Ai về thương với mùa don

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Don vốn chẳng có mùa nhưng chớm hè là lúc những con sông ở Quảng Ngãi lại tấp nập người cào don. Và don, như một đặc sản xứ này, chẳng nơi nào có được.
 

Thương nhớ mùa don

Chiều đầu hạ, trên những miệt sông quê Quảng Ngãi thấp thoáng những bóng người như chấm nhỏ trên mặt sông nặng phù sa, nơi con nước cuối mùa mưa thượng nguồn đổ xuống đồng bằng nhỏ hẹp ven biển Quảng Ngãi và đổ ra cửa biển. Đàn ông, đàn bà quanh những dòng sông Vệ, sông Trà Khúc lại í ới gọi nhau ra lặn ngụp cùng con nước để cào don. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Thường vào mùa khô hạn, khoảng tháng 4 đến tháng 5, người dân xung quanh hai con sông mới vào mùa cào don. Nhưng, có khi vào tháng 7 don cũng xuất hiện nhiều.

Cào don có lẽ cũng là một nghề đặc biệt ở ven sông Quảng Ngãi. Người ở sông Trà hay sông Vệ vẫn cào don đều đặn cả ngày nắng lẫn ngày mưa, bởi vì don vốn không mùa. Nhưng, những tháng nắng hung nắng dữ thì bắt don mới dễ và con don mới dâng hết độ ngon. Dù được đánh bắt ở nhiều nơi nhưng hương vị don ngon nhất phải được đánh bắt trên sông Trà và sông Vệ Quảng Ngãi. Chẳng thế mà dù đi bất cứ đâu, vị don vẫn không thể lẫn được bởi cái chất đặc trưng của don xứ này.


 

Trên dòng sông Trà, sông Vệ, nhiều người mưu sinh bằng nghề cào don.
Trên dòng sông Trà, sông Vệ, nhiều người mưu sinh bằng nghề cào don.



Don là loài nhuyễn thể có họ hàng với hến. Con lớn nhất chỉ bằng móng tay út. Vỏ được tạo bởi 2 mảnh mỏng. Thịt don màu vàng nhạt, có tua nhỏ viền xung quanh. Don sống vùng nước lợ và vùi trong tầng cát đáy sông. Hai bên dòng sông Trà, sông Vệ, có những làng sống nhờ nghề cào don. Như xã Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa) có gần 500 hộ dân sống nhờ vào dòng sông Trà Khúc, trong đó có gần 100 hộ dân sống bằng nghề cào don.

Và nghề cào don cũng giúp nhiều người không đi cào có thu nhập ổn định, đó là nghề làm cào don. Như ông Lê Ca (thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi), người chuyên đan cào don cung cấp cho hàng trăm hộ dân làm nghề. Ông Lê Ca cho biết, chiếc nhủi gắn với nghề cào don đã lâu.Để làm ra những chiếc cào như thế cũng khá kỳ công, phải chọn loại tre già ngâm nước, phơi nắng cho tre chắc lại, rồi mới vót, đan khá cầu kỳ.Mỗi chiếc cào có giá gần 300 ngàn và đan trong vòng từ 4 ngày tới 1 tuần mới xong. Qua bàn tay khéo léo của người dân sông nước, chiếc nhủi trở nên rất hữu dụng và những con don nằm sâu dưới đáy sông chẳng mấy chốc được bắt lên.


 

Ông Lê Ca - người đan cào don cung cấp cho hàng trăm hộ dân làm nghề.
Ông Lê Ca - người đan cào don cung cấp cho hàng trăm hộ dân làm nghề.


Lặn ngụp bên triền nước

Trên mặt sông Vệ đẫm ánh mặt trời, những người cào don với khuôn mặt khắc khổ, da đen sạm, đội chiếc nón lá rộng vành để che bớt cái nắng.Họ là những người đàn ông, đàn bà cùng những cái thau nhựa đựng don được buộc dây ở thắt lưng để đựng thành quả. Đôi cánh tay đẩy những chiếc nhủi chìm dưới mặt nước, họ rướn sức đẩy về phía trước, được vài bước thì đứng lại, nhấc cào lên, đổ don và lổn nhổn những tạp chất vào thau. Những thân người ướt đẫm vì nước sông, vì mồ hôi ròng ròng đổ xuống.Nước sông lờ lợ như bởi hòa lẫn mồ hôi của những người làm nghề sông nước mưu sinh những chớm hè này.

Cào don là công việc nặng nhọc và cũng phần nào nguy hiểm, bởi bập bềnh giữa sóng nước, ngâm mình trong nước giữa cái nắng chói chang trên mặt sông không phải công việc của những người yếu sức. Quảng Ngãi có 3 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc và sông Vệ nhưng chỉ những cư dân sống ven sông Trà Khúc và sông Vệ làm nghề cào don bởi con sông khi xuôi dần về cửa biển nước sẽ lặng hơn, không có đá ghềnh hay dòng xiết. Việc cào don không vì thế mà nhẹ ngàng, ngược lại rất phức tạp và vất vả. Bà Thủy, người sống bên bờ sông Vệ hơn 15 năm qua chỉ xuống những vùng nước lặng gần bờ bảo, những người đã quen với nghề cào don, bằng kinh nghiệm có thể biết vị trí don tụ tập mà khai thác. Để cào don thành thạo, có người chỉ học nghề vài ngày nhưng cũng có người có khi đến 2 tháng. Và tất nhiên, nhiều người cũng bỏ nghề ngay từ mẻ cào đầu tiên vì không đủ kiên nhẫn và sức khỏe.


