(GLO)- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn gia đình hoặc trong quan hệ tình cảm cá nhân.
Mới đây nhất, vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 4-4, tại nhà riêng (đường Kpă Tít, tổ 6, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), Võ Văn Lâm đã đâm nhiều nhát vào vợ mình là bà Nguyễn Thị Ánh. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng nạn nhân đã tử vong do vết thương quá nặng. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hành vi giết người của đối tượng chắc chắn xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.
Ảnh minh họa |
Cách đó không lâu, vào chiều 1-4, tại một phòng trọ ở đường Phù Đổng (TP. Pleiku) cũng đã xảy ra vụ án mạng gây xôn xao dư luận. Đối tượng gây ra vụ án mạng này là Nguyễn Văn Lai (SN 1998, trú tại thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa)-bạn trai ở cùng phòng trọ với nạn nhân.
Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 9-9-2017, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, Nguyễn Tấn Thịnh (SN 1983, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã dùng dao đâm tử vong vợ mình là chị Nguyễn T.D.K. Không dừng lại ở đó, trong cơn cuồng nộ, Thịnh cũng đã đâm em gái chị K. bị thương khi chị này vào can ngăn.
Cuối năm 2017, tại TP. Pleiku xảy ra vụ án mạng mà nạn nhân chính là con trai của một cặp vợ chồng đã ly hôn. Cũng vì mâu thuẫn với người vợ cũ mà đối tượng đã đang tâm tước đi mạng sống của chính đứa con trai kháu khỉnh do mình sinh ra...
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong quý I-2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 175 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 7 người và 67 người bị thương. Đáng chú ý là tội xâm phạm nhân thân có tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi gây án nguy hiểm, đối tượng gây án manh động, liều lĩnh. Trong số 6 vụ giết người và 46 vụ cố ý gây thương tích (làm 6 người chết và 67 người bị thương) thì có không ít vụ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình.
Phân tích các vụ xâm phạm nhân thân trong gia đình, chúng ta thấy nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu như: nghi ngờ ngoại tình, mâu thuẫn về tài sản, mâu thuẫn bột phát trong cuộc sống hàng ngày... Đặc biệt, trong nhiều vụ việc, kẻ gây án có sự dẫn đường của “ma men” nên không làm chủ được hành vi của mình. Ở không ít trường hợp, việc xâm phạm nhân thân xuất phát từ những mâu thuẫn kéo dài trong cuộc sống gia đình mà không được hóa giải kịp thời.
Xâm phạm sức khỏe và tính mạng của người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đặc biệt, hành vi này càng bị dư luận xã hội lên án khi thủ phạm lẫn nạn nhân chính là những người thân trong gia đình. Những vụ án xảy ra trong nội bộ gia đình bao giờ cũng để lại hậu quả nghiêm trọng và đau lòng. Kẻ thủ ác đương nhiên phải đền tội. Nạn nhân là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tuy nhiên, những thành viên còn lại trong gia đình mới là người chịu nhiều dằn vặt và phải hứng chịu hậu quả do “người trong cuộc” để lại.
Theo các chuyên gia tâm lý, để giảm thiểu và hóa giải kịp thời mâu thuẫn xảy ra trong gia đình thì phải xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên một cách hài hòa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Khi phát sinh mâu thuẫn, ngoài sự nỗ lực kiềm chế của “người trong cuộc” thì các thành viên trong gia đình cần tìm cách hòa giải bằng sự tôn trọng, công bằng và tình yêu thương. Một khi sự việc đã vượt quá khả năng của gia đình thì phải nhờ sự vào cuộc của các hòa giải viên ở địa phương. Về phía địa phương, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ hòa giải cần phát hiện và xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ dẫn đến xung đột, trong đó có những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình.
Duy Lê