5 tháng chưa làm xong 600 mét đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Một tuyến đường dài 600 mét nhưng thi công gần 5 tháng trời vẫn chưa hoàn thành đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như hoạt động kinh doanh của các hộ dân hai bên đường.

Đường Hoàng Văn Thụ chỉ dài 600 mét nhưng là một trong những con đường lớn tại trung tâm thị xã Ayun Pa, tập trung nhiều hộ kinh doanh. Những năm qua, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vết bong tróc, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi gây ảnh hưởng đến giao thông. Bởi thế, khi thị xã có kế hoạch làm lại con đường này, các hộ dân ở hai bên đường cũng như người dân tại thị xã thường xuyên phải lưu thông qua đây đều rất vui mừng. Tuy nhiên, khi con đường bắt đầu thi công cũng là lúc cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Đường thi công chậm chạp gây bức xúc cho người dân. Ảnh: V.N
Đường thi công chậm chạp gây bức xúc cho người dân. Ảnh: V.N

Cuối tháng 8-2016, đơn vị thi công bắt đầu đưa máy xúc múc toàn bộ nền đường lên để gia cố phần móng. Giai đoạn này kéo dài khiến các phương tiện lưu thông qua đường Hoàng Văn Thụ gặp rất nhiều trở ngại. Hàng trăm hộ dân ở hai bên đường phải tự làm cầu thang để đưa xe máy lên nhà. Đặc biệt, khi nhà thầu thi công phần nền đường, đổ đất, đá và tiến hành lu thì cuộc sống của các hộ dân càng bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Nguyễn Thị Lai (nhà số 66 đường Hoàng Văn Thụ) bức xúc: “Không hiểu họ làm kiểu gì mà 11, 12 giờ đêm cứ mang máy ra lu khiến rung ầm ầm cả nhà. Thanh niên thì không nói chứ người già rồi trẻ em, học sinh ngủ từ 9 giờ tối, tới giờ đó đều bị đánh thức không tài nào ngủ được, sáng dậy ai nấy đều mệt mỏi”.
 

Ông Lý Phước Quang-Phó Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản thị xã Ayun Pa-đơn vị chủ đầu tư cho biết, công trình này có vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xuân Hương làm nhà thầu. Về vấn đề thi công chậm, ông Quang giải thích: “Theo kế hoạch, đường khởi công từ đầu tháng 8-2016 và nghiệm thu vào cuối tháng 1-2017 nên hiện vẫn chưa thể nói là chậm tiến độ. Thời gian làm đường dài như vậy là vì chúng tôi đã tính trước những yếu tố có thể xảy ra. Trên thực tế thì trong thời gian thi công đã xảy ra mưa lũ, đoạn đường có đông phương tiện qua lại phức tạp. Ban ngày nhiều người đi nên nhà thầu mới tiến hành lu vào buổi tối khi có ít phương tiện hơn. Còn việc đã lu rồi nhưng còn đào lên lại là do nền đường bị đọng nước, không đảm bảo nên khi kiểm tra thấy chưa đảm bảo thì buộc phải đào lên lu lại cho đúng kỹ thuật”.

Các hộ dân trên con đường cũng bày tỏ sự thắc mắc khi nhà thầu thi công tiến hành lu vào ban đêm, sáng hôm sau lại đưa máy xúc múc nền đường lên lại. “Chúng tôi chưa thấy con đường nào lại làm kiểu này, cứ đêm lu phẳng lì rồi sáng sau lại thấy móc lên. Máy lu thì ầm ầm giữa đêm, nhiều nhà rơi hết đồ đạc, có nhà còn bị nứt cả tường, không dám ở trong nhà nữa. Đường có mấy trăm mét mà làm gần nửa năm rồi, mỗi ngày thấy họ chỉ làm được một chút, có ngày thì chẳng làm gì cả. Bán hàng bán quán mà làm đường thế này phải nghỉ mất mấy tháng, khi bán lại thì khách cũng lèo tèo không được như trước. Chúng tôi cứ nai lưng ra chịu thôi chứ đâu thể tự mà làm đường được”-chị Nguyễn Thị Nhung (nhà số 90 đường Hoàng Văn Thụ) cho hay.

Tuy nhiên, nỗi khốn khổ nhất với các hộ dân trên đoạn đường này chính là bụi. Việc thi công kéo dài khiến con đường luôn trong tình trạng bụi mù mịt. Chị Nguyễn Thị Bé (nhà số 57 đường Hoàng Văn Thụ) phản ánh: “Đóng cửa kín mít rồi mà bụi vẫn cứ bay vào phủ kín đồ đạc trong nhà, phải mua bạt phủ lên mà cũng không ăn thua. Nhà tôi bán quán nhậu đã phải đóng cửa nghỉ cả tháng rồi. Nay mở lại thì bụi quá khách cũng không dám vào, tổn thất nặng về kinh tế. Tết nhất đến nơi rồi mà đường vẫn còn chưa xong, quán thì không bán được, lấy tiền đâu ăn Tết. Biết là làm đường thì dân phải chịu cực một chút nhưng đường làm lâu thế thì này dân sao chịu được”.

Theo ghi nhận của P.V, nhà của các hộ dân bên đường đều bị phủ một lớp bụi dày màu xám. Mỗi ngày, người dân đều phải xịt nước, lau chùi nhưng chỉ sau một đêm lớp bụi lập tức trở lại. Nhiều người dân cũng đã phản ánh về việc mắc các bệnh về đường hô hấp vì bụi quá nhiều.

Lê Gia

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.