32 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa: Cuộc trùng phùng của những chứng nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau trận hải chiến Gạc Ma bi hùng trên biển năm 1988, một cựu binh Gạc Ma đã mất liên lạc với đồng đội hơn 30 năm mới tìm lại được.
Phút giây trùng phùng của những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị trong dịp 14.3.2020 (cựu binh Võ Văn Hùng ở giữa)/ Ảnh: Nguyễn Phúc
Phút giây trùng phùng của những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị trong dịp 14.3.2020 (cựu binh Võ Văn Hùng ở giữa)/ Ảnh: Nguyễn Phúc
Ở Quảng Trị, ngoài gia đình 2 liệt sĩ Gạc Ma là Hoàng Ánh Đông và Tống Sỹ Bái, 3 cựu binh còn sống sót “khá là nổi tiếng” gồm ông Trần Thiện Phụng (55 tuổi, sống ở TP.Đông Hà), ông Trần Quang Dũng (52 tuổi) và ông Trần Xuân Bình (52 tuổi, cùng sống ở xã Gio Việt, H.Gio Linh), bởi với nhiều người, họ là những người hùng trở về từ cõi chết. Và dẫu chỉ có chừng ấy cá nhân nhưng họ cũng thành lập Ban Liên lạc gia đình liệt sĩ và cựu binh Gạc Ma tỉnh Quảng Trị hẳn hoi.
.
Nhân chứng hải chiến Gạc Ma kể về ngày định mệnh 14.3.1988, 64 chiến sĩ đã hy sinh
Bất ngờ, chiều 11.2, Trưởng ban Liên lạc Trần Thiện Phụng rộn rã báo với tôi rằng: “Năm nay, chúng tôi vừa kết nạp thành viên mới. Người từng cùng chúng tôi bước lên con tàu HQ 604 ra Gạc Ma, nhưng hơn 30 năm chưa hề gặp lại”.
30 năm thèm một lần gọi tên đồng đội
Người cựu binh đó là ông Võ Văn Hùng (54 tuổi, quê xã Cam An, H.Cam Lộ, Quảng Trị). Năm 1987, ông Hùng lên đường gia nhập lực lượng hải quân. Sau 1 năm huấn luyện, ông cùng 5 chàng trai trẻ quê Quảng Trị và nhiều đồng đội thuộc Trung đoàn E83 (Bộ Tư lệnh Hải quân) bước lên con tàu HQ 604 nhắm thẳng Gạc Ma, xé sóng mà đi.
Sáng 14.3.1988, ông Hùng cùng đồng đội vốn là lính công binh nhảy xuống xuồng, vận chuyển sắt thép, xi măng lên đá Gạc Ma... “Tôi còn nhớ khi mặt trời vừa ló dạng, Trung Quốc đã bao vây Gạc Ma và tàu HQ 604. Chúng nổ súng đánh chìm tàu. Còn chúng tôi, những người đã lên đảo đá chỉ biết nằm bẹp người xuống đất né đạn, ứa nước mắt nhìn tàu HQ 604 cùng đồng đội chìm dần”, ông Hùng kể lại, giọng run run.
Cũng theo lời kể của người cựu binh nhỏ con nhưng gân guốc này thì sau vài chục phút xả súng vào tàu và bộ đội ta, quân Trung Quốc rút đi, những người lính Việt Nam nào còn sống thì lên xuồng, chèo ra giữa biển. “Chúng tôi cứ thả trôi như vậy từ 8 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều cùng ngày thì mới được tàu HQ 505 ứng cứu. Tối đó, chúng tôi được đưa về đảo Sinh Tồn, được cho ăn uống, ngủ nghỉ khi trên người chỉ còn độc 1 chiếc quần đùi”, ông Hùng kể.
Sau khi chứng kiến cuộc xả súng tàn khốc làm 64 đồng đội hy sinh hôm đó ở Gạc Ma, ông Hùng vẫn ở lại phục vụ Hải quân thêm 2 năm nữa, vẫn vào ra các đảo ở Trường Sa vài tháng 1 chuyến để xây dựng đảo, mãi cho đến tháng 3.1990 mới ra quân. Trở về Quảng Trị, ông lấy vợ năm 1992, cũng vào năm đó, do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, người lính hải quân xuất ngũ đã dắt díu vợ và đứa con đầu lòng sang Lào để mưu sinh. Gia đình ông sống chủ yếu ở H.Sê Pôn (tỉnh Savanakhet, Lào). Để nuôi gia đình, vốn được “bổ sung” 4 đứa con nữa lần lượt ra đời sau đó, ông Hùng đã làm đủ thứ nghề, từ bốc gỗ, lái xe... Điểm chung của tất cả công việc là ông luôn làm thuê, chứ chưa được làm chủ bao giờ.
“Cuộc sống của tôi khá vất vả nhưng tôi chưa bao giờ quên đồng đội, quên trận chiến Gạc Ma. Không có điều kiện lập gian thờ, cứ đến ngày 14.3, tôi thắp hương bái vọng trời đất, cầu cho vong linh những đồng đội anh dũng ngã xuống được bình yên... Nhiều lúc kỷ niệm cứ ùa về, tôi thèm kêu tên đồng đội đến quay quắt. Chỉ mong gặp lại bất kỳ đứa nào đó để ngồi lại uống rượu, ôn chuyện ngày xưa”, ông Hùng nói.
Mãi có nhau trong đời
Sau một vài lần trở về thăm quê với thời giờ như “chuồn chuồn đạp nước”, năm 2018, gia đình ông Hùng mới về sống hẳn ở Cam An (H.Cam Lộ). Điều đầu tiên mà người cựu binh này nghĩ đến, chính là đi tìm đồng đội. “Tôi đã đánh tiếng với nhiều đồng đội từng nhập ngũ vào năm 1987, rằng tôi muốn tìm lại những người bạn từng lên tàu HQ 604 ra Gạc Ma năm đó. Bởi thời đó lên đường, chỉ biết với nhau là quê Quảng Trị chứ có biết nhà cửa, cha mẹ ở đâu”, ông Hùng nói.
“Khi trận chiến Gạc Ma 1988 xảy ra, tôi vẫn ở trên tàu HQ 604. Tàu chìm, tôi vớ được khúc gỗ trôi trên biển. Sau gần nửa ngày, khi đã mệt lử thì tàu Trung Quốc mới vớt tôi lên, đưa về “giam lỏng” ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Ngày 2.9.1991, tôi được trở về Việt Nam. Nhiều năm qua, khi thành lập Ban Liên lạc lính Gạc Ma Quảng Trị, tôi cứ đau đáu mãi một việc rằng tôi biết tại Quảng Trị còn 1 người lính Gạc Ma nữa, nhưng không biết người này ở phương trời mô mà tìm”, Trưởng ban Liên lạc Trần Thiện Phụng kể.
Ký ức đời lính từng sống chết với nhau trên biển đã thôi thúc họ đi tìm nhau và cuộc trùng phùng ấy đã đến vào một dịp không thể đặc biệt hơn: 14.3.2018. “Khi ấy tôi nghe người ta nói có một cuộc gặp gỡ lính Gạc Ma ở TP.Đông Hà, nên lập tức xin nghỉ việc, phóng xe máy 41 km từ chỗ làm về địa điểm mà nghe nói là mọi người đang ở đó. Tôi đã không hoài công, vì đó là lần đầu tiên tôi gặp lại anh Trần Thiện Phụng, anh Trần Quang Dũng, Trần Xuân Bình sau 30 năm”, ông Hùng nói, mắt vẫn còn nhòe đi vì xúc động.
Những người chứng kiến cuộc trùng phùng của các cựu binh Gạc Ma hôm đó hẳn sẽ không bao giờ quên cảnh những người đàn ông đều bước qua ngũ tuần, tóc đã muối tiêu, ôm chầm lấy nhau, hết khóc rồi cười, hết cười rồi khóc, hệt như những đứa trẻ. Câu chuyện bắt đầu từ những câu hỏi: “Mi chừ ở mô? Mi chừ mần chi? Vợ con mi răng rồi?”..., cuối cùng cũng dẫn dắt họ về với quá khứ của năm 1988, giữa biển trời Gạc Ma.

