Sau thời hạn 1 - 2 tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến, có những tình nguyện viên đã đăng ký tiếp tục ở lại hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu. Thậm chí, một số người tâm niệm sẽ bám trụ đến khi hết dịch bệnh mới trở về.
Tình nguyện viên mừng bệnh nhân chuẩn bị xuất viện. Ảnh: Như Lịch |
Bác sĩ Lưu Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) dã chiến số 12 (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận xét: “Các tình nguyện viên tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại BV này rất có tâm, có tầm và có kinh nghiệm, chuyên môn. Thay vì dự định hỗ trợ tại đây trong 1 tháng, một số anh chị đã đề xuất được ở lại để tiếp tục đóng góp cho công việc phòng chống dịch của BV. Ban giám đốc tri ân tinh thần nhiệt huyết và tích cực của các anh chị”.
Thương bệnh nhân
Cùng đội hậu cần và đội dọn vệ sinh, tôi và nữ tu Nguyễn Thị Duyên Anh (37 tuổi, Hội dòng Đa Minh Rosa Lima, TP.Thủ Đức) có nhiều dịp đi làm chung với nhau. Sơ Maria Duyên Anh nhìn nhận: “Thời gian đầu vào BV dã chiến, tôi cũng rất sợ hãi. Nhưng với ơn Chúa, đặc biệt tôi thấy các bệnh nhân đau khổ và đội ngũ y bác sĩ vất vả chiến đấu đồng hành với người bệnh, đã tiếp cho tôi sức mạnh”.
Theo kế hoạch đăng ký ban đầu, sơ Duyên Anh và 27 tu sĩ Công giáo sẽ trở về sau 1 tháng làm tình nguyện viên (từ ngày 22.7 - 22.8) tại BV dã chiến số 12 (do BV Da liễu TP.HCM phụ trách). Tuy vậy, đã có 11 tu sĩ tiếp tục ở lại phục vụ BV đến ngày 22.9, gồm các sơ Ánh Sao, Bùi Thủy, Duyên Anh, Hương Thảo, Trần Hiền, Bích Thảo, Đinh Dung và các thầy Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Ngọc, Cao Văn Hoàng, Nguyễn Văn Ân. Các tu sĩ này phân bổ ở hầu hết các đội, như đội hậu cần, phòng kế hoạch tổng hợp, đội hộ lý dọn vệ sinh, đội lâm sàng, đội sàng lọc, nhóm điều dưỡng...
Theo sơ Duyên Anh, nhận thấy nhu cầu của BV đang thật sự cần có tình nguyện viên để chia sẻ công việc, các tu sĩ xin phép nhà dòng được tiếp tục ở lại phục vụ. “Với cá nhân mình, tôi muốn ở lại thêm 1 tháng nữa bởi trước hết tôi thấy thương các bệnh nhân. Tôi muốn có thêm thời gian để đồng hành với các bệnh nhân giữa lúc họ đang buồn phiền, hoang mang, lo lắng và đau khổ vì nhiễm bệnh. Và tôi cũng muốn chia sẻ công việc với các nhân viên y tế, hầu mong sao khi chúng tôi phải rời đi thì cũng là lúc kịp có nhóm tình nguyện viên khác đến thay thế”, sơ Duyên Anh bộc bạch.
Chung đội hộ lý với sơ Duyên Anh, sơ Bùi Thủy có quan niệm “không thích những chỗ đông người”. Sơ Thủy thường đi làm sớm hơn giờ quy định, cặm cụi lau dọn những tầng lầu ít người qua lại. Bất kể sáng tối, khi nào các chị hộ lý BV “ới’ một tiếng là sơ Thủy nhanh chóng mặc đồ bảo hộ xuống dọn vệ sinh khu cấp cứu. Một chị hộ lý từng cho biết chị thường rủ sơ Thủy dọn nhà vệ sinh, vì một số bệnh nhân đại tiện ngay trên sàn nhà. Không một lời phàn nàn, than thở, sơ Thủy nói ngắn gọn: “Em thích làm việc. Mình làm được gì thì làm thôi ạ”.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (trái) chăm sóc bệnh nhân |
Hết dịch mới trở về !
Ngay từ khi đăng ký hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (tên thật là Nguyễn Thị Tâm), trụ trì Tu viện Tâm Không, H.Củ Chi, TP.HCM xác định tâm thế chỉ trở về chừng nào TP.HCM khống chế được dịch Covid-19.
Tại BV dã chiến số 12, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình tham gia tích cực đội cấp cứu. Trong những ca trực của mình, sư cô thường xoay như chong chóng với các công việc: Đo các chỉ số, cho bệnh nhân uống sữa, uống thuốc, cho thở ô xy, thay tã, thay áo quần hoặc hỗ trợ đưa người bệnh nặng đi vệ sinh, trấn an tâm lý cho những người bị khủng hoảng...
