Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu":

50 năm lặng lẽ xóa mù chữ cho dân vạn đò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần 50 năm miệt mài chở chữ miễn phí cho trẻ em vạn đò, cô Bạch Thị Ngọc Hạnh (66 tuổi, ngụ phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn xem công việc mình làm thật nhỏ nhoi, bình thường.

Học trò của cô luôn nghĩ về cô với lòng kính trọng và đầy biết ơn. Bởi chính cô là người đã dìu dắt, thay đổi cuộc đời của họ.

"Cô Hạnh dạy xóa mù"

Men theo những ngả rẽ để tìm đến nhà cô Hạnh, mấy lần chúng tôi phải dừng lại hỏi đường. "Cô Hạnh dạy xóa mù hả"? - bằng giọng điệu trân trọng, những người chỉ đường tận tình chỉ dẫn. Có người kể, cô Hạnh dạy xóa mù từ lúc dân vạn đò còn ở dưới đò, cho đến khi họ được lên bờ tái định cư và bây giờ cô vẫn tiếp tục dạy miễn phí cho đám trẻ. Học trò cô Hạnh nhiều thế hệ, nhiều người lắm.

Anh Võ Văn Lành (27 tuổi) nở nụ cười khi nghe hỏi về chuyện cô Hạnh dạy anh học chữ. "Nếu không nhờ cô Hạnh, không biết cuộc đời tôi còn đang chìm nổi nơi đâu. Cô là người đặt những "viên gạch" chữ cái đầu tiên; dạy tôi học đánh vần, học đọc, học viết, học làm các phép tính. Cha mẹ cho tôi cuộc sống nhưng cô Hạnh là người dạy tôi biết chữ, biết làm toán; thay đổi cuộc đời tôi. Ngôi nhà và xưởng sản xuất là do tôi tạo dựng. Nhưng nếu không có chữ, không có tri thức, chắc chắn tôi không bao giờ thực hiện nổi điều này" - anh Lành bộc bạch.

Một góc lớp học của cô Bạch Thị Ngọc Hạnh

Một góc lớp học của cô Bạch Thị Ngọc Hạnh

Bên bộ bàn ghế đặt nơi thềm nhà có giàn dây leo rũ xuống yên bình, người phụ nữ tóc đã hoa râm nở nụ cười thật hiền khi hồi tưởng lại "cơ duyên" làm cô giáo xóa mù cho người dân vạn đò.

Cuộc sống dân vạn đò mặc định với những con thuyền lênh đênh, vừa là phương tiện mưu sinh vừa là "ngôi nhà" để ở. Lòng thuyền chật chội là nơi ở chen chúc của cả gia đình 2-3 thế hệ. Cuộc sống tạm bợ, dính chặt với cái nghèo, cái khổ. Từ người lớn đến người nhỏ, người già đến trẻ con, không ai biết chữ. Nạn mù chữ nối từ đời ông, đời cha đến những đứa trẻ.

Năm 1976, phong trào xóa mù chữ được đẩy mạnh. Lúc đó, cô Hạnh mới mười tám, đôi mươi, học xong lớp 9, tham gia dạy chữ cho cư dân vạn đò trên sông Hương. Cứ tưởng dạy đôi ba năm, không ngờ hành trình "gieo" chữ cho cư dân sông nước theo cô đến tận bây giờ.

Khó khăn những ngày đầu cầm phấn. Lớp học thời ấy dựng tạm ở Hợp tác xã Phú Cát. Người lớn sau một ngày vất vả mệt nhoài, chỉ muốn nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật ngon để ngày mai tiếp tục vòng quay mưu sinh. Chẳng ai muốn đến lớp. Rất nhiều người đi học vài buổi đầu, sau lại từ chối.

Không bỏ cuộc, cô Hạnh đi vận động và khuyên bảo mọi người rằng: "Học chữ khó nhưng bà con không học được nhiều thì ít nhất cũng phải biết đọc. Ai đưa tờ giấy mình còn đọc xem trong đó viết gì, chứ lỡ cầm nhầm thì nguy hiểm. Biết viết, biết tính bao giờ cũng gắn liền tự chủ, tự tin và quyền lợi của bản thân, cuộc sống của mình". Lớp học chỉ kéo dài 1 giờ nhưng 5 giờ chiều cô đã ra khỏi nhà, lên từng thuyền vận động bà con, 10 giờ đêm mới về đến ngõ.

