Ân tình này... nhớ mãi!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày sau nới lỏng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, rất nhiều người dân sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM và một số địa phương phía Nam đã trở về quê nhà. Phóng viên Báo SGGP đã có mặt trên chuyến tàu SE24, khởi hành tại ga Sài Gòn trưa 14-10, cùng hơn 500 người dân Tuyên Quang, ghi nhận những câu chuyện cảm động trên hành trình trở về quê.

Hành khách chào tạm biệt thành phố thân yêu trước khi tàu rời ga Sài Gòn
Hành khách chào tạm biệt thành phố thân yêu trước khi tàu rời ga Sài Gòn
1. Cầm trên tay tấm vé do chị Minh, Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Tuyên Quang tại TPHCM trao ở cửa chính ga Sài Gòn, bà Trần Thị Lan nghẹn lời: “Vậy là bà cháu tôi sắp được về nhà rồi, mừng không thể tả”. Hành lý của hai bà cháu có một túi xách nhỏ được vợ chồng con trai gói ghém, nào là quần áo, tã bỉm, đồ chơi của bé Bim; nào là sữa, bánh và mấy gói mì tôm. “Đấy, có vậy thôi. Mấy tháng vào thành phố cho bố mẹ nó gặp thằng bé, chẳng may cả nhà mắc Covid-19. Hai bà cháu tôi có 18 ngày ở Bệnh viện Nhi đồng 2, kiên cường vượt qua Covid-19 để hôm nay được về nhà với ông cháu…”.
Cùng ngồi hàng ghế với bà Lan là hai bà cháu bà Phi cũng vào thăm con rồi mắc Covid-19. Bà Phi nở nụ cười thật tươi: “Bà cháu tôi cũng sắp được về nhà rồi. Tôi mang ơn người thành phố nghĩa tình nhiều lắm…”. Nói đến đây bà Phi nghẹn lời, quay mặt ra hàng ghế sau giấu giọt nước mắt. “Hai con làm công nhân sống trong khu trọ ở TP Thủ Đức. Đưa thằng bé vào với bố mẹ nó, chưa kịp về thì kẹt lại do giãn cách xã hội, rồi mắc Covid-19. Mấy tháng qua, mấy bà cháu tôi được người thành phố chăm chút từng bữa rau, bữa cháo, viên thuốc, hộp sữa… Thật không sao kể hết sự giúp đỡ quý báu đó. Về mà nhớ bà con mình trong ấy lắm”, bà Phi nói.
Nhiều trường hợp người bệnh Covid-19 đã qua khỏi, có mặt trên chuyến tàu SE24 mà chúng tôi gặp, đã chia sẻ về cuộc sống đáng nhớ của họ trong những ngày giãn cách vừa qua. Trong số đó có gia đình anh Nguyễn Văn Thành với 5 người mắc Covid-19, đều được chăm sóc, điều trị qua khỏi. Anh Thành nhớ lại: “Vợ chồng tôi làm công nhân ở Công ty Pouyuen Việt Nam, chị gái buôn bán ở chợ bị lây nhiễm từ khu trọ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, sau đó đến 2 đứa cháu. Công ty ngừng việc, cả nhà mắc Covid-19, tiền thuê trọ không đủ đóng khiến gia đình tôi lúc đó kiệt quệ, bế tắc. Cũng may nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của công ty, rồi chính quyền địa phương và anh chị em trong khu trọ mà gia đình đã vượt qua được”.
Trên đoàn tàu nghĩa tình còn có nhiều thành viên là cụ già, phụ nữ mang thai và hơn 20 bé sơ sinh từ 1-6 tháng tuổi được gia đình lần đầu tiên đưa về thăm quê. Bé Gấu, con vợ chồng anh Nguyễn Minh Nam và chị Nguyễn Hà San, 1 tháng tuổi, được bố, mẹ và bà tranh nhau ẵm bồng. Anh Nam chia sẻ: “Khi biết tin chính quyền quê nhà Tuyên Quang tổ chức đón người dân về quê, gia đình quyết định đưa bé về quê mấy tháng, cứng cáp chút lại đưa vào. Trong những ngày giãn cách xã hội, gia đình tôi và nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được các cấp chính quyền TPHCM và bà con trong xóm trọ phường 13 (quận Gò Vấp) chăm lo, hỗ trợ. Ân tình này gia đình tôi nhớ mãi”.
2. “A, mày cùng về với tao hả, vui quá”. “Chú Hải, con nhớ chú quá, bố con dặn phải tìm đón chú về cùng…”. Sân ga Sài Gòn trước giờ tàu SE24 chuyển bánh rộn ràng tiếng nói cười, vẫy tay, ôm chặt lấy nhau của những người đồng hương gặp lại nhau sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội. Nhóm công nhân Công ty May Việt Hưng ra tiễn bạn làm chung cứ rối rít dặn dò: “Cái Lan, cái Hòa về đến nhà báo tụi mình biết ngay nhá. Nhớ là vào làm lại với chị em đấy”. “Nhớ anh chị em dây chuyền 6 lắm, yên tâm đi, bọn mình vào lại mà”, một nam công nhân trong nhóm của chị Lan bước vội lên toa số 4, giơ tay chào, nói.
