43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2022): Hy sinh khi đang thực tập: Nỗi niềm 43 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trò chuyện với tôi, người thân các liệt sĩ đều hỏi: “Đã nguyên vẹn sau những năm đánh Mỹ, sao lại hy sinh sau đó?”.
Phải khẳng định: Các học viên Trường Sĩ quan Chính trị do có kinh nghiệm chiến đấu, đã xuất sắc chỉ huy bộ đội, đánh trả quyết liệt, kìm giữ hướng tấn công của quân Trung Quốc xâm lược, hạn chế tổn thất cho quân và dân ta, tháng 2.1979.
Mẹ con cô giáo
Tôi tìm về gia đình liệt sĩ Lê Văn Tuyên ở Thanh Hóa. Bà Nguyễn Thị May (70 tuổi), vợ liệt sĩ Tuyên kể: Ông Tuyên sinh 1952, nhập ngũ tháng 4.1970. Cuối 1976, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Chính trị, và đầu năm 1979 đi thực tập tại Trung đoàn 123 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn). Khi quân Trung Quốc tràn sang, ông Tuyên chiến đấu ở điểm cao Xộc Mạ (xã Chi Phương, H.Tràng Định) và hy sinh ngày 23.2.1979, được chôn cất ngay tại trận địa.

Bà Nguyễn Thị May bên bàn thờ chồng, liệt sĩ Lê Văn Tuyên. Ảnh: Mai Thanh Hải
Bà Nguyễn Thị May bên bàn thờ chồng, liệt sĩ Lê Văn Tuyên. Ảnh: Mai Thanh Hải
Thiếu úy Lê Văn Tuyên và cô giáo Nguyễn Thị May là bạn học cùng lớp ở Trường cấp 3 Tĩnh Gia 1 (nay là Trường THPT Tĩnh Gia 1, Thanh Hóa). Hồi ấy, do đi lại quá xa nên ông Tuyên phải lên ở trọ nhà bà May. Cuối năm 1976, ông Tuyên được nghỉ phép về thăm nhà, gặp lại bà May, yêu nhau và đầu tháng 2.1977 (mồng 2 tết Đinh Tỵ) tổ chức đám cưới.
“Từ lúc cưới đến khi hy sinh, ông ấy về nhà được 3 lần, kịp để lại cho tôi đứa con”, bà May thần người và lắc đầu: “Con bé Lê Thị Việt sinh 15.10.1978, ông ấy sắp lên biên giới, không kịp về nhìn mặt con”.
Mất chồng khi 27 tuổi, cô giáo May cương quyết khước từ mọi lời tán tỉnh bằng lý do: “Tôi đói khổ, lại phải nuôi con nhỏ”. Gần 20 năm một mình ở vậy nuôi con, hết giờ dạy học, cô May túi bụi việc đồng áng, chiều lên núi lấy củi, tối nấu rượu, nuôi lợn… cho đến khi con gái Lê Thị Việt học xong ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) ra làm giáo viên dạy Văn.
Năm 2008, sau nhiều năm tìm kiếm, gia đình mới tìm thấy phần mộ liệt sĩ Lê Văn Tuyên ở nghĩa trang liệt sĩ Bản Trại (H.Tràng Định, Lạng Sơn). Chị Lê Thị Việt kể: Năm 2010, cả nhà ra di dời hài cốt bố về quê, bất ngờ thấy ngôi mộ của bố đã được tôn tạo ốp đá và chụp lên tấm bia ghi tên Lê Minh Truyền, cũng quê Thanh Hóa. Sau mấy ngày cả gia đình và chỉ huy đơn vị làm việc, mới được cạy tấm bê tông lên và sững sờ trước ngôi mộ cũ ghi đầy đủ thông tin về liệt sĩ Lê Văn Tuyên, vẫn nằm nguyên vẹn bên dưới…