41 tuổi, sinh ra ở Quảng Trị, lớn lên tại TP.HCM, sư cô trải lòng: “Nhờ Sài Gòn, mình có mọi thứ, làm được những hoài bão của mình. Cho nên, có ai đưa xe đến xúc đi, mình cũng không bỏ Sài Gòn trong lúc này. Sài Gòn còn chứa mình thì mình sẽ còn ở, Sài Gòn cần thì mình sẽ phục vụ. Vì mình nhận nhiều ân huệ rất lớn từ mảnh đất này, nên mình sẽ không đi đâu hết và ở lại đây cùng Sài Gòn chống dịch”.
Tại BV dã chiến số 12, tất cả 8 tình nguyện viên Phật giáo đăng ký ban đầu là phục vụ trong 2 tháng (22.7 - 22.9). Sau thời gian này, ngoài sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, còn có 4 tình nguyện viên Phật giáo tiếp tục ở lại, đó là các anh chị: Bùi Thị Đan Thùy, Dương Hữu Tùng (đội cấp cứu), Nguyễn Thị Nguyệt và Lê Thị Kim Ngọc (phòng kế hoạch tổng hợp).
Suốt 5 năm sau khi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng gây mê hồi sức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, anh Dương Hữu Tùng (27 tuổi, quê Lâm Đồng) không đi làm. Anh vào một ngôi chùa ở TP.Thủ Đức để tìm ý nghĩa cuộc sống. Từ ngày 22.7 đến nay, anh Tùng tham gia đội cấp cứu tại BV dã chiến số 12.
Một số tình nguyện viên tự nguyện kéo dài thời gian phục vụ tại BV dã chiến số 12 |
Bên cạnh công việc của một điều dưỡng, anh Tùng dành thời gian chăm sóc những bệnh nhân không có ai bên cạnh. Cùng làm tình nguyện viên trong BV dã chiến số 12, nhiều buổi xế chiều, tôi thấy anh Tùng mồ hôi đầm đìa sau ca trực, xuống khu vực phân phối cơm nước để tìm thức ăn cho người bệnh nằm cấp cứu.
Nói về những trải nghiệm trong BV dã chiến, anh Tùng bộc bạch: “Một hôm đi trực khuya về, em chợt nghĩ những ngày tháng qua mình sống hơi nhỏ bé và mơ hồ trong cái ý tưởng cá nhân của mình. Khi được tiếp xúc với đời sống chân thật, mình không có nhiều cái ảo tưởng và xa vời. Khoảnh khắc đó em nhận ra kiếp sống, sứ mạng của mình cuối cùng là để phục vụ, để cống hiến theo khả năng, tố chất của mình. Và em thấy rằng mình đi vào đây là rất đúng!”.
Muốn chiến thắng nỗi sợ hãi Từ ngày 22.7 đến nay, anh Hồ Anh Toàn (27 tuổi, quê Đồng Nai) làm tình nguyện viên “đa nhiệm” tại BV dã chiến số 12: tham gia đội sàng lọc bệnh nhân, phân phối cơm, đổ rác cho bệnh nhân, tham gia khuân vác ở đội hậu cần. Nhớ lại thời điểm đăng ký đi làm tình nguyện, anh Toàn bày tỏ: “Khi đó, mình thấy trong lòng có chút hứng khởi và một chút sợ hãi kèm theo. Nhưng mình muốn chiến thắng nỗi sợ hãi và muốn đóng góp chút công sức của mình”. |
Vận động tài trợ trang thiết bị cho BV tuyến đầu chống dịch Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình vận động những nhà hảo tâm tài trợ số lượng lớn các trang thiết bị cho một số BV tuyến đầu điều trị Covid-19. Tại BV dã chiến số 12, sư cô đã trao 1.310 bộ đồ bảo hộ cấp 4; 800 bộ đồ bảo hộ cấp 3; 7.000 khẩu trang N95; 740 khẩu trang N95-3M; 200 máy đo SpO2; 80 bình ô xy loại lớn; 20 máy đo huyết áp; 20 máy đo nhiệt độ; 5 Monitor; 1.200 cái tã; 3 thùng băng vệ sinh; 1 máy hút đàm; 2 thùng thuốc bổ và thuốc điều trị cho F0. Sư cô quyên góp và trao tặng 10.000 khẩu trang, 300 cái mền, 50 thùng nước, 30 thùng sữa, 16 thùng chà bông cho Trung tâm hồi sức Covid-19; trao tặng 500 dây ô xy mask túi, một số thuốc điều trị cho F0 tại cộng đồng; 8 thùng đồ bảo hộ cấp 4 và gần 300 khẩu trang N95-3M cho BV dã chiến điều trị Covid-19 H.Bình Chánh... |
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)