45 năm chiến sự biên giới phía Bắc: Những đứa trẻ vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trời xuân xứ Lạng nắng ấm từ ngày mồng 2 Tết Giáp Thìn. Chúng tôi trở về phố núi Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) chúc Tết người thân, bạn bè. Nơi đây, tôi sinh ra, lớn lên, đầy ắp những kỷ niệm với dãy núi Kai Kinh hùng vĩ và dòng sông Thương hiền hòa, thơ mộng.

Tôi chạm phải những ký ức không lạt phai…

Tuổi niên thiếu, chúng tôi thường ra sông Thương tìm cảm xúc làm thơ (ảnh tư liệu).

Tuổi niên thiếu, chúng tôi thường ra sông Thương tìm cảm xúc làm thơ (ảnh tư liệu).

Người bạn đặc biệt

Gia đình tôi sinh sống ở khu Thống Nhất, nằm chính giữa thị trấn Đồng Mỏ. Ngày xưa, chỉ độ vài trăm nóc nhà, quần tụ xung quanh con đường quốc lộ 1A cũ. Lũ trẻ chúng tôi thường chạy lên đèo Bén - con dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở nhưng lên được giữa dốc, nhìn xuống thấy trước mắt những nếp nhà đơn sơ xen lẫn mảng rau xanh ven sông Thương thật đẹp, bình dị.

Bọn tôi cả trai lẫn gái trạc 10-12 tuổi chơi vô tư với nhau. Một trong những người bạn của tôi khá thân tên là Coỏng Khầu. Ngày Tết, chúng tôi thích thú đến ngắm hàng câu đối đỏ chót dán dọc hai bên cửa ra vào nhà Coỏng Khầu. Con chó đá ngạo nghễ bên hông nhà cũng được quàng chiếc nơ đỏ, nghi ngút hương tỏa. Nhà bạn cách gia đình tôi chừng gần 100 mét rất đặc trưng, dáng dấp kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ với dãy phòng trong căn nhà trình tường sâu hun hút. Mái nhà lợp ngói âm dương rêu phong, cổ kính. Khi vào trong nhà, cảm giác ấm áp vào mùa đông, còn mùa hè thì rất mát…

- Vào nhà đi chứ. Không thì dông cả năm đấy…

Tiếng Coỏng Khầu lanh lảnh giục lũ bạn đến chơi. Cô bé có gương mặt bầu bĩnh, mắt một mí với mái tóc tết hai bên, rất nhí nhảnh. Chúng tôi vào nhà chợt nghe những tiếng nói Pạc Và vang vọng trong các gian phòng. Chúng tôi chừng 7 đứa vào phòng của Coỏng Khầu, trèo lên tấm chăn con công mới toanh, chọc nhau chí chóe. Bên góc bàn học tập có những quyển sách, vở gấp gọn. Coỏng Khầu được coi là con chim đầu đàn trong học tập, rèn luyện, thường được thầy cô giáo nêu gương trước lớp.

Chúng tôi lại rủ nhau ra khu vườn sau nhà, thi nhau trèo lên cây táo vặt những quả còn sót lại ăn ngon lành. Trước lúc ra về, Coỏng Khầu chu đáo tặng mỗi người một món quà nhỏ. Tôi được một con thú bông nhỏ xinh…

Bên cạnh bạn học cùng lớp, tôi còn kết bạn thân thiết với 3 người bạn “người Việt gốc Hoa” sống cùng khu Thống Nhất. Chúng nó là những người sống khá kín đáo nhưng tình cảm chân thành. Đặc biệt, thằng nào cũng đam mê học võ Tàu. Mỗi đêm, cả bọn lại tụ tập ven dòng sông Thương hoặc ra khu chân núi Kai Kinh để luyện võ.

… Trong tôi lại lóe lên những ký ức khác. Vốn là người yêu hội họa, văn chương từ thủa nhỏ, tôi được một người anh lớn hơn dăm tuổi gần nhà tên là Mặc Linh quý mến. Vào những đêm trăng sáng, anh em kiếm “cút rượu”, mua vài ba gói lạc rồi tản bộ theo con đường 1A cũ, đi miết về phía Mỏ Chảo, cách thị trấn Đồng Mỏ 2,3 km. Ngày đó, dân cư thưa thớt, con đường vắng người, gió thổi rì rào lay động những cành hoa ngũ sắc mọc đầy hai ven đường. Hai anh em trèo lên phiến đá khá rộng rồi đọc thơ, bình phẩm văn chương…Bỗng nhiên, tôi thấy tiếng cười phá lên từ góc tối tảng đá. Thì ra, 3 ông tướng bạn tôi lẻn theo sau, ngồi bó gối nghe chúng tôi luận văn, bình thơ. Thằng lớn tuổi hơn cả mạnh dạn nói: “Nghe hai anh em đọc thơ, bọn tớ nghỉ luyện võ để theo dõi. Mà tớ, cũng góp một bài nhé”. Nói rồi, nó mạnh dạn đọc mấy vần thơ mộc mạc: “Lại một mùa xuân đến với ta/Gửi bạn vần thơ tôi mới làm/Tuy chưa hay mà chân thật/Tình bạn cao cả mà vô tư”…

“Có thể nói, cộng đồng người Hoa là một bộ phận không thể tách rời, cùng trải qua những biến đổi của lịch sử, của đời sống kinh tế - xã hội. Họ đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc khác, tích cực tham gia các tổ chức chính trị xã hội, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện nhà”.

