Vượt qua lằn ranh sinh tử: Tận tâm tận lực vì nghĩa tình nơi ta ở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh ra nghề y là để phục vụ cho bệnh nhân, khi bệnh nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe thì những người mang trên mình chiếc áo blouse phải gánh vác sứ mệnh cứu người.
Trận dịch Covid-19 này, hay trận dịch nào khác đi nữa, nơi nào người bệnh bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nơi đó có đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cũng như của cả nước sẵn sàng xông pha tuyến đầu.

Cảnh giác cao độ nguy cơ dịch bệnh
Cảnh giác cao độ nguy cơ dịch bệnh
Là BV hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, BV Chợ Rẫy được xem là chốt chặn cuối cùng của Bộ Y tế ở khu vực phía nam về cứu chữa bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng.
Ngày 22.1.2020, Khoa Cấp cứu (BV Chợ Rẫy) tiếp nhận 2 bệnh nhân đặc biệt người Trung Quốc, chỉ biểu hiện lâm sàng đơn giản với sốt, ho như một tình trạng nhiễm siêu vi thông thường. Nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ mà giám đốc BV đã triển khai, cùng với kinh nghiệm của mình, các y bác sĩ đã kịp thời cách ly 2 bệnh nhân này ngay từ ban đầu, khai thác bệnh sử và lấy mẫu gửi làm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM.
Một ngày sau đó, kết quả cho thấy 2 bệnh nhân nhiễm vi rút SASR-CoV-2. Hai ca bệnh được điều trị thành công tốt đẹp và xuất viện, thế giới đã biết nhiều hơn về Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.
Đây là 2 ca bệnh Covid-19 người nước ngoài đầu tiên, như “chỉ điểm” rằng dịch bệnh Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, và BV Chợ Rẫy sẵn sàng “đón” nhiều khó khăn phía trước. Nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu đầu tiên, và đội ngũ y bác sĩ BV có được sự chuẩn bị ban đầu để làm “hành trang” cho công cuộc chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 sau này.
Lương tâm không cho phép ích kỷ
Trong cả 4 đợt dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2021, đội ngũ y bác sĩ BV Chợ Rẫy đã đến 32 tỉnh, thành có dịch bệnh bùng phát, nhằm tích cực hỗ trợ chuyên môn về phòng chống đại dịch.
Đánh giá tình hình nguy cơ cao, để dự phòng cho khu vực phía nam, BV Chợ Rẫy đã lập rất nhiều đội phản ứng nhanh, hễ có dịch và nhận lệnh điều động là các đội sẵn sàng lên đường trong vòng vài giờ đồng hồ, bất chấp sớm hôm hay đêm khuya. Nòng cốt vẫn là bác sĩ hồi sức, bác sĩ nhiễm, phòng chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm, hậu cần…; cùng với thuốc men, máy móc ECMO (tuần hoàn tim phổi nhân tạo), máy xét nghiệm “cơn bão Cytokine”…
Dịch bệnh ập đến thì tính khẩn cấp và thần tốc trong ứng phó đòi hỏi luôn phải nhanh hơn, và BV Chợ Rẫy phải chi viện cho những nơi có dịch. Y bác sĩ tại BV luôn mang trên mình trách nhiệm tuyến cuối, là phải đi hỗ trợ tuyến tỉnh với kinh nghiệm và kiến thức sẵn có của mình. Không chỉ lo cho bệnh nhân tại BV mà còn phải đi chăm lo cho bệnh nhân các nơi. Do đó yêu cầu đặt ra là phải tăng công suất làm việc lên 2 - 3 lần tại BV chính để chi viện một phần lực lượng đến các tỉnh.
Mặt khác, khi đi các tỉnh mà dịch bệnh bùng phát nhiều, cần các trang thiết bị, thuốc men chống dịch thì BV Chợ Rẫy tìm cách hỗ trợ thêm, chứ không chỉ nhân lực. Vì nơi nào người bệnh cần hơn, thì mình phải chia sẻ để cứu người bệnh, bởi lương tâm không cho phép ích kỷ là chỉ vận động, ôm trang thiết bị, thuốc men để dành phần an toàn cho mình. Việc san sẻ thiết bị để cứu sống bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu, giải quyết đợt dịch ổn thỏa mới là mục tiêu chính. Hỗ trợ chống dịch cho đơn vị bạn cũng chính là giúp mình, vì bệnh nặng thì bạn cũng chuyển đến mình.

Y bác sĩ cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
Y bác sĩ cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
Đó là tình thương dành cho người bệnh
Trong 1 lần đến thăm, lãnh đạo TP.HCM phát biểu, BV Chợ Rẫy mặc dù trực thuộc Bộ Y tế nhưng đóng trên địa bàn TP.HCM, cán bộ công nhân viên đều ở TP.HCM, là con dân TP.HCM. BV Chợ Rẫy cũng chăm sóc sức khỏe cho người dân TP.HCM. Do đó, TP.HCM xem BV Chợ Rẫy là một phần gắn bó nghĩa tình của mình, có gì khó khăn cần đề xuất, nếu tháo gỡ và hỗ trợ được thì TP.HCM cũng sẽ làm hết mình.