Bà May năm nay 70 tuổi, vẫn sống một mình trong căn nhà xưa. Mỗi ngày bà nấu đủ 3 bữa cơm, bưng ra ngồi trước bàn thờ liệt sĩ Tuyên, vừa ăn vừa lầm rầm nói chuyện với chồng. Chị Lê Thị Việt nhà cách đó 500 m, ngày nào cũng mấy lần chạy qua thăm mẹ. Chị Việt bảo: “Huyện em có xã miền núi Phú Lâm, giáo viên các xã đồng bằng phải luân phiên lên đó công tác. Hôm rồi, lãnh đạo trên huyện nói sẽ không ưu tiên nữa, con liệt sĩ cũng phải đi xa. Em không sợ gian khổ, chỉ lo mẹ mình không ai trông”…
Nhật ký của người lính kiên trung
Tôi về H.Thanh Liêm (Hà Nam) thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Đức Trung (sinh 1953, hy sinh ngày 20.2.1979 khi đang thực tập tại Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1). Ông Nguyễn Đức Đồng (em trai liệt sĩ Trung) mở tủ lấy cho tôi xem cuốn nhật ký anh Trung viết từ những ngày mới nhập ngũ, chiến đấu ở Quảng Trị, kể: “Anh tôi giỏi tiếng Trung, văn thơ. Nhập ngũ đầu 1972, đến 1976 được cử đi học Trường Sĩ quan Chính trị”.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Đức Trung
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Đức Trung
Tháng 2.1979, anh Nguyễn Đức Trung 26 tuổi đời - 7 tuổi quân mà đã đeo cấp hàm trung úy, là trường hợp rất hiếm trong quân đội. Ngày 17.2.1979, quân Trung Quốc lợi dụng sơ hở của ta, chọc qua phòng tuyến Thông Nông, Thạch An và dùng xe tăng tiến thẳng về TX.Cao Bằng (nay là TP.Cao Bằng). Chốt giữ trên quả đồi ở Km6 đường số 4 (nay thuộc P.Duyệt Trung, TP.Cao Bằng), trung úy Nguyễn Đức Trung đã chỉ huy bộ đội kiên cường đánh trả, ngăn bước tiến của quân xâm lược. Sáng 20.2.1979, thấy cả đơn vị hy sinh, anh Trung bị thương nặng, chiến sĩ liên lạc định cõng về tuyến sau, nhưng anh cương quyết: “Tha lôi nhau, chúng nó bắn chết cả hai. Cậu tìm đường về, để tớ ở lại giữ chốt”…
Mấy ngày sau, chiến sĩ liên lạc dẫn bộ đội lên tăng viện, mới biết lính Trung Quốc tràn lên, ném lựu đạn làm sập hầm và trung úy Nguyễn Đức Trung hy sinh trong đó, tay nắm chặt khẩu AK, báng đã gãy đôi.
Năm 1990, ông Nguyễn Đức Bình (em liệt sĩ Nguyễn Đức Trung) đã tìm đến nơi anh Trung hy sinh, gặp được ông Bân (xã đội trưởng) nghe kể lại trường hợp hy sinh của anh trai, và biết thêm: Năm 1987 - 1988, mộ anh Trung và 2 mộ liệt sĩ khác đã được chuyển từ nghĩa trang liệt sĩ xã Chu Trinh về nghĩa trang liệt sĩ H.Hòa An (Cao Bằng) và gắn bia “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Em đạp xe đi tìm anh
Ở nghĩa trang liệt sĩ Hà Quảng (Cao Bằng) có một ngôi mộ liệt sĩ ghi: “Đào Thế Chiều; sinh 1954; nguyên quán xã Minh Hồng, H.Hưng Hà, Thái Bình; trung úy; C5, D2, E246; hy sinh 19.2.1979; hài cốt liệt sĩ đã di chuyển”, khiến tôi nghĩ ngay đến liệt sĩ Đào Thế Triều, học viên Trường Sĩ quan Chính trị thực tập tại Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) hy sinh ngày 19.2.1979.

