10 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trang mạng research.com vừa công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học năm 2022. Trong số những nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới trên thì Việt Nam có 10 nhà khoa học và 4 trong số này đến từ Đại học Quốc Gia Hà Nội.

 4/10 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới hiện đang công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: cand.com.vn)
4 trong số 10 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới hiện đang công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: cand.com.vn)

Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Máy tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng là 6 lĩnh vực mà 10 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng trên bảng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.

Trong số 10 nhà khoa học Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng này thì có 4 nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Viện Công nghệ thông tin; Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Hùng Việt và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Bình Minh đều từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Trong bảng xếp hạng này của research.com, vị trí của một nhà khoa học được đánh giá dựa trên chỉ số D- chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể. Với đợt xếp hạng lần này, trang mạng research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Trang mạng Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng.

Theo đó, lĩnh vực Hóa học, có Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Phiiippe Derreumaux), Việt kiều Australia, địa chỉ Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, có Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học Máy tính, có Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn-Viện Công nghệ Thông tin-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Còn ở lĩnh vực Khoa học Môi trường, Việt Nam có 2 người là Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Hùng Việt và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Bình Minh đều thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, có Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu-Trường Đại học Phenikaa.

Lĩnh vực Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ có 4 nhà khoa học Việt Nam, trong đó Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có hai người là: Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng và Phó Giáo sư Phùng Văn Phúc; Trường Đại học Tôn Đức Thắng có hai người là Phó Giáo sư Nguyễn Thời Trung và Phó Giáo sư Thái Hoàng Chiến.

Trong bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài nhưng lấy tên địa chỉ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Việt Nam.

Lĩnh vực Y học-Y học cộng đồng có Phó Giáo sư Trần Xuân Bách, Trường Đại học Y Hà Nội.

Các nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng đều làm việc tại các trường Đại học, là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu khi có nhà khoa học được thế giới xếp hạng trong 3 lĩnh vực: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Máy tính.

Những con số thống kê trên phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ Việt Nam phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, phải đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học và cho các mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn với khoa học của thế giới.

 

GIA BẢO (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.