Hình ảnh người bác sĩ lặng lẽ ra đường lúc 0 giờ và trở về lúc 3 giờ sáng sau khi đặt ECMO thành công giành giật sự sống cho bệnh nhân tại 1 BV khác, đã nói lên tất cả sự hy sinh và dấn thân của anh em, không lời nào tả hết
Chính vì vậy, khi cả nước kiểm soát được các đợt dịch, TP.HCM rơi vào đợt dịch thứ 4 với số ca nhập viện và tử vong tăng nhanh, y bác sĩ các đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy chi viện các nơi được rút cấp tốc trở về. Ở mặt trận tại chỗ, BV Chợ Rẫy triển khai mở rộng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, thiết lập 2 khu hồi sức với 200 giường. Có thời điểm số bệnh nhân Covid-19 tại BV lên đến gần 500 ca, áp lực dồn dập nhiều bề...
Khi số bệnh nhận nặng chuyển đến ngày càng tăng vào tháng 7.2021, BV Chợ Rẫy đã đưa lực lượng hồi sức tinh nhuệ nhất và xe cấp cứu đi “đánh chặn từ xa” ở một số BV tuyến quận, huyện điều trị Covid-19 của TP.HCM như Củ Chi, Cần Giờ… Bác sĩ BV Chợ Rẫy lặng lẽ đi về sớm đêm ở các BV để hội chẩn, điều trị ca nặng, đặt ECMO... Hình ảnh người bác sĩ lặng lẽ ra đường lúc 0 giờ và trở về lúc 3 giờ sáng sau khi đặt ECMO thành công giành giật sự sống cho bệnh nhân tại 1 BV khác, đã nói lên tất cả sự hy sinh và dấn thân của anh em, không lời nào tả hết. Và đó thật sự là tình thương dành cho người bệnh.
Rất buồn vì thấy còn nhiều bệnh nhân tử vong
Nhưng dù vậy, số ca nặng và tử vong vẫn chưa giảm. Trong cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM, BV Chợ Rẫy đề xuất, thay vì mỗi BV lớn phải lập khu hồi sức cho đủ 1.000 giường (nhu cầu giường hồi sức tại thời điểm đó), thì nên lập 1 trung tâm hồi sức để đưa bệnh nhân nặng về đây, đồng thời tập hợp nhân lực giỏi để cứu bệnh nhân, bởi nếu phân tán sẽ tốn nhân lực.
Liền sau đó, theo yêu cầu của TP.HCM, BV Chợ Rẫy quản lý, điều hành BV hồi sức Covid-19, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, quy mô 1.000 giường. Ngay trong ngày nhận lệnh, Giám đốc BV Chợ Rẫy cùng các phòng ban chức năng đã có mặt tại BV Ung Bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức). Cứu người là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên đặc biệt hàng đầu nên mọi người tự giác bắt tay vào việc, dù trong tay chưa có tờ giấy quyết định nào của thành phố. Bệnh nhân đã được tiếp nhận ngay và 14 ngày sau đã thiết lập hoàn chỉnh BV hồi sức.
Vận hành BV hồi sức Covid-19, một trong những bài học kinh nghiệm đã mang lại lợi ích lớn nhất đến nay mà có thể nói đến, là kịp thời tăng cường hệ thống ô xy cho BV. Có thời điểm có đến 800 bệnh nhân thở cùng lúc hệ thống ô xy vẫn đáp ứng. Nếu lúc đó, không nhận ra điều này và không cho tăng cường ô xy kịp thời, thì có lẽ bệnh nhân tử vong cao hơn rất nhiều. Dù trang thiết bị và thuốc men đầy đủ nhưng nếu không đủ ô xy để thở, thì y bác sĩ cũng “bó tay, đau xót đứng nhìn bệnh nhân tử vong”.
Với hơn 5.000 bệnh nhân nặng và nguy kịch nhập viện, 30% tử vong. So với các đơn vị hồi sức trên thế giới thì tỷ lệ tử vong như vậy là thấp; nhưng so với các bệnh thông thường thì như vậy là cao. Anh em trong BV rất buồn vì thấy còn nhiều bệnh nhân tử vong.
Thời cao điểm căng thẳng nhất, tại BV hồi sức Covid-19 và BV Chợ Rẫy, có gần 1.200 bệnh nhân nặng cần hồi sức. Điều này cho thấy y bác sĩ đã căng sức mình chiến đấu với tử thần Covid-19. Và vì nhìn bệnh nhân đang chiến đấu với “tử thần”, y bác sĩ phải tự nguyện tăng sức mình lên, tận tâm tận lực để làm ngày đêm, để cứu bệnh nhân.
Nhưng để cứu được nhiều bệnh nhân tại BV hồi sức Covid-19, phải kể đến sự đóng góp chuyên môn từ các chuyên gia hồi sức giỏi của BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Ung Bướu và hàng chục BV khác tại TP.HCM; cùng với đó là y bác sĩ được tăng cường từ các tỉnh, thành khác và lực lượng tình nguyện viên, với khoảng 1.800 người.
BV hồi sức Covid-19 là BV hồi sức có thể nói lớn nhất từ trước đến nay. Đội ngũ đông đảo y bác sĩ từ nhiều nơi đến, cùng chung một đội hình dốc sức miệt mài cho nhiệm vụ cứu người lúc dầu sôi lửa bỏng, cũng đã để lại nhiều kinh nghiệm quản lý và điều hành chưa có tiền lệ. Ở nơi mà lằn ranh sinh tử mong manh ấy trong cao điểm đại dịch khốc liệt, đã có sự chung tay và đoàn kết rất tốt. Nhưng trận chiến nào cũng có nỗi đau, đó là sự mất mát nhân mạng của các gia đình, của toàn xã hội...
(còn tiếp)
BS Phạm