Chứng minh quân đội của liệt sĩ Đào Thế Triều
Chứng minh quân đội của liệt sĩ Đào Thế Triều
Về quê liệt sĩ Triều (xã Hồng Minh, H.Hưng Hà, Thái Bình) hỏi, bà Đào Thị Xuân (62 tuổi) gật đầu: “Là phần mộ anh trai tôi đấy, nhưng họ ghi sai tên, năm sinh và tên xã, khiến gia đình tìm kiếm mấy chục năm trời”.
Trung úy Đào Thế Triều sinh năm 1955, nhập ngũ năm 1972 (khi chưa đủ 17 tuổi), hy sinh ngày 19.2.1979 (khi chưa tròn 24 tuổi). Bà Xuân kể: Hồi năm 2010, tôi liên tục đạp xe lên huyện hỏi nơi chôn cất anh Triều để gia đình đón về, nhưng mấy năm liền không ai trả lời. Mãi năm 2016, đứa cháu trai tìm trên mạng internet, thấy ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Hà Quảng có nhiều chỗ trùng hợp, lên kiểm tra và xác định đúng là anh mình. Cuối năm 2016, nhà trường và chính quyền xã đưa anh ấy về.
Kỷ vật 52 năm
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Đồng (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) dẫn tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Đặng Đình Thân và chỉ ngôi nhà xây mới rất khang trang, bảo: Cuối tháng 10.2021, Trường Sĩ quan Chính trị đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình căn nhà mới. Thiếu tướng Nguyễn Bá Thông, Phó chính ủy và các cán bộ nhà trường về tận nơi, khánh thành - bàn giao.
Bà Nguyễn Thị Lưu (62 tuổi), là em dâu và người thờ cúng liệt sĩ Đặng Đình Thân, mở tủ lấy cho tôi xem các huân huy chương của liệt sĩ và cuốn sổ học bạ từ cấp 2 (1964) đến hết cấp 3 (1970) với trang cuối ghi rành mạch lời nhận xét của thầy hiệu trưởng Nguyễn Diên: “Xung phong trong đợt đi nghĩa vụ ngày 17.4.1970”. Bà Lưu kể: “Cuối năm 1978, tôi về làm dâu trong nhà. Lúc ấy lụt rất lớn, nhưng anh Thân vẫn từ Trường Sĩ quan Chính trị về dự cưới và động viên chỉ bảo rất nhiều. Khi đi, anh dặn tôi: Anh sắp lên biên giới, sắp xảy ra chiến tranh. Có bề gì, em lo toan gia đình giúp anh”…
Đầu năm 1979, trung úy Đặng Đình Thân thực tập chính trị viên tại Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1), chỉ huy bộ đội giữ chốt (khu vực bản Mã Lịp, xã Nà Sác, H.Hà Quảng, Cao Bằng) đánh chặn quân Trung Quốc xâm lược tràn qua cửa khẩu Sóc Giang. Sau 2 ngày đêm kiên cường chiến đấu, chiều 19.2.1979, trung úy Thân - học viên thực tập của Trường Sĩ quan Chính trị - đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội.
“Đầu năm 1980, đơn vị gửi giấy báo tử và nói anh Thân được an táng ở nghĩa trang mặt trận. Mấy chục năm nay, gia đình tôi đã lên Cao Bằng nhiều lần tìm, mà vẫn chưa thấy anh ấy nằm ở đâu”, bà Lưu rưng rưng.
(còn tiếp)

“Chiến công ở biên giới phía bắc tháng 2.1979 của đoàn học viên - cán bộ thực tập như một mốc son góp phần tạo dựng truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị. 218 đồng chí trực tiếp chiến đấu, có hơn 80% được khen thưởng, 3 tập thể (lớp giáo viên triết học, văn hóa quần chúng, giáo viên chính trị khóa II) được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất”

(Nguồn: Trường Sĩ quan Chính trị)

Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.