1.200 tỉ được vận chuyển trái phép thế nào qua các công ty "ma"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo đồng phạm qua nhiều công ty trong đó có Thuduc House làm hợp đồng khống, chiếm đoạt tiền hoàn thuế đồng thời qua các công ty "ma" vận chuyển trái phép số tiền 51 triệu USD (1.200 tỉ đồng).

Như Lao Động đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận, đề nghị truy tố 34 bị can về các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; Buôn lậu; Nhận hối lộ" xảy ra tại TPHCM, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra xác định, Trịnh Tiến Dũng, 49 tuổi, chủ mưu, cầm đầu song đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Cơ quan điều tra đã tách hành vi của Dũng thành vụ án khác, khi nào bắt được sẽ xử lý.

Trong vụ án, ngoài các hành vi, cơ quan công an đã làm rõ thủ đoạn "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" của Dũng và đồng phạm.

Cụ thể, Dũng chỉ đạo nhiều người dùng Chứng minh nhân dân giả để thành lập 18 công ty "ma" ở Việt Nam. Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia, UAE, ông ta lập 13 công ty của mình để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu với các công ty trong nước để làm khống hóa đơn xuất nhập khẩu, chiếm đoạt 538 tỉ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước, đồng thời vận chuyển trái phép tiền qua biên giới.

Dũng móc nối với nhiều cán bộ Chi cục thuế một số quận ở TPHCM; sau đó cùng Lưu Thị Ngát - Giám đốc Công ty Khánh Hưng sử dụng 16 công ty "ma" xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức (Thuduc House), Công ty Hoàng Nam Anh để làm hồ sơ xuất khẩu và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Năm 2019-2020, Dũng được một nhóm khách hàng thuê chuyển tiền nên đã lập các nhóm chat qua mạng xã hội WhatsApp để chỉ đạo từng người trong đường dây của mình.

Nguồn tiền từ nước ngoài về Việt Nam có các nhóm: DV chuyentien, Thuy ST, Thuy VL-Chia Tay, Crypto, Thuy Texas... Còn tiền chuyển ra nước ngoài là các nhóm: Luong, Khanh Zotac, Ken Hai iPhone, Thuy OC-BOB...

Dũng giao cho Trần Hoàn Tiên (32 tuổi) - Giám đốc Công ty Mega ET VN, Trần Nhất Thanh (30 tuổi) - Giám đốc Công ty Jas điều hành toàn bộ hoạt động tại Việt Nam.

Hai người này đã chỉ đạo những đồng phạm vay vốn ngân hàng thông qua hình thức mở sổ tiết kiệm. Sau đó họ dùng chính các sổ tiết kiệm này làm tài sản đảm bảo vay USD tại ngân hàng, tạo dòng tiền chuyển ra nước ngoài thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống.

Trong đó, Công ty TNHH TMDV Brian tại Việt Nam ký giả 8 hợp đồng với Công ty Avi Import & ExportExport Inc (tại Mỹ, đại diện pháp luật là Lam Q Vu) nhập khẩu CD Rom với tổng giá trị hơn 5,7 triệu USD (khoảng 135 tỉ đồng). Số tiền này đã được chuyển thành công qua Mỹ.

Công ty TMDV điện tử Văn Nghĩa ký 16 hợp đồng nhập khẩu với Công ty Meas Chany Import Export Co.Ltd với tổng giá trị gần 8,4 triệu USD; đã chuyển hơn 4,4 triệu USD...

Thanh và Tiên có nhiệm vụ cân đối và rà soát công nợ giữa các công ty trong nhóm tại Việt Nam với các danh nghiệp của Dũng thành lập ở nước ngoài. Nhóm này sẽ lập khống các hợp đồng theo các thông tin của đơn vị bán hàng ở nước ngoài và nơi nhập khẩu.

Tiếp đó, Thanh giao cấp dưới lập các giấy tờ buôn bán hàng hoá quốc tế (sales contract, parking list, invoice...) theo mẫu có sẵn cùng với số lượng hàng, giá trị hợp đồng. Nhóm này sẽ copy hình chữ ký và con dấu của các công ty nước ngoài trên hợp đồng ngoại thương để làm giả.

Đối với các công ty trong nước, Dũng chỉ đạo đồng phạm giả chữ ký giám đốc, đóng dấu mộc công ty tại các hợp đồng và chứng từ. Sau đó, họ chuyển làm thủ tục mở tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc xuất khẩu, làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền...

Kết quả điều tra xác định, nhóm này đã ký 105 hợp đồng giả với 7 công ty của Dũng tại Mỹ, Campuchia và Hong Kong; chuyển trót lọt gần 24 triệu USD (trong tổng số tiền phạm tội 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng) về nước.

Nguồn tiền này lấy của các cá nhân thông qua những nhóm: DV chuyentien, Thuy ST, Thuy VL-Chia Tay, Crypto, Thuy Texas...

Trong đó, nhóm Thuy ST và Thuy VL-Chia Tay đã chuyển tiền qua lại cho người tên Thuỷ (sống tại Mỹ) hơn 3,7 triệu USD; nhóm Crypto đã chuyển tiền qua lại cho người tên Tony (sống tại Mỹ) gần 1,5 triệu USD...

https://laodong.vn/phap-luat/phat-75-trieu-dong-nguoi-dan-ong-xuc-pham-luc-luong-cong-an-tren-facebook-1086155.ldo
 

Theo QUANG VIỆT (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.