Xóm chạy thận lao đao trong mùa dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày dịch bệnh xảy ra, nhiều “cư dân” ở xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai (phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội) gần 3 tháng chưa về nhà. Dịch bệnh cũng khiến những người còn lao động được ở xóm chạy thận ngưng việc, sống lay lắt.
Không có việc, tiêu đến đồng cuối cùng
Chiều 22-4, tới xóm chạy thận của bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), cả con ngõ vắng vẻ do giãn cách xã hội, những cư dân ở xóm chạy thận đang lay lắt vượt qua những ngày đại dịch. Trước đây, cứ chiều chiều, con ngõ nhỏ rôm rả người trò chuyện, nay chỉ ai có việc mới ra ngoài, còn lại đều quanh quẩn ở trong căn nhà trọ vỏn vẹn trên dưới 10m2.
Anh Trần Bình Ninh, 45 tuổi, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh cho chúng tôi biết: “Từ ngày dịch bệnh đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn do giãn cách xã hội. Nhiều người trong xóm không có việc làm, không có tiền trang trải tiền nhà, điện nước”. Anh Ninh phát hiện suy thận độ 3 cách đây 18 năm. Sau 1 năm đi lại từ Bắc Ninh lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thân quá mệt mỏi, anh bất đắc dĩ trở thành “công dân” xóm chạy thận ở phố Lê Thanh Nghị khi thuê trọ từ đó cho tới giờ.
Ngoài một tuần 3 buổi đến bệnh viện chạy thận, thời gian khỏe anh đi đánh giày mưu sinh. Nhưng 4 năm nay, sức khỏe suy yếu, tình trạng suy thận của anh đã sang giai đoạn 4 nên không đi làm thêm được nữa, mọi việc trông chờ vào người vợ làm ruộng ở quê. “Chạy thận lâu xương yếu, đi lại khó khăn, đi một lát tay chân mỏi không đi nổi. Trước tôi đi đánh giày còn đủ tiền mua gạo, mua rau, giờ không làm được gì nên khó khăn lắm”- anh Ninh kể.
Theo lời kể của anh Ninh, từ Tết ra đến nay anh chưa về nhà, thỉnh thoảng vợ anh ở quê mang gạo, trứng lên cho chồng. Từ ngày 1-4 đến nay anh Ninh chưa nhận được đồ tiếp tế từ gia đình do giãn cách xã hội. Ngoài chạy thận, đều đặn hàng tháng anh phải mua thêm thuốc huyết áp, canxi và thuốc trợ tim để uống, nên đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng tích cóp.
Năm nay 65 tuổi, bà Dương Thị Hoài (quê Nam Định) có 11 năm gắn bó với xóm trọ khi chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngày mới chạy bà còn khỏe, đi bán quạt, bán nước trong bệnh viện. Nhưng nay già yếu, bà thỉnh thoảng đi lượm ve chai về mua thêm mớ rau, cân gạo đỡ đần cho con cái. Căn nhà trọ 8m2 bà thuê ở 1,2 triệu đồng, cộng cả tiền điện, nước vào khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
“Gian nhà này trước đây tôi và ông nhà cùng ở. Ông ấy theo tôi lên Hà Nội làm thuê, thế rồi chưa được vài năm, ông ấy phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Nay ông ấy mất rồi, tôi định cho người khác vào thuê chung, nhưng chật chội quá, thỉnh thoảng con gái cho cháu lên thăm bà không có chỗ ngồi, nên đành ở một mình, cố gồng gánh tiền nhà vậy” – bà Hoài tâm sự.
Bà Hoài có 3 người con, 2 cậu con trai làm ăn tận miền Nam xa xôi, chỉ còn cô con gái lấy chồng ở Thanh Trì (Hà Nội). Thương các con còn khó khăn, những hôm không phải chạy thận, có sức khỏe bà lại đi lượm lặt thêm ve chai. Có ngày lượm cả đống chỉ kiếm được 15-20 nghìn đồng. Từ ngày dịch bệnh, việc nhặt ve chai phải gác lại, ăn uống cũng phải tiết kiệm, dè xẻn hơn. Từ đầu tháng Tư tới giờ, con không có dịp đến thăm nom, bà chỉ quanh quẩn từ nhà trọ sang bệnh viện chạy thận.
