Xuân hồng reo ngân trong cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên xếp chồng bậc thang-vốn là một bình nguyên mà sự nâng lên hạ xuống của lớp vỏ trái đất đã “mang biển lên rừng và mang rừng xuống biển”.

Đồi xanh nghiêng cỏ hồng
 

Đồi cỏ hồng xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: phương linh
Đồi cỏ hồng xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: Phương Linh

Cuối đông, khi những hạt mưa nhẹ bẫng giã từ những triền bazan sau cuộc rong chơi ngút ngàn và chờ tia nắng lên thay, đất trời Tây Nguyên cũng chùng chình những cuộc chuyển giao âm thầm mà hân hoan trong bao dưỡng chất trần gian đong đầy thung thương nhớ. Này đây! Sắc thay điệu sắc, hương chuyển làn hương. Trên nền đỏ nồng đượm môi thiếu nữ, ngang những miền cỏ non xanh êm dịu vợi, màu vàng dắt díu sắc tím hồng lặng thắm; những vạt dã quỳ lúng liếng mắt cười cũng lùi dần trong sương sớm, nhường chỗ cho sắc cỏ hồng đầy dâng chiều phiêu lãng. Mùa Xuân nghiêng cỏ hồng, đồi non xanh thênh thênh. Có nghe ra Trên lũng cỏ đã xanh-Mùa Xuân hồng chảy đến (Heine).

Có một khúc Xuân hồng reo ngân trong cỏ. Những dòng chảy đại ngàn gọi mời cuộc lữ không ngơi nghỉ trong khoảnh khắc giao mùa. Từ trung tâm Pleiku, chạy dài hơn 70 km con đường đi Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, hay ngược về những đường nối liền xã Glar (huyện Đak Đoa), những dải sóng hồng cứ dập dìu ẩn hiện, bên triền đồi, trên vách núi, ngang vệ đường, dưới những tán thông trầm mặc. Những cỏ và cỏ thanh tân, bát ngát, lúng liếng những chiều nắng nhạt; trong nắng gió chạp thềm se sắt ùa về gọi báo tin Xuân mà chợt biêng biếc chuyển mình, sáng bừng lên diệu lý. Loài cỏ hoang dại, êm mềm, mọc thành cụm, tựa đầu vào nhau để về xây giấc mơ cao nguyên tím hồng, hoang dại mà rực rỡ, khoảnh khắc mà vĩnh hằng, như nước nguồn không bao giờ vơi cạn trong thinh không một tiếng chiêng ngân.

Mùa Xuân mở lối, theo bước chân người tình tự quên mình Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối/Rước em lên đồi, hẹn với bình minh (Cỏ hồng-Phạm Duy). Rồi miên man ôm mộng hiền, chờ nắng sớm lên để Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu dương trong hoan ca tình nồng, để cảm nghiệm thiên đàng ngay hạ giới, cỏ xanh trong tình hồng, suối tiên trên đồi hoang, vườn Xuân giữa trần thế cao cao… Và khép lại trong miên viễn những triền đồi tím ngát, những miền cỏ non, những con đồi dài “ôm bao nhiêu mộng đời” là những thụ cảm về mùa Xuân trong em với mùa Xuân cỏ hồng: Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng/Em thơm như cỏ hồng, em ơi!

Đến và đi như cánh gió, trong thanh xuân một thuở màu thời gian, cỏ hồng là thứ cỏ xuân thì, khép mở những bờ mơ và thực, nối liền giữa đất và trời bằng đôi môi và những cánh tay vươn. Ngắt một cọng cỏ, nghe thơm mùi sữa, dâng lên trong mình nỗi nhớ cái dường-như-là. Một bờ mộng mị cũng trở về trong sắc xuân Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời (Hàn Mặc Tử). Bao cồng chiêng rập rình lễ hội. Những đường hoa sắc lá, dấu địa đàng, từ hồng hoang, cũng lặng tròn xanh non muôn viễn phương…

