Xã hội từ thiện: Nét đẹp văn hóa doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời kỳ xây dựng đất nước, chấn hưng dân tộc, hội nhập với thế giới,  doanh nhân cũng được ví như người chiến sĩ. Doanh nhân không giỏi, không mưu trí dũng cảm, chịu đựng gian khổ, khó khăn, kể cả hy sinh, mất mát thì không thể chiến thắng trên thương trường-vốn được ví như chiến trường. Muốn thành đạt, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân phải ngày đêm suy nghĩ, tìm tòi lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; biến ý tưởng thành hành động, biến hành động thành giá trị thặng dư, làm giàu.

 Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Cơ cùng với các tổ chức xã hội thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại xã Ia Dơk.
Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Cơ cùng với các tổ chức xã hội thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại xã Ia Dơk.

Nhưng doanh nhân không chỉ tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Khi nhìn nhận doanh nhân người ta còn quan sát, đo đếm cái cách họ tạo ra giá trị thặng dư và phân phối lợi nhuận đó như thế nào. “Trong tiền có tâm”. Chính cái cách họ tạo dựng tài sản, sử dụng đồng tiền để đối đãi với con người mới thực sự là thước đo giá trị doanh nhân.

Tôi đã gặp nhiều chủ doanh nghiệp, họ ngày đêm cật lực kiếm tiền, mê mải làm giàu, nhưng bảo rằng mục đích của họ là tiền ắt không ổn. Tài sản đó, tiền của đó, gia đình, vợ con, cháu chắt họ ăn xài biết mấy đời mới hết. Nhưng họ vẫn bươn bả làm việc, chịu nhiều áp lực, đôi khi cả điều tiếng. Họ mê việc, muốn tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, nhiều tiền cho mình. Họ muốn khẳng định giá trị của mình với xã hội.

Khi có được của cải, họ đem làm từ thiện, giúp đỡ cho những người gặp khó khăn, bệnh tật, thiên tai, những số phận bất hạnh, những phận đời chìm sâu dưới đáy xã hội; hoặc để bồi dưỡng tài năng, bảo trợ cho những mầm giống non tơ có triển vọng thành những cây đại thụ... Hoạt động xã hội từ thiện ấy của doanh nhân góp phần làm cho những đồng tiền họ làm ra lung linh nhân ái, giá trị của sự giàu có đáng được ngưỡng mộ.

Doanh nhân trên thế giới, trong nước và ở tỉnh ta có rất nhiều người làm tốt công tác xã hội từ thiện. Chúng ta thật ấm lòng khi đất nước hình chữ S này nơi nào xảy ra thiên tai, bão lũ thì các doanh nghiệp, các đoàn từ thiện xã hội lại đổ về, giúp đỡ từ gói mì tôm, tấm chăn bông, gạo muối, cho đến tập vở cho học sinh rồi tiền bạc... nhằm san sẻ rủi ro, khốn khó, ốm đau bệnh tật với người không may.

“Lá lành đùm lá rách”-truyền thống quý báu ấy của dân tộc ta, đồng bào ta đã được phát triển lên thành phong trào văn hóa xã hội từ thiện. Người giàu có thì bỏ nhiều tiền để giúp, người khá giúp ít. Những việc làm như mua một tờ báo tặng cho đồng bào nghèo, giúp đỡ năm ba trăm ngàn đồng cho quỹ xóa đói giảm nghèo, cho Hội Người cao tuổi của tổ dân phố đến việc ủng hộ hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để xây dựng nhà cửa, trường học, các công trình phúc lợi xã hội... đã tô thắm nét đẹp văn hóa doanh nhân Việt.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.