Ông Nông Văn Tài, Trưởng phòng LĐ-TB&XH và Dân tộc huyện Chi Lăng

Chia ly bất chợt

Vào năm 1978, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng. Khoảng tháng 5 năm đó, nhiều người dân phố núi Đồng Mỏ bỗng xôn xao vì chỉ trong một đêm có tới hàng chục gia đình người Hoa bỗng dưng “biến mất”. Chúng tôi chạy đến nhà Coỏng Khầu thì thấy khung cảnh gần như vườn không, nhà trống. Chỉ riêng chỗ bàn học còn khá nguyên vẹn với những sách toán, văn được xếp ngay ngắn.

Như linh tính có điều gì đó, tôi quay về nhà, lấy con thú bông mà Coỏng Khầu đưa cho. Lúc này, tôi mới chợt nhận thấy, khi đó gương mặt bạn rất buồn, thi thoảng nhìn về phương Bắc rồi thở dài. Bỗng một mảnh giấy từ trong bụng gấu bông lộ ra, trong đó có những chữ viết vội: “Tớ phải về đất nước của mình. Rất buồn và nhớ các bạn. Từ biệt”.

Rồi sau đó, 3 bạn người gốc Hoa cũng nói lời tạm biệt vì theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở các xã Lâm Sơn, Liên Sơn thuộc huyện Chi Lăng, cách thị trấn Đồng Mỏ vài chục km. Chúng tôi xúm vào phụ giúp gia đình các bạn chuyển đồ dùng gia đình như: Giường, tủ, bàn ghế, quần áo, nồi niêu xoong chảo chất lên các xe cải tiến rồi tiễn các bạn một quãng đường xa, hẹn ngày gặp lại.

Dân phố núi chúng tôi được các cấp, các ngành triệu tập các cuộc họp hàng đêm để tuyên truyền, giải thích về tình hình quan hệ giữa hai nước Việt- Trung, các chính sách, chủ trương của ta đối với vấn đề Hoa kiều cùng những nội dung cần tăng cường cảnh giác, tránh những luận điều sai trái của kẻ xấu. Còn tôi nhớ bạn, thi thoảng đi ngang qua dãy nhà đóng kín, lặng lẽ mà trong lòng có nỗi buồn mênh mang…

Thị trấn Đồng Mỏ ngày nay. Ảnh: Duy Chiến.

Thị trấn Đồng Mỏ ngày nay. Ảnh: Duy Chiến.

Hội ngộ

Thời gian thấm thoát thoi đưa, sau ba năm, cả 3 thằng bạn cùng xuất hiện trước cửa nhà tôi, chúng tôi ôm nhau thật chặt. Gia đình các bạn tôi thực hiện xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã vùng sâu, vùng xa ở địa phương với công việc ổn định. Gia đình bạn còn mang nghề rèn cùng đồng bào các dân tộc sản xuất ra những nông cụ như: Cuốc, xẻng, lưỡi cày… đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng bản làng no ấm. Có những anh trai bén duyên với các cô thôn nữ, nên chồng, vợ, có con cái đông vui, ríu rít… Tối hôm gặp mặt, chúng tôi lại ra ven dòng sông Thương vốc những dòng nước mát lên mặt và cùng nhau tiếp tục luyện võ.

Khi quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa thì một số người Hoa đã trở về chốn cũ thăm thân. Coỏng Khầu là người về sau hơn cả. Cô vẫn như ngày xưa, nom đôn hậu, gần gũi. Coỏng Khầu cho biết, sau khi về nước, cô định cư tại trấn Bằng Tường thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Bây giờ bạn gái người Hoa xưa đã có gia đình đề huề, ổn định. “Tớ vẫn nhớ về nơi đã sinh ra, lớn lên bên dãy núi Kai Kinh cao ngất với nỗi yêu thương đong đầy khi xuân sang và ngày hội xuân mồng 10 tháng Giêng hàng năm tại Đồng Mỏ. Nhất định vào ngày này, sẽ trở lại thăm quê và các bạn!”, Coỏng Khầu chia sẻ.

Còn anh Mặc Linh được tuyển dụng làm cán bộ ngành lương thực tại huyện Chi Lăng. Trong không khí sôi nổi của những ngày cuối năm 1978, anh lên đường tòng quân, tham gia chiến đấu, xây dựng, bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc Lạng Sơn. Trước khi nhập ngũ, lũ bạn chúng tôi lại chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt và cùng rảo bước trên con đường thanh vắng để đến phiến đá rộng ngày xưa cùng mạn đàm về thơ, chuyện đời. Hoa đêm đưa ngan ngát mùi hương xứ sở làm chúng tôi ngất ngây vì một mùa xuân mới đong đầy tình thân…

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.