 

Don Quảng Ngãi.
Don Quảng Ngãi.


Vật dụng không thể thiếu của người cào don là cái nhủi, được làm từ tre, có chiều ngang hơn nửa mét, chiều dài khoảng 1m, gồm các thanh tre được vót nhọn và kết thưa lại với nhau từ 10-12 thanh, gắn cố định vào tay cầm. Dụng cụ cào don còn có chiếc rổ, một ghe máy hoặc ghe thường và cái bao tải nhỏ để đựng thành quả lao động.

Cứ thế, tờ mờ sáng, khi ánh bình minh vừa ló trên miền biển xa xa, người ven sông lại xách nhủi đi cào. Họ cào từ sớm tinh mơ đến khi bóng nắng xiên tai rừng rực xuống mặt nước thì đi về. Nhưng, cũng có người mưu sinh bằng nghề cào don, họ cào từ sáng tới trưa mới nghỉ, mang thành quả ra chợ bán hoặc đổ mối cho những tiểu thương. Sau đó, nửa chiều lại tiếp tục cào cho đến tối mịt.Thu nhập mỗi ngày vì thế cũng khả dĩ khá hơn.

Xòe bàn tay đã nhợt nhạt vì nước nhưng vẫn hằn lên những vết sẹo, cùng bàn chân chai sạn vì dầm trong bùn sông liên tục, ông Phạm Văn Tài (làng An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) chia sẻ, công việc của những người cào dắt, don tùy thuộc vào con nước. Nước lớn sẽ đi muộn hơn một chút, có khi đến hơn 1 giờ chiều mới kết thúc. Người cào don phải thuộc lòng con nước, thuộc lòng vùng sông, thuộc lòng cả đáy sông. Và tất nhiên, thương tích khi cào don cũng thường xuyên xuất hiện bởi dưới lòng sông đôi khi có đá sắc nhọn, những mảnh chai, thủy tinh theo sóng nước từ phía trên đổ về, hay mảnh kim loại... bởi người cào don đi chân trần, chân bám xuống đáy sông và việc bị thương tích là không tránh khỏi. Nhưng, đời gắn với nghiệp, họ dần quen với thương tích và coi đó là một phần của cuộc sống hằng ngày. Được hôm thời tiết thuận lợi hay vào mùa don sinh trưởng nhiều, những người cào don như ông Tài cũng thu hoạch được 20-30kg với giá bán 3.500-4.000 đồng/kg, thu được 150-200 nghìn đồng. Tuy vậy, vẫn có hôm vất vả cả buổi chỉ được hơn chục cân. Dừng tay quệt những giọt mồ hôi đọng trên trán, ông Tài bộc bạch rằng nghề cào don nếu may mắn có ngày thu được 200-300 nghìn đồng.


 

Công đoạn làm sạch don cũng nhiều vất vả.
Công đoạn làm sạch don cũng nhiều vất vả.


Công việc nặng nhọc nhưng bữa ăn trưa của họ chỉ là những chén cơm thô kèm vài miếng thịt kho, cá khô. Những năm qua, giá don tăng và đảm bảo nên nhiều người trong lúc rỗi việc cũng trang bị thêm nhủi để đi cào don cải thiện thu nhập. Don có giá, nghề cào don thu hút nhiều người làm hơn và don cũng ngày càng ít dần.

Don bây giờ thành đặc sản, dù không là cao lương, sơn hào hải vị, mà là món ngon đậm đà tình quê. Món don được chế biến không cầu kỳ, khó nhất là làm sạch don cho hết đất cát lòng sông và đãi lấy ruột, rồi cứ thế thêm gia vị, hành tỏi và ăn với bánh tráng là có một bát don thanh ngọt. Món don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi...

 

Don bây giờ thành đặc sản đậm đà tình quê.
Don bây giờ thành đặc sản đậm đà tình quê.


Những ngôi làng bên triền sông xứ Quảng, có những số gia đình khai thác don chuyên nghiệp. Họ cào, rồi thu mua don của những người cào xung quanh và đưa đi xa, vào TP Hồ Chí Minh, lên Tây Nguyên, ra phía Bắc. Nhiều gia đình có con đi học xa quê cũng nhờ con don trên sông này. Mỗi kg don thực phẩm có giá tới hơn 100 ngàn đồng. Những người quê Quảng Ngãi khi làm ăn, học hành nơi xa xứ bất chợt thấy quán cóc bên đường đề chữ “Don Quảng Ngãi” là nhớ quê da diết. Có quán chỉ đề một chữ trụi lủi “Don” nhưng người quê đều biết đó là sản phẩm quê nhà nơi sông Trà, sông Vệ. Vậy là lại xì xụp với chút quà quê hương nơi xứ khách xa xôi.
 

https://antg.cand.com.vn/Phong-su/ai-ve-thuong-voi-mua-don-i650637/

Theo MINH NGỌC (antg.cand)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.