Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Đàn T’rưng cũng được cải tiến nhiều mặt bởi những người không lớn lên ở Tây Nguyên song đã trót yêu t'rưng như yêu tâm hồn của một xứ sở.

Lần trở lại Pleiku mới đây vào cuối tháng 3-2024, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đỗ Lộc đã không còn được gặp lại người thầy, người anh thân thiết Nay Pharr nữa. Ông trầm giọng đọc mấy câu thơ vừa ứng tác: “Bao nhiêu năm duyên nợ/Hôm nay đây trở về/Nay Pharr ơi còn nhớ/Thời trai trẻ đam mê?/Suối đàn t'rưng chảy mãi/Sáo ngày gọi non sông/Tre nứa như dậy sóng/Cùng quê hương anh hùng…”.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Đăng trong một tiết mục diễn tấu t'rưng. Ảnh: P.D

Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Đăng trong một tiết mục diễn tấu t'rưng. Ảnh: P.D

Sự nghiệp âm nhạc của NSND Đỗ Lộc được biết đến với cây sáo trúc, nhưng thành công lại đến với ông nhờ các công trình cải tiến nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn t'rưng. Ông nhớ mãi cảm giác say sưa khi lần đầu tiên được biết đến thanh âm lạ lùng, róc rách như suối của loại nhạc cụ làm bằng tre nứa này trong thời gian cùng công tác với nghệ sĩ Nay Pharr ở Đoàn Ca múa Nhân dân miền Nam tại Hà Nội. Cây đàn gồm 11 ống nứa với thang âm ngũ cung, chỉ nhờ 2 que gõ mà bật thức bao giai điệu, bao tâm tình của đất và người Tây Nguyên. Thấy ông thích thú tìm hiểu, nghệ sĩ Nay Pharr đã tỉ mỉ hướng dẫn cách diễn tấu.

Từ chỗ say mê, nghệ sĩ Đỗ Lộc bắt đầu mày mò nghiên cứu cách sử dụng que gõ 2 chiều để cùng lúc đàn phát ra 4 nốt khác nhau, thay vì chỉ 2 nốt như trước đây. Ông còn cải tiến cây đàn truyền thống, đơn sơ từ 1 giàn ống nứa thành 2 giàn với thang âm quốc tế, có thể diễn tấu được tất cả các bản nhạc, kể cả nhạc cổ điển phương Tây.

Ông nhớ lại, trong buổi biểu diễn báo cáo về chiếc đàn cải tiến và que gõ 2 chiều, có người đã kinh ngạc thốt lên: “Trước đây, đàn trưng chỉ “nói” được tiếng Tây Nguyên, nhưng bây giờ nó còn “nói” được tiếng Kinh và cả tiếng quốc tế nữa!”. Với cải tiến này cùng những cống hiến trong hoạt động nghệ thuật, năm 1981, nghệ sĩ Đỗ Lộc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Đến nay, que gõ 2 chiều đã được ứng dụng rộng rãi trên đàn t'rưng, giúp biểu diễn các kỹ thuật khó theo yêu cầu của tác phẩm, làm phong phú thêm âm thanh núi rừng.

Trong số những người bị tiếng đàn t'rưng của cố nghệ sĩ Nay Pharr mê hoặc còn có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Xuân. Ông là tác giả của nhiều ca khúc được khán giả yêu mến như: Hát về Tổ quốc tôi, Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh), Hoa tím ngày xưa, Tiếng thu (phổ thơ Lưu Trọng Lư)…

Theo đuổi âm nhạc cổ điển phương Tây, sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1963, ông chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó với âm nhạc dân tộc. “Đó cũng là một cái duyên”-nhạc sĩ Hữu Xuân kể về thời điểm Đoàn Ca múa Trung ương (sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) quyết định thành lập dàn nhạc dân tộc và ông được giao phụ trách.

Yêu tiếng đàn trong trẻo mà khỏe khoắn của người nghệ sĩ Tây Nguyên, ông đã cặm cụi viết tác phẩm dành riêng cho loại nhạc cụ này; nhiều bản gần như đã trở thành “kinh điển” như: Tây Nguyên chào mặt trời, Mùa hái quả, Mùa xuân Tây Nguyên, Vũ hội Hơ Rê… Càng đúng với 2 từ “duyên nợ” khi vợ ông, nghệ sĩ Xuân Nhung chính là học trò lứa đầu tiên của nghệ sĩ Nay Pharr ở thủ đô. Bà chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc nhưng tên tuổi gắn liền với tiếng đàn t'rưng-một “dòng suối” hoang sơ đến kỳ lạ, khiến bao khán giả phải ngẩn ngơ.

Trở lại Gia Lai sau hàng chục năm, nhạc sĩ 84 tuổi cho hay, ông không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của phố xá. “Nhất là những con đường, sao mà đẹp đến thế!”-ông bày tỏ niềm xúc động. Chính từ tâm cảm ấy, ông khẳng định sẽ viết một tác phẩm mới cho t'rưng để “kể lại” sự phát triển của vùng đất này bằng âm nhạc.

NSND Đỗ Lộc và nhạc sĩ Hữu Xuân (thứ 3,4 từ trái sang) giao lưu cùng khán giả trong chương trình "Suối đàn t'rưng". Ảnh: P.D

NSND Đỗ Lộc và nhạc sĩ Hữu Xuân (thứ 3,4 từ trái sang) giao lưu cùng khán giả trong chương trình "Suối đàn t'rưng". Ảnh: P.D

Ngược lại, sau khi đã thành danh với đàn trưng thì NSND Nguyễn Thị Hoa Đăng-Phó Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mới biết đến tên tuổi của người đầu tiên mang tiếng đàn độc đáo này đến thủ đô. Năm 2021, nhân một chuyến biểu diễn tại Gia Lai, NSND Hoa Đăng đã lặn lội đến tận nhà thăm người nghệ sĩ mà mình hằng ngưỡng mộ. Khi đó, dù đã bước sang tuổi 91 nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr vẫn vui vẻ thay trang phục truyền thống, chơi một bản đàn tặng khách phương xa.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Đăng cho biết, trong luận án tiến sĩ sau đó về đề tài nhạc cụ tre nứa, chị đã dành 1 chương nói về sự đóng góp của nghệ sĩ Nay Pharr với vai trò là “người thầy đầu tiên” của nhiều nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc dân tộc tại Hà Nội. “Có đóng góp lớn là thế nhưng đáng quý là ông lại rất khiêm nhường”-NSND Hoa Đăng kể về ấn tượng trong lần đầu và cũng là lần cuối cùng được gặp ông.

Được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Suối đàn trưng” diễn ra tại Pleiku mới đây do NSND Hoa Đăng làm tổng đạo diễn, khán giả ngỡ ngàng và mãn nhãn trước những cây đàn cải tiến song vẫn bảo lưu nguyên vẹn âm thanh mộc mạc mà tinh hoa, trước đội ngũ kế thừa hùng hậu. Theo NSND Hoa Đăng, trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trưng cũng là nhạc cụ dân tộc tiêu biểu, không bao giờ vắng mặt trong những buổi biểu diễn văn hóa-văn nghệ dành cho các nguyên thủ.

Tưởng như quá đơn sơ mà thấm đẫm hồn cốt dân tộc, t'rưng đã qua một hành trình dài để chinh phục những tai nghe khó tính nhất. Thanh âm từ tre từ nứa, từ rừng từ suối ấy sẽ còn tiếp tục reo ngân khi tình yêu với t'rưng, với văn hóa Tây Nguyên còn mãi đậm sâu.

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.