55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 2: Hạm đội tổng hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay sau ngày 30.4.1975, Hải quân Việt Nam đã thành lập Hạm đội 171, nòng cốt là Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) với số tàu thuyền gần 200 chiếc.
 
Biên đội tàu của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) dẫn đầu đội hình các tàu hành quân giải phóng biển đảo Campuchia, 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Biên đội tàu của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) dẫn đầu đội hình các tàu hành quân giải phóng biển đảo Campuchia, 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Săn ngầm bằng… mắt
Ông Nguyễn Viết Chức (67 tuổi, hiện đang sống tại P.11, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 thuộc Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171) kể: Sau 30.4.1975, tàu thuyền, vũ khí, khí tài… của hải quân ta tăng lên đột ngột, do ta thu hồi được 986 chiếc của hải quân Việt Nam Cộng hòa (các quân khu thu 383 chiếc, cơ quan nhà nước thu 17, còn lại là của hải quân). Trong số 586 tàu thuyền hải quân thu hồi có 246 tàu chiến đấu (18 trên biển, 124 ven biển, 104 trên sông) nhưng chỉ có 162 chiếc sử dựng được ngay.
“Các tàu tuần dương, khu trục, hộ tống... của Việt Nam Cộng hòa tuy rất to lớn nhưng đều là thứ hải quân Mỹ sử dụng... chán, mới chuyển cho Việt Nam Cộng hòa và đều bị tháo gỡ thiết bị, vũ khí săn ngầm. Ý đồ của Mỹ là dùng tàu ngầm làm bá chủ Biển Đông, các tàu mặt nước của Việt Nam Cộng hòa chỉ gác phía trên, không được biết và tham gia hoạt động trong lòng biển”, ông Chức nói.
 
Biên đội tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya số hiệu 13 và 15 làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh chụp tháng 6.2021). ẢNH: VÕ MINH THẮNG
Biên đội tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya số hiệu 13 và 15 làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh chụp tháng 6.2021). ẢNH: VÕ MINH THẮNG
 
Tàu HQ-03 vào vị trí công kích, tiêu diệt các ổ đề kháng của quân Khmer Đỏ ở cảng Kampong Som (Campuchia), 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Tàu HQ-03 vào vị trí công kích, tiêu diệt các ổ đề kháng của quân Khmer Đỏ ở cảng Kampong Som (Campuchia), 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
“Tàu thuyền tiếp thu rất nhiều, rất hiện đại, nhưng toàn… trái hệ, chịu không biết sử dụng. Chúng tôi xin mãi, cấp trên mới cho lựa chọn một số nhân viên kỹ thuật của hải quân Việt Nam Cộng hòa để họ chỉ bảo và kèm cặp trong một số nhiệm vụ như tuần tiễu, chuyên chở, tiếp tiếp tế chi viện quần đảo Trường Sa và các đảo xa bờ khác”, đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Kim Nông, nguyên Trung đoàn phó chính trị 171 (nay là Chính ủy) nhớ lại.
Ngày 10.10.1975, Quân chủng Hải quân (QCHQ) chuyển Trung đoàn 171 và đơn vị 175 thành Hạm đội 171 với nhiệm vụ “cơ động chiến lược, hoạt động trên vùng biển cả nước”. Hạm đội đội có 3 hải đoàn và 1 hải đội tàu phục vụ, sửa chữa, đóng quân tại Q.1, TP.HCM.
 