Rong rêu là một vòng xinh

 

 Thác nước Tây Nguyên. Ảnh: phan nguyên
Thác nước Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nguyên

Màu xanh non được xem là màu đầu tiên của sự sống trên trái đất. Sự sống nhóm lửa từ những tảng rêu đầu tiên trên núi và biển không màu từ những đầm lầy xanh non mà bừng lên bao sự lạ. Cuốn Tạng Thư Sống Chết hình dung màu xanh non là màu của bản năng quyền lực, đấy là màu: “Đầu tiên, cơ bản, hoang dã, nguyên thủy, nguyên vẹn, không thể phá vỡ nổi và đậm đặc, không thể dạy dỗ và không thể thuần phục được”.

Màu xanh non là màu sắc của một Thực thể xanh duy nhất, Linh hồn đầu tiên trong tình yêu thương nhất thể tương giao kiến tạo thế giới. Cái thinh lặng và náo nhiệt, những sản vật và đặc tính của rừng sâu và biển cả giao hòa trong muôn sắc điệu xanh, mà triết gia Hamvas Béla đã hình dung thật thi vị: “Người nào hàng tuần, cứ nửa ngày lại  làm động tác vứt bỏ áo quần bên cạnh bờ biển, nhảy xuống nước, chon von trên các tảng đá, nhặt ốc, chăm chú theo dõi những bông hồng biển, rong rêu, những sao biển, những loài đỉa biển độc đáo, kẻ cạnh bờ biển hay trên rừng đều nâng niu những viên đá ẩm ướt, bới đống lá khô, sục sọi tìm dưới đám cỏ hay dưới các rễ cây già đều có cảm giác đáy biển hay rừng sâu có họ hàng với nhau” (Poseidon).

Ngược về với những khám phá địa chất, ta biết, Tây Nguyên xếp chồng bậc thang-vốn là một bình nguyên mà sự nâng lên hạ xuống của lớp vỏ trái đất đã “mang biển lên rừng và mang rừng xuống biển”. Trong thẳm sâu tâm thức về thế giới sự sống giao hòa, biển chỉ là rừng dưới nước và rừng là biển trên bờ. Ta không ngạc nhiên trước cảm xúc choáng ngợp của bác sĩ A.Yersin khi phát hiện cao nguyên Lâm Viên sau bao hành trình gian khó: “Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây”. Làn sóng màu xanh lá ấy, quả thật, có thể nhận thấy ngay trong cùng một thế đất, những đối cực mà hòa điệu muôn màu: đồi núi và sông hồ, đèo cao và vực sâu, bình nguyên và thung lũng, sườn Đông-sườn Tây, phía Nam-phía Bắc. Cùng Pleiku, mà phía Bắc tròn mắt Biển Hồ đầy xanh nước thênh thang, phía Nam lại là đỉnh Hàm Rồng miệng núi lửa viền thung lũng xanh bình yên mây ngủ.

Và cứ thế, trong sự tương hợp giữa rừng sâu và biển cả, giữa núi và nước, xuân xanh Tây Nguyên cũng là xuân xanh đại dương, mà nhánh cỏ hồng nối thinh không, kết rừng vào biển, đan rêu vào rong, hòa nhành muống biển với đóa lan rừng đã trở thành một tín hiệu lặng đằm chở thông điệp xanh vượt những tường rào không-thời gian ấm xanh mái nhà Tổ quốc.

Xuân này, ai lên núi, ai xuống biển, kết lại một vòng rong rêu bằng nhánh cỏ hồng nối những chân trời xanh màu cổ tích? Ai vít cong cần rượu, ai ngắm sóng bên bờ, ai lang thang cuộc lữ, ai ngủ dưới trời sao, ai tựa đầu vào núi, ai úp mặt xuống trăng… Những vòng rêu biếc xanh rong, cho Xuân nở trong muôn ngàn tâm tưởng.

 Lê Từ Hiển

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.