Tâm sự với chúng tôi, bà nói: “Ngày Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa, ai ở đây cũng lo lắng, nhưng may mắn mọi việc rồi cũng qua. Xóm chạy thận này gắn bó những người đồng cảnh ngộ, nốt phần đời còn lại của chúng tôi phụ thuộc vào những ca lọc thận, gian khổ mãi rồi nên cứ lạc quan mà sống thôi”.
Người dân xóm chạy thận gặp nhiều khó khăn trong những ngày đại dịch.
Người dân xóm chạy thận gặp nhiều khó khăn trong những ngày đại dịch.
Nhiều tấm lòng hảo tâm giúp người chạy thận vượt qua đại dịch
Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đại dịch vừa qua, anh Mai Anh Tuấn, tổ trưởng của xóm chạy thận cho biết, cả xóm có 134 người thuê trọ chạy thận định kỳ lưu trú. Mỗi người thường thuê phòng trọ cấp 4, với diện tích mỗi phòng khoảng 10m2. Chi phí thuê phòng cộng điện nước ước chừng 1,5 triệu đồng – 2 triệu đồng/tháng tùy diện tích.
Gộp thêm khoản chi tiêu ăn uống tiết kiệm, thêm tiền thuốc, chi phí mỗi tháng hết chừng 5-6 triệu/người. Thế nên, ai cơ thể khỏe chút là lăn đi kiếm tiền, người thì xe ôm, bảo vệ, người thì đánh giày, bán nước chè… cộng thêm trợ giúp từ gia đình là vừa đủ sống tằn tiện. Nhưng bệnh dịch đã khiến ngưng trệ tất cả.
Anh Tuấn cho biết, khó khăn nhất trong những ngày đại dịch là thiếu tài chính do người bệnh không đi làm được, nhiều người chưa tiếp xúc với gia đình, không có tiền trả tiền nhà, thuốc men và trang trải cuộc sống hàng ngày. Những ngày tiếp theo sẽ còn rất nhiều khó khăn, bởi tìm kiếm việc làm sau đại dịch không hề dễ dàng.
Là người chạy thận gần như lâu nhất ở xóm trọ này (24 năm), vợ anh Tuấn ở Ba Vì dắt díu con xuống xóm trọ này cùng chồng đi làm thuê. Những lúc khỏe, anh Tuấn chạy thêm xe ôm, vợ anh làm thuê nhì nhằng kiếm tiền chạy thận cho chồng, nuôi con ăn học. “Dịch bệnh khiến chúng tôi mất việc nên ăn tiêu vào chút tiền dành dụm, hết dịch không biết sống tiếp thế nào”- anh Tuấn chia sẻ.
Dịch bệnh khiến người dân xóm chạy thận lâm vào khó khăn, nhưng theo anh Tuấn, chính trong lúc này, cả xóm đã nhận được sự chia sẻ, quan tâm từ cộng đồng, khiến họ vô cùng cảm động. “Trong giai đoạn khó khăn, xóm chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đơn vị, cá nhân hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội nên không có ai bị đói” – anh Tuấn cảm động nói.
Bà Dương Thị Hoài cũng chia sẻ thêm, những ngày cách ly vừa qua vì dịch bệnh, chúng tôi càng thấm thía hơn tình người đùm bọc nhau. Có những ngày bà bất ngờ tăng huyết áp, chị em trong xóm trọ thay phiên nhau túc trực; hay ai đó khó khăn đến kỳ thanh toán tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tất cả lại chung tay gom góp vay mượn, hỗ trợ kịp thời. Rồi có các bạn trẻ đến hỗ trợ dầu ăn, gạo, thịt, khiến bà cảm động.
Thậm chí, mấy ngày trước, người dân xóm chạy thận ra chợ mua đồ đôi lúc còn bị kỳ thị, không muốn bán. Thậm chí, có chủ quầy thuốc từ chối vì là bệnh nhân chạy thận ở Bạch Mai. “Tủi thân lắm. Nhưng may mắn là không phải ai cũng vậy, vẫn còn nhiều tấm lòng thơm thảo quan tâm đến chúng tôi” - bà Chu Thị Tuyết, quê ở Trực Ninh, Nam Định, chạy thận đã 18 năm cho biết.
Vẫn biết là còn rất nhiều khó khăn, nhưng những cư dân ở xóm chạy thận đều hy vọng dịch bệnh qua mau để cho cuộc sống trở lại bình thường, để họ tiếp tục kế sinh nhai và chặng đường chạy thận gian nan phía trước.
Theo Trần Hằng (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.