(GLO)- Theo đại diện Airbus, hãng đang hợp tác hàng không vũ trụ và muốn mở rộng thị trường máy bay trực thăng quốc phòng tại Việt Nam.
Chiều 7-12, Bà Hoàng Tri Mai- Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết, đây là thị trường trọng điểm của Airbus. Ngoài máy bay thương mại, hãng đang cung cấp dòng trực thăng H145M và H225M phù hợp với yêu cầu khai thác của quân đội và dòng H175 phù hợp với ngành dầu khí, tìm kiếm cứu nạn và máy bay vận tải C295 cho lực lượng không quân.
|
Lãnh đạo Airbus trao đổi với báo chí. Ảnh: Anh Duy |
Tổng Giám đốc phụ trách mảng quốc phòng và không gian vũ trụ của Airbus tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương Johan Pelissier, cho hay, tập đoàn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác để hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành hàng không vũ trụ bởi hãng nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam.
Airbus đã sản xuất vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam là VNREDSat-1, được phóng lên quỹ đạo năm 2013, hiện vẫn hoạt động tốt. Vệ tinh này đánh dấu Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ.
Sau thành công của VNREDSat-1, Airbus đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để xác định giải pháp cho vệ tinh VNREDSat-2, trong đó bao gồm chương trình chuyển giao công nghệ. Vệ tinh này sẽ có những bước nhảy vọt về công nghệ, trong đó độ phân giải gấp đôi công nghệ cũ.
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Airbus cho biết sẽ giới thiệu nhiều loại trực thăng, máy bay vận tải quân sự. Các loại máy bay này có nhiều ưu điểm, tính năng mới như thời gian bay lâu hơn, chi phí vận hành thấp, giảm tiêu thụ nhiên liệu...
|
Một máy bay trực thăng của Airbus tại Việt Nam. Ảnh: Airbus |
Airbus có 20 máy bay cánh quạt và vận tải quân sự đang thực hiện các nhiệm vụ bao gồm vận chuyển, dịch vụ công, thăm dò, khai thác dầu khí và hoạt động quân sự tại Việt Nam.
Theo ông Fabrice Rochereau-Tổng giám đốc Kinh doanh và tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus, hãng này nhận thấy nhu cầu đổi mới đội trực thăng quân sự của Việt Nam trong tương lai, thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải và dịch vụ công. Trong khi phân khúc thăm dò và khai thác dầu khí sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho dòng trực thăng dân dụng.
Hiện số máy bay trực thăng của Airbus chiếm 12% thị phần tại Việt Nam, trong đó máy bay Airbus chiếm 50% đội trực thăng thăm dò, khai thác dầu khí. Tính trên toàn thế giới, máy bay trực thăng của Airbus chiếm 40% thị phần. Để tăng thị phần, chúng tôi đang làm việc với các đội ngũ phát triển công nghệ đưa ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu của thị trường Việt Nam-ông Fabrice Rochereau nói.
Lãnh đạo Airbus cũng khẳng định nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam và tập đoàn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác để hỗ trợ đất nước xây dựng và phát triển ngành hàng không vũ trụ.
L.H (theo thanhnien, vnexpress, dautu)