Kết bè hoa, nguyện cầu cho đồng đội

Kết bè hoa, nguyện cầu cho đồng đội
 
Sáng 12.3, 4 cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị đã kết bè hoa mang về biển Cửa Việt (ảnh). Cùng với những lời nguyện cầu, họ chắp tay nhìn bè hoa nghi ngút khói hương, trôi dập dềnh ra xa dần. Mới hay, dẫu cửa biển này rất xa Gạc Ma, nhưng một phần ký ức của những người cựu binh đang đứng ở đây đã nằm lại trên mảnh đất thiêng của Tổ quốc trên Biển Đông - bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đời thường của lính đảo
Khi về với đời sống, những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị có đời sống khá bình dị, thậm chí là... hơi nghèo. Như ông Hùng sau mấy chục năm mưu sinh nơi đất khách, trở về quê ông cũng chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, 54 tuổi, ông vẫn đi lái máy múc cho một công ty xây dựng cách nhà 41 km với lương 5 triệu đồng/tháng. Nhờ chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa tặng 300 triệu đồng nên đầu năm 2020 ông mới cất được nhà.
Còn Trưởng ban Liên lạc Trần Thiện Phụng, dù ít ốm đau nhưng nhìn rất hom hem vì mắc chứng mất ngủ kinh niên. Việc chính của ông từ nhiều năm nay là phụ vợ bán bún vào buổi sáng, thời gian còn lại chỉ quanh quẩn trong nhà, chơi với cháu con.
Khỏe mạnh và “ăn to nói lớn nhất” trong nhóm là cựu binh Trần Quang Dũng, ông từng là thuyền trưởng tàu cá chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Nhưng cách đây hơn 1 năm, vợ mất vì ung thư, ông bán tàu, trở về phụ em gái bán cơm bình dân ở TT.Cửa Việt. “Tôi bây giờ là đầu bếp chính. Mỗi ngày nấu 120 lon gạo, kho 15 kg thịt gà, 10 kg thịt heo, xào 15 kg rau và 80 lít nước canh... phục vụ cho khoảng 150 suất cơm bình dân. Lương em gái tôi trả, tháng 5 triệu đồng. Hằng ngày tôi vẫn dậy sớm tập thể dục, tối lỡ có làm chén rượu thì về nhà vẫn ăn hết cả lon gạo”, ông Dũng chia sẻ.
Chỉ cựu binh Trần Xuân Bình là còn giữ công việc gắn liền với biển, ông vẫn là ngư dân, vẫn đều đặn dong thuyền ra khơi kiếm cá tôm mang về đất liền. Thi thoảng ông vẫn đi qua Gạc Ma...
Theo ông Phụng, những năm gần đây, cứ đến dịp 14.3, những người lính và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma lại về biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), quê của cựu binh Lê Hữu Thảo để tổ chức lễ tưởng niệm và ăn với nhau một bữa cơm. Năm nay vì đang xảy ra dịch Covid-19 nên các cựu binh tỉnh nào tổ chức ở tỉnh đó.
Theo Nguyễn Phúc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.