30 ngày trong bệnh viện dã chiến: Đội hậu sự… lấy rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những đội tình nguyện phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (TP.Thủ Đức, TP.HCM), có một đội hình đặc biệt mà ai tham gia cũng muốn mình… thất nghiệp: Đội hậu sự!

Thành viên đội hậu sự tham gia cùng dân quân tự vệ đổ rác cho bệnh nhân. Ảnh: Như Lịch
Thành viên đội hậu sự tham gia cùng dân quân tự vệ đổ rác cho bệnh nhân. Ảnh: Như Lịch
Thành viên của đội hậu sự gồm một tình nguyện viên Phật giáo là sư Minh Hiển (đến từ chùa Bửu Long, TP.HCM) và bốn tu sĩ Công giáo là Lương Thanh Tùng, Bùi Văn Pháp, Nguyễn Ngọc Chinh, Nguyễn Văn Quang.
Thầy tu lấy rác, phát cơm
Việc thành lập đội hậu sự xuất phát từ tình hình thực tiễn có nhiều biến chuyển khó lường, nhất là trong những ngày đầu đi vào hoạt động của Bệnh viện (BV) dã chiến số 12. Vào thời điểm ấy (gần cuối tháng 7.2021), BV này có vài ca trở nặng nhưng liên hệ tuyến trên không được.
Ban giám đốc nhận định tuyến trên đã quá tải, nên vẫn tăng cường y bác sĩ nỗ lực hết sức điều trị cho bệnh nhân, đồng thời lập đội hậu sự phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Theo đó, thành viên đội hậu sự sẽ có mặt bên cạnh bệnh nhân trong giây phút họ lâm chung, tổ chức khâm liệm cho họ. Sư Minh Hiển tụng kinh để họ được an nghỉ hoặc các tu sĩ Công giáo sẽ thực hiện nghi thức phó dâng và từ biệt.
Ai nấy đều thở phào khi đội hậu sự không phải làm việc hệ trọng trên. Bởi sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc can thiệp và tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.
Dù vẫn thuộc đội hậu sự, các tu sĩ này chủ yếu đi dọn rác, phát cơm cho bệnh nhân. Ngoài ra, các thành viên còn tham gia đội hậu cần khuân vác hàng hóa, vật dụng cho BV.
Có những hôm khiêng cơm từ ngoài đường vào sảnh lô E của BV, tôi thấy sư Minh Hiển đứng sẵn chờ nhận các suất cơm cho bệnh nhân. Không để bệnh nhân phải chờ lâu, sư vội vã kiểm đếm số lượng rồi nhanh chóng lên lầu 4 mặc đồ bảo hộ, cùng một số tình nguyện viên và dân quân tự vệ tỏa ra các lô phân phát cơm. Những hôm đó, sư Minh Hiển và đồng đội ăn cơm muộn hơn mọi người sau khi đã hoàn tất việc phát cơm cho bệnh nhân ở từng phòng.
Cũng như nhiều thành viên trong đội hậu sự, sư Minh Hiển thường xuyên đi dọn rác các phòng bệnh nhân và kéo rác đi đổ tại điểm tập kết. Bình quân mỗi ngày, các ê kíp dọn rác khoảng 10 tầng lầu/lô (tổng cộng có 6 lô).
“Công việc của sư ở đây có khó nhọc không ạ?”, tôi hỏi. Sư Minh Hiển cho biết: “Việc lấy rác chỉ nguy hiểm ở chỗ lây nhiễm thôi. Chúng tôi mặc đồ bảo hộ, lấy rác rất thận trọng vì tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm. Còn xét về vất vả, vẫn không bằng làm ở chùa. Ở chùa chúng tôi làm rất nhiều việc: lấy rác, lau dọn, nấu ăn…”.
Theo sư Minh Hiển, ban đầu, sư đăng ký chăm sóc bệnh nhân (từ ngày 22.7 - 22.9). Tuy nhiên, sư nhận thấy những người chăm sóc bệnh nhân cần phải có chuyên môn. Sư Minh Hiển đúc kết: Mình không có chuyên môn, mình dọn rác cũng là gián tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Trong công việc hằng ngày, sư Minh Hiển thường đi cùng hai tu sĩ Công giáo. Sư Minh Hiển nhìn nhận : “Các anh Công giáo rất thân thiện, như anh em với nhau, không có gì phân biệt”.