Nhiều học trò của cô Hạnh vẫn còn nhớ mãi hình ảnh cô thiếu nữ nhỏ nhắn, dù mùa nắng nóng hay rét mướt đều cần mẫn xách chiếc đèn măng-xông đi dọc bờ sông Hương, gọi bà con đến lớp. Đối với đám trẻ, cô Hạnh càng tận tâm dìu dắt, uốn nắn, chỉ cách làm người.

Khi những cư dân vạn đò được lên bờ tái định cư ổn định cuộc sống, cô Hạnh lại vận động phụ huynh cho con đến trường công lập. Nhưng nhiều em không có giấy khai sinh, không thể đi học. Thế là cô "xuôi ngược" từ nhà tổ trưởng dân phố đến chính quyền địa phương, tìm cách làm giấy khai sinh cho từng em. Có giấy khai sinh, tiếp tục làm hồ sơ xin cho các em vào học ở các trường công lập. Hỏi sao lại mang nặng "nợ duyên" với người dân vạn đò, cô Hạnh trả lời giản dị: "Vì thương".

Cô Hạnh đang dạy chữ cho các em nhỏ

Cô Hạnh đang dạy chữ cho các em nhỏ

Năm nào chuẩn bị đến hè, gặp học trò trong xóm, cô lại dặn tụi nhỏ để lại cho cô sách vở cũ. Vở cũ trang nào chưa viết, cô cần mẫn cắt ra, đóng lại thành tập, trang nào viết rồi thì gom lại bán ve chai, lấy tiền mua thêm bút viết, phát cho học trò.

Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn không thể đi học tiếp, cô Hạnh lại xin cho đi học nghề; kết nối các tổ chức, quỹ hỗ trợ để xin học bổng, phụ cấp hỗ trợ. "150.000 đồng nhận được mỗi tháng từ các quỹ hỗ trợ mà cô Hạnh xin được đã giúp tôi có tiền trang trải để theo học nghề. Tôi biết ơn cô Hạnh nhiều lắm" - anh Võ Văn Lành chia sẻ.

Không chỉ anh Lành, có rất nhiều học trò như chị Duyên - chủ hiệu cắt tóc, anh Hòe - chủ tiệm vật liệu xây dựng… và nhiều đứa trẻ lang thang bán dạo trên đường phố hoặc theo mẹ tát nước trên ghe năm nào, nhờ học chữ nên giờ đây không chỉ có cuộc sống ổn định, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

7 giờ tối, sân nhà văn hóa cộng đồng phường Kim Long ríu rít tiếng nói cười. Trẻ con chơi đá bóng, đá cầu... Thấy bóng cô Hạnh chạy xe vào sân, cả đám vội vã vào lớp học. "Cô nhóc" tên Thủy phân công: "Lớp 4, 5 ngồi bên này; lớp 1, 2, 3 ngồi dãy bàn bên kia". Thủy theo học cô Hạnh từ lớp 1 đến lớp 5. Ngày học ở trường, buổi tối đến đây để cô kèm thêm. Nữ học trò tên Ngân khoe: "Nhà con có 9 anh chị em đều theo học cô Hạnh. Cả đứa cháu gọi con bằng dì cũng đang học trong lớp này".

Lớp học miễn phí của cô Hạnh bây giờ tầm 20 em từ lớp 1 đến lớp 5. Đa phần các em đang học tại các trường tiểu học trong khu vực nhưng học lực yếu nên cô Hạnh kèm thêm. Nhiều năm liền, cô Hạnh là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Kim Long, chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố. Trong quá trình dạy xóa mù, cô đồng hành, giúp người dân nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội, phát triển kinh tế. Con cái họ nhờ vậy được học hành tử tế.

Ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em xóm vạn đò phường Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), năm 2015, cô Bạch Thị Ngọc Hạnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022, được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.