Tiễn đoàn trở về quê nhà tại ga Sài Gòn hôm nay còn có đại diện Hội đồng hương tỉnh Tuyên Quang tại TPHCM, đến trao từng tấm vé tàu cho bà con, ân cần căn dặn giữ gìn sức khỏe cho hành trình dài và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên tàu. Chị Minh và chị Hường (hội đồng hương) lên từng toa, đến chỗ ngồi của từng người bịn rịn chia tay, hỏi han xem có ai cần sự hỗ trợ gì không. Nắm chặt tay nữ công nhân Phạm Thị Hà, chị Hường nói: “Mong bà con mình về an toàn, mạnh khỏe. Khi nào trở lại TPHCM nhớ báo với Ban liên lạc Hội đồng hương nhé mọi người. Cần hỗ trợ gì cứ nói, chúng tôi luôn sẵn lòng”.
Tiếng còi tàu cất lên hồi dài thứ nhất báo hiệu sắp tới giờ tàu chạy, cả toa số 3 đều đứng hết dậy nhìn ra cửa toa, vẫy chào: “Tạm biệt thành phố, hẹn ngày gặp lại”, “Nhớ lắm thành phố ơi”… Các toa số 2, 4, 5 cũng đứng hết cả lên dõi mắt qua ô cửa toa ngắm nhìn đường phố TPHCM đang nhộn nhịp trở lại sau hơn 4 tháng vắng lặng. Anh Lê Viết Ngàn nghẹn lời: “Tôi sống ở thành phố nghĩa tình này được hơn 8 năm rồi. Năm nào cũng về thăm nhà vào dịp cuối năm, nhưng lần về này thấy ưu tư và nhớ thành phố lắm. Tôi sẽ trở lại thành phố này với nghề tài xế xe buýt mà mình đã gắn bó bao năm nay…”.
Là chuyến tàu chuyên biệt do tỉnh Tuyên Quang hợp đồng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đón bà con từ TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về quê nhà nên trong suốt hành trình từ các ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đến điểm cuối tại ga Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), tàu không dừng đón - tiễn khách. Hành khách đi tàu được trang bị bộ đồ phòng hộ, khẩu trang, thuốc dự phòng các bệnh thông thường và những hành khách cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người đau ốm được nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhờ vậy mà ai nấy đều rất yên tâm, tinh thần thoải mái trên hành trình dài hơn 2.000km trở về quê nhà.
4 giờ 30 ngày 16-10, tàu vào ga Hàng Cỏ, Hà Nội và chỉ dừng tại đây 20 phút thay đầu máy rồi đi tiếp gần 100km đến ga cuối Phú Thọ. Suốt đêm, bà Lan, bà Phi và nhiều hành khách đã không chợp mắt, nôn nao nghĩ đến giây phút về đến quê nhà. Ai cũng có tâm trạng mong sẽ trở lại TPHCM tiếp tục cuộc sống, công việc với bộn bề khó khăn đang chờ phía trước trong điều kiện bình thường mới. Cũng không ít những suy nghĩ, toan tính trên hành trình trở về quê nhà đang đặt ra sự lựa chọn giữa ở lại quê nhà hay trở về nơi mà mình đã gắn bó với bao kỷ niệm của những tháng ngày vất vả vừa qua…
8 giờ 20 ngày 16-10, tàu SE24 về tới sân ga Phú Thọ, sau hơn 40 giờ hành trình. Đón đoàn tại ga Phú Thọ có đại diện lãnh đạo Sở LĐTB-XH, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang và thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Công tác tiếp đón được 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ chuẩn bị khá chu đáo, người dân ở huyện nào được xe đưa về huyện đó. Từ đây về tới quê nhà, có người phải đi thêm hơn 100km nữa. Được về quê trong sự quan tâm, hỗ trợ tận tình  suốt hành trình dài trên chuyến tàu yêu thương, cho đến không khí đón tiếp ân tình, chu đáo của các cấp chính quyền địa phương, ai nấy đều ấm lòng, vững tin về một ngày mai bình yên đang ở phía trước.
Tỉnh Tuyên Quang cử tổ công tác vào TPHCM mang theo trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con trên hành trình trở về quê nhà. Ngoài miễn phí toàn bộ vé tàu, ăn uống, khẩu trang, bộ đồ phòng hộ, chi phí test nhanh Covid-19, tỉnh Tuyên Quang còn bố trí xe đón bà con đi từ ga Phú Thọ về tận các huyện và TP Tuyên Quang. Tất cả bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 và sức khỏe, an toàn nhất cho bà con. Chung tay trong chuyến hành trình về quê nhà của bà con tỉnh Tuyên Quang, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây còn đưa lên tàu sữa tươi, dầu gió, thuốc xông và hơn 200 túi thuốc nghĩa tình gửi hỗ trợ các trường hợp mắc và tái mắc Covid-19.
HOÀI NAM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.