Thành viên đội hậu sự tham gia phân phối cơm cho bệnh nhân
Thành viên đội hậu sự tham gia phân phối cơm cho bệnh nhân
“Nghĩ cảnh bệnh nhân ra đi đơn độc, xót xa lắm !”
Ngày 20.8, tôi và sơ Duyên Anh, sơ Hồng Nhiên sau khi lau dọn vệ sinh lầu 2, chuẩn bị thu dọn đồ nghề thì gặp thầy Lương Thanh Tùng và thầy Bùi Văn Pháp ở đội hậu sự mới đi đổ rác cho bệnh nhân trở về. Đầu tóc và lưng áo thầy ướt đẫm mồ hôi.
Sơ Duyên Anh nói vui: “Con cầu cho các thầy đội hậu sự thất nghiệp mãi mãi, để không có ai chết”. Thầy Pháp bộc bạch: “Chúng em làm hậu sự nhưng mong không có việc ở đội này. Có những hôm kéo thùng rác đi ngang phòng cấp cứu, thấy người bệnh nằm hồi sức cấp cứu nhiều mà thương cho họ. Chúng em mong sao họ đừng tới khâu đó!”.
Trong khi đó, thầy Tùng tâm tư: “Ở BV này, bệnh nhân nặng là được chuyển lên tuyến trên. Nhưng ở một số BV khác, có nhiều người chết mà mình không giúp được họ. Mình không mong có ai chết đâu, nhưng nghĩ cảnh bệnh nhân ra đi một mình đơn độc, xót xa lắm!”.
Thầy Tùng cho hay gần đây, một linh mục trong nhà dòng mắc Covid-19 và chết không có ai bên cạnh. Thầy Tùng ngậm ngùi: “Một linh mục mà cả cuộc đời ngài đã phó dâng cho biết bao nhiêu người, cử hành thánh lễ cho biết bao nhiêu người chết. Thế nhưng đến lúc ngài ra đi, không có ai bên cạnh, không ai phó dâng và tiễn biệt…”.
Nói về đội hậu sự tại BV dã chiến số 12, thầy Tùng chia sẻ: “Mình mong đội này luôn thất nghiệp cho đến ngày giải thể. Nhưng mình thấy thương cho bệnh nhân xấu số ở những nơi khác, nên mình ước ao giá như được ở gần họ lúc đó, đồng hành với họ trong giây phút cuối cùng. Mình thấy tội và muốn giúp họ, nhất là người già thường rất sợ hãi trong thời khắc đó”.
(còn tiếp)

Năng lượng nội tâm

Cả ngày mặc đồ bảo hộ, buổi sáng thì đi lấy mẫu bệnh phẩm, buổi chiều đi lau chùi hành lang và dọn rác cho bệnh nhân, sơ Đinh Thị Dung (tình nguyện viên) khiến chúng tôi nể phục bởi sự dẻo dai. Chứng kiến sơ Dung cùng một sơ lau dọn một lúc sạch sẽ rác 5 tầng lầu, một bạn trẻ ngất ngư trong đồ bảo hộ, hỏi: “Sơ có phải là… người bình thường không? Sao sơ làm được 5 tầng luôn vậy?”. Sơ Dung nêu bí quyết: “Em cứ làm từ từ, hít thở đều. Mình làm việc gì thì chỉ tập trung, đặt cái tâm vào việc đó. Khi mình dọn rác, nên nghĩ tới việc giúp bệnh nhân có môi trường trong sạch, mau lành bệnh. Lúc đó, mình mới có động lực, có năng lượng nội tâm và sẽ có sức bền. Còn nếu mình làm chuyện này nghĩ chuyện kia, để đầu óc lung tung thì sẽ mau kiệt sức”.

Ngoài áp dụng bí quyết “năng lượng nội tâm”, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm uống nhiều nước, uống sữa hoặc chút mật ong (nếu có) trước khi mặc đồ bảo hộ làm việc trong nhiều giờ. Nhờ vậy, những lần sau, chúng tôi ít bị kiệt sức...

Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).