'4 không' khi sơ cứu người bị đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu ô xy và chết, gây nên các rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác.
TS Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) tư vấn về dự phòng tai biến mạch máu não - Ảnh: Thảo Chi
TS Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) tư vấn về dự phòng tai biến mạch máu não - Ảnh: Thảo Chi
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết sự gián đoạn của quá trình cung cấp máu và ô xy lên não có thể do tắc mạch, huyết khối động mạch não hoặc vỡ mạch máu não. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo... cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên đột quy.
Bác sĩ Anh Tuấn lưu ý về một số sai lầm cần tránh khi sơ cứu người đột quỵ. Theo đó, có “4 không” như sau: 1/ Không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị. 2/ Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. 3/ Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg. 4/ Không dùng thuốc aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.
Khi người thân có dấu hiệu đột quỵ, cần hỗ trợ để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cần để người bệnh nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, cần xem người bệnh thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo ngay nhằm kịp thời cung cấp ô xy cho não.
Hỗ trợ sau tai biến
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết tai biến do đột quỵ phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ. Khoảng 90% bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại hằng ngày. Người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng sau tránh cứng khớp, đặc biệt là giúp cho cơ lực khỏe hơn, nhanh hồi phục hơn.
Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ với biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, gặp khó khăn khi diễn đạt. Để giúp người bệnh có thể giao tiếp được trở lại bình thường, hãy giúp người bị đột quỵ học lại kỹ năng giao tiếp; duy trì nói những chuyện vui, lời động viên, khích lệ để thôi thúc tinh thần, sẽ nhanh lấy lại sức khỏe.
Suy giảm nhận thức là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não. Người bệnh hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói của người khác. Ngoài ra, người bệnh sau đột quỵ có thể bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân. Các thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện triệu chứng.
Ngoài ra, có thể khuyến khích người bệnh tham gia nhóm hoặc câu lạc bộ đột quỵ giúp người bệnh có thể kết bạn và chia sẻ với những người bạn mới có cùng hoàn cảnh với mình.

Nhận diện đột quỵ - FAST
F - Face (mặt): Nạn nhân có bị méo mặt hay miệng?
A - Arms (tay): Nạn nhân có thể nhấc 2 tay ngang vai và giữ trong 10 giây?
S - Speech (nói): Nạn nhân có khó nói chuyện, nói ú ớ, nói không thành lời?
T - Time (thời gian): Nếu có, ngay lập tức gọi 115, đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhanh nhất có thể.
Phương An (thanhnien)
(Theo Survival Skills Vietnam)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.