Yên ả Kon Teo Đăk Lấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều mưa, rong ruổi trên những chuyến công tác xa nhà, tôi tình cờ dừng chân tại thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) yên ả và thơ mộng. Trò chuyện, tiếp xúc trực tiếp với bà con dân tộc Xơ Đăng nơi đây, tôi nhận thấy người dân phát huy tinh thần đoàn kết để gìn giữ những giá trị văn hóa trên vùng đất khó, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp.

 

 

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Kon Teo Đăk Lấp. Ảnh: TT
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Kon Teo Đăk Lấp. Ảnh: TT


Cơn mưa trở nên nặng hạt, dưới mái nhà rông của thôn, tôi trò chuyện cùng ông A Sao - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Teo Đăk Lấp. Không giấu lòng, ông niềm nở chia sẻ: Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Xơ Đăng nói riêng, ngôi nhà rông có vị trí rất đặc biệt. Đó chính là trái tim, là linh hồn, là nơi mà mọi người con Xơ Đăng đều hướng về và mang nhiều giá trị văn hóa. Tuy nhiên, theo thời gian, ngôi nhà rông của thôn đã dần xuống cấp. Chính vì vậy, tháng 9 này, bà con đã lên kế hoạch cụ thể để tu sửa mái nhà chung của thôn như: Phân công nhau chặt và vận chuyển tre, lồ ô, bện từng sợi lạt, chuẩn bị tấm tranh lợp mái.

Không chỉ quan tâm nhà rông, bà con thôn Kon Teo Đăk Lấp còn chú trọng việc gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa lâu đời khác của người Xơ Đăng như: Các điệu múa xoang, nhịp điệu cồng chiêng để thực hiện theo các nghi thức và vui với nhau trong các lễ hội. Người được chi bộ, người dân gửi gắm trách nhiệm cao cả trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thôn chính là 2 nghệ nhân A Aih và A Phong. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, cứ thế, hiện trong thôn đã thành lập được 2 đội cồng chiêng.

Ông A Sao “bật mí”: Vào các dịp lễ hội lớn (mừng lúa mới, mừng nhà rông…), thôn Kon Teo Đăk Lấp thường đón nhiều du khách ghé thăm. Hòa chung niềm vui, du khách không chỉ được trải nghiệm lễ hội với người dân giữa tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, điệu múa xoang uyển chuyển, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Xơ Đăng. Các món ăn truyền thống tiêu biểu của người dân không thể thiếu trong các lễ hội là: lá mì lên men, măng le, măng nứa, rau dớn, thịt chuột… Tuy không cầu kỳ, cao sang, nhưng những món ăn này được người dân ưa chuộng.

Qua trò chuyện, ông A Sao còn giải thích ý nghĩa về cái tên của thôn. Thực chất, thôn Kon Teo Đăk Lấp được sáp nhập từ thôn Kon Teo và thôn Đăk Lấp. Cái tên của 2 thôn này đều bắt nguồn từ tên 2 giọt nước đầu làng, từ rừng chảy ra. Dựa vào thế đất, nguồn nước là cơ sở để bà con Xơ Đăng lập thôn làng, an cư lập nghiệp. Chính vì vậy, cái tên của thôn mang ý nghĩa lưu giữ, nhắc nhở những thế hệ người Xơ Đăng trên mảnh đất đất này nhớ về cội nguồn. Đồng thời, đây cũng là một cách bà con tri ân tổ tiên, thiên nhiên, núi rừng.

Câu chuyện về cái tên kết thúc, cũng chính là lúc cơn mưa ngưng hẳn. Bà con trong thôn Kon Teo Đăk Lấp bắt đầu ùa ra đường, người cầm cuốc, người cầm xẻng, người cầm chổi, cứ thế nườm nượp tề tựu về nhà rông của thôn.

Trông thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, ông A Sao bộc bạch: Định kỳ cuối tuần, bà con trong thôn thường tập trung tham gia dọn dẹp vệ sinh, nạo vét kênh mương tại các tuyến đường nội thôn. Đây chính là cách để giữ cho thôn làng luôn xanh - sạch - đẹp. Đồng thời gắn ý thức, trách nhiệm của mỗi người vào việc xây dựng thôn làng; tạo thói quen tốt để những thế hệ thanh thiếu niên trong thôn noi theo, học tập.

Nói về vị trí địa lý, do điều kiện đi lại cách trở, trên 230 hộ dân với 1.200 nhân khẩu người Xơ Đăng trong thôn Kon Teo Đăk Lấp gần như nằm tách biệt, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sau khi xã Đăk Long được thành lập, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thôn vận động người dân đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được người dân trong thôn tích cực hưởng ứng.


 

 Nhiều hộ dân ở thôn Kon Teo Đăk Lấp đã chuyển đổi diện tích đất trồng mì bạc màu sang trồng cà phê. Ảnh: TT
Nhiều hộ dân ở thôn Kon Teo Đăk Lấp đã chuyển đổi diện tích đất trồng mì bạc màu sang trồng cà phê. Ảnh: TT
Phát triển chăn nuôi gia súc ở thôn Kon Teo Đăk Lấp. Ảnh: TT
Phát triển chăn nuôi gia súc ở thôn Kon Teo Đăk Lấp. Ảnh: TT


 
Theo đó, trong phát triển kinh tế, người dân chuyển mạnh từ việc chuyên trồng mì, bắp, lúa rẫy sang việc áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su và cây ăn trái. Từ các nguồn hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước và địa phương, người dân trong thôn còn phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có ở địa phương,  góp phần vào tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Không nói suông, để thêm phần thuyết phục, ông A Sao dẫn tôi ghé thăm hộ gia đình già A Ải. Thấy khách đến thăm nhà, già A Ải vội ngơi tay, bỏ cuốc, liềm qua một bên để đón tiếp. Sau nụ cười thân thiện, gia chủ dẫn chúng tôi ra vườn.

Già A Ải tâm sự: “Tôi tuổi đã cao rồi, nguồn thu nhập hàng ngày cũng đủ ăn. Tuy nhiên được sự vận động của chính quyền địa phương và sự khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nên tôi liền hưởng ứng trồng cà phê, nuôi dê và thử nghiệm trồng một số loại cây ăn quả. Mình phải làm gương cho con cháu học theo. Có như như vậy, con cháu mới có chí hướng, quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no”.

Qua quá trình phát triển, nhất là gần 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, kinh tế của các hộ dân trong thôn Kon Teo Đăk Lấp có sự chuyển biến tích cực, thu nhập tăng lên đáng kể. Cụ thể, nếu như cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn thôn đạt 18,5 triệu đồng/năm, thì đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 30 triệu đồng/năm.

Ông Trần Ngọc Trực - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long nhận định: Dù thôn Kon Teo Đăk Lấp mới được sáp nhập, điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế so với những vùng khác, nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động, khối đại đoàn kết toàn dân trong thôn tiếp tục được củng cố, vun đắp; tinh thần tham gia tự quản, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của người dân trong thôn ngày một hiệu quả hơn, từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa. Đây cũng là cơ sở để cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để góp phần đưa thôn Kon Teo Đăk Lấp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong thời gian đến.

Dưới ánh chiều tà, thôn Kon Teo Đăk Lấp yên ả và đẹp đến lạ. Nắng tắt dần, không gian trở nên yên ắng, chúng tôi rời thôn Kon Teo Đăk Lấp dưới ánh đèn điện lấp lánh và hy vọng với ý thức vươn lên, người dân nơi đây sẽ có nhiều đổi thay hơn nữa.

https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/yen-a-kon-teo-dak-lap-25846.html

 

Theo Tất Thành (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.