” bởi chiếc cối, ví dụ như không kiểm tra kỹ lòng cối để phát hiện quả trứng được bỏ vào có chủ đích trước khi đổ lúa vào giã chẳng hạn...
Mí Nhép (buôn Bluk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) năm nay tuổi ngoài 60. Mí kể: Với người Jrai, giã gạo là công việc chỉ dành cho phụ nữ. Tận dụng thời gian rảnh rỗi vào sáng sớm, chiều muộn, họ đem lúa ra giã. Việc giã gạo mất khá nhiều thời gian, công sức nên chị em thường rủ nhau cùng giã chày đôi, chày ba luân phiên từng nhà cho vui. Những gia đình chuẩn bị có lễ trọng như pơ thi, cưới xin, ma chay… cần nhiều gạo để nấu cơm thì mượn thêm cối các nhà trong làng, tụ tập chị em cùng nhau giã. Nhịp chày trong sương, tiếng giần sàng, sảy lúa hòa cùng tiếng cười nói chuyện trò tình cảm cộng đồng thêm bền chặt, vơi đi nỗi mệt nhọc, mang lại hiệu quả công việc.
Quanh câu chuyện “chế tác” ra chiếc cối giã, ma Nhép (chồng mí Nhép) cho biết: Đàn ông con trai người Jrai chừng như ai cũng biết đẽo cối. Cối giã thường được làm từ cây lộc vừng, lấy đoạn gần gốc cây bởi thớ gỗ dai giúp cối không bị nứt toác qua thời gian, ít hao mòn khi thường xuyên bị ma sát. Lúc thân cây còn tươi, người ta dùng rìu đẽo vạt thô bên ngoài tạo hình chiếc cối. Đợi đến lúc đoạn cây gỗ khô hẳn mới khoét tròn miệng cối, sau đó cho than cháy đỏ vào. Cứ theo vệt cháy mà tiếp tục nạo khoét sâu đến khi hoàn chỉnh lòng cối. Các công đoạn đều làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian. Tùy vào chức năng sử dụng mà làm ra chiếc cối có kích cỡ tương ứng. Như cối dùng để chế biến thức ăn thì nhỏ hơn, gian bếp nhà nào cũng có.
Tôi có anh bạn giáo viên người Jrai, định cư ở Pleiku đã lâu. Tiện nghi trong nhà khá đầy đủ, hiện đại. Tuy thế, vợ chồng anh vẫn mang theo từ làng bộ đôi chày cối truyền thống, quý như của vật gia bảo. “Cối gỗ tiện công nghiệp, cối đá được bán đầy ra đấy nhưng dùng để chế biến thức ăn truyền thống của người Jrai xem chừng không hợp cho lắm, sản phẩm giảm hẳn hương vị. Không chỉ riêng tôi, nhiều gia đình người Jrai sống ở phố thị đều có bộ chày cối như vậy. Nó đã thuộc về kỷ niệm, gợi ký ức làng mỗi khi dùng đến, mỗi lúc ngắm nhìn”-bạn tôi tâm sự.
 ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.