Tàu HQ-01 của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) chuẩn bị nhổ neo lên đường chiến đấu giúp nước bạn Campuchia giải phóng cảng Kampong Som (Campuchia). Ảnh chụp tháng 1.1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Tàu HQ-01 của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) chuẩn bị nhổ neo lên đường chiến đấu giúp nước bạn Campuchia giải phóng cảng Kampong Som (Campuchia). Ảnh chụp tháng 1.1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Từ đầu năm 1977, khi tình hình biên giới Tây Nam nóng lên, các tàu chiến đấu mặt nước của Hạm đội 171 được thay thế vũ khí nhằm tăng cường hỏa lực bắn máy bay, mục tiêu nhỏ tầm gần. Không chỉ lắp đặt pháo 25mm/2 nòng, 37mm/2 nòng, súng 14,5mm… ngành kỹ thuật còn lắp đặt tên lửa đối hải, tên lửa phòng không và cả vũ khí chống ngầm lên các tàu.
Diệt hải quân Khmer Đỏ
Từ đầu năm 1977, Tư lệnh Hạm đội 171 điều một số tàu chiến đấu phối thuộc với Vùng 5 Hải quân sẵn sàng đánh trả hải quân Khmer Đỏ xâm phạm vùng biển Tây Nam. Trong số này có tàu HQ-03, vốn là tàu khu trục DER số hiệu HQ-04 (Trần Khánh Dư) của hải quân Việt Nam Cộng hòa, ta thu được sau ngày 30.4.1975. Đầu tháng 4.1978, biên đội tàu của Hải đội 811, Hạm đội 171 đã bắn chìm 2 tàu của hải quân Khmer Đỏ trên vùng biển Hòn Đốc.
 
Các tàu chiến của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt các ổ đề kháng của quân Khmer Đỏ, dọn bãi cho hải quân đánh bộ thực hiện đổ bộ. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Các tàu chiến của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt các ổ đề kháng của quân Khmer Đỏ, dọn bãi cho hải quân đánh bộ thực hiện đổ bộ. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Đầu tháng 1.1979, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tiến công giải phóng Campuchia. Hải quân Việt Nam nhận nhiệm vụ giải phóng khu vực Kampong Som, Koh Kong, vùng biển và hải đảo từ Kampong Som đến Koh Kong; tiêu diệt Sư đoàn 164 hải quân và Sư đoàn 101 phòng thủ bờ biển của Khmer Đỏ; cùng Trung đoàn 962 (Quân khu 9) đột kích đường sông giải phóng Phnom Penh; truy quét tàn quân…
 
Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương (giữa) trên tàu 501 chỉ huy cuộc đổ bộ giải phóng Koh Kong (Campuchia), ngày 16.1.1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương (giữa) trên tàu 501 chỉ huy cuộc đổ bộ giải phóng Koh Kong (Campuchia), ngày 16.1.1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
“Xác định ác liệt và nhiều thương vong, chúng tôi được cấp 5.578 cuộn băng cá nhân, 1.014 bao tiêu độc, 6 cơ số y tế và bố trí đội phẫu thuật trên tàu hộ tống HQ-05 (nguyên là tàu hộ tống quét mìn HQ-09 Kỳ Hòa của hải quân Việt Nam Cộng hòa)”, ông Nguyễn Viết Chức kể lại và nói: “Hạm đội 171 huy động 100% tàu xuồng tham gia chiến dịch, kể cả xưởng nổi”.
Đêm 6.1.1979, các biên đội tàu chiến đấu của Hạm đội 171 đồng loạt tấn công trên hướng biển, đánh chìm và bắn cháy hơn 10 tàu thuyền chiến đấu của địch, chốt chặn bảo vệ cạnh phía Tây cho Lữ đoàn 126 đổ bộ; phối hợp đánh chiếm quân cảng Ream và Kampong Son.
 
Lực lượng hải quân đánh bộ đổ bộ lên Koh Kong (Campuchia) dưới sự yểm trợ bằng hỏa lực mạnh của các tàu thuộc hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) và Không quân Nhân dân Việt Nam. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Lực lượng hải quân đánh bộ đổ bộ lên Koh Kong (Campuchia) dưới sự yểm trợ bằng hỏa lực mạnh của các tàu thuộc hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) và Không quân Nhân dân Việt Nam. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Ở hướng sông, 3 tàu của Hải đội 811 (Hải đoàn 1, Hạm đội 171) dẫn đầu đội hình 44 tàu thuyền (PCF, LCM8, LCM6, thuyền xi măng) chở bộ binh. Sau 2 ngày vừa hành quân, vừa chiến đấu trên đoạn sông dài hơn 100 km, biên đội đã tiêu diệt các lực lượng Khmer Đỏ cản trở, bắn chìm 6 tàu chiến đấu, tiêu diệt sở chỉ huy Trung đoàn 270 của Khơme Đỏ và kịp thời đưa bộ binh của Trung đoàn 962 (Quân khu 9) giải phóng Phnom Penh.
Sau gần 5 tháng chiến đấu trong đội hình chiến dịch, Hạm đội 171 đã đánh chìm, đánh hỏng hơn 20 tàu thuyền chiến đấu của địch và buộc chúng phải hủy 28 tàu chiến hiện đại khác, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, kho tàng, cơ sở, vật chất kỹ thuật của địch, tham gia giải phóng toàn bộ vùng biển, hải đảo Campuchia…
(Lịch sử Lữ đoàn 171)
Làm chủ biển Tây Nam
Với nhiệm vụ giải phóng thị xã Koh Kong, đảo Koh Kong, Poulo Wai và Koh Tang, toàn bộ Hạm đội 171 được huy động, cùng với các tàu vận tải của Lữ đoàn 125, Hải đoàn 127, Hải quân đánh bộ… Trực tiếp chỉ huy lực lượng là Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh QCHQ.
 
Tàu 501 của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) vận chuyển xe tăng, xe thiết giáp đổ bộ trong chiến dịch Tây Nam, 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Tàu 501 của Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171) vận chuyển xe tăng, xe thiết giáp đổ bộ trong chiến dịch Tây Nam, 1979. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
 
Trung tá Nguyễn Viết Chức (nguyên thuyền trưởng tàu 07, Lữ đoàn 171) kể lại quá trình tham gia chiến dịch Tây Nam và các nhiệm vụ khác của Lữ đoàn 171. ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN
Trung tá Nguyễn Viết Chức (nguyên thuyền trưởng tàu 07, Lữ đoàn 171) kể lại quá trình tham gia chiến dịch Tây Nam và các nhiệm vụ khác của Lữ đoàn 171. ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN
Đại tá Nguyễn Tư Tường, nguyên Lữ đoàn trưởng 171 kể: “Ngày 30.5.1979, đơn vị tham gia tấn công thị trấn Trapeang Rung (tỉnh Koh Kong), lính Khmer Đỏ trước khi bỏ chạy đã phá hủy 18 chiếc tàu chiến. Trận này làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn 164 hải quân và Sư đoàn 101 phòng thủ bờ biển Khmer Đỏ. Kết thúc chiến dịch Tây Nam, Hạm đội 171 chuyển sang chế độ hoạt động thường xuyên”.
 
Chuẩn bị ống phóng ngư lôi trên tàu hộ vệ săn ngầm 13, Lữ đoàn 171 (ảnh chụp tháng 7.2021). ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN
Chuẩn bị ống phóng ngư lôi trên tàu hộ vệ săn ngầm 13, Lữ đoàn 171 (ảnh chụp tháng 7.2021). ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN
Trong chiến dịch Tây Nam, Bộ tư lệnh Hải quân giữ 2 tàu săn ngầm số hiệu S-221 và S-227 trực ở Quảng Ninh, sẵn sàng tiêu diệt tàu ngầm Trung Quốc, bảo vệ vùng biển miền Bắc. Biên đội 2 tàu S-225 và S-229 cơ động từng chặng vào tăng cường cho Hạm đội 171. Tuy nhiên, do khu vực biển Tây Nam nông, phía Khmer Đỏ không có tàu ngầm nên suốt mấy năm trời, biên đội tàu chống ngầm này chỉ trực chiến ở cảng Bến Nghé (TP.HCM), sẵn sàng yểm trợ hướng Trường Sa đang dần căng thẳng...
(Còn tiếp)
Ngày 3.5.1975, lính Khmer Đỏ bất ngờ tấn công đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ngày 10.5.1975, chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu, tàn sát, bắt đi toàn bộ 500 người dân trên đảo. Ngay sau đó, các tàu hải quân đã chở bộ binh đổ bộ lên đảo Phú Quốc làm áp lực buộc chúng phải rút lui. Ở quần đảo Thổ Chu, tàu chiến đấu của Trung đoàn 171 phối hợp với đặc công, bộ binh chiến đấu diệt và bắt gần 400 tên, thu hồi quần đảo về ta. Các tàu chiến đấu của Trung đoàn 171 còn hiệp đồng truy kích đập tan căn cứ của Khmer Đỏ trên quần đảo Poulo Wai (tỉnh Kampot, Campuchia)...
(Bộ Tham mưu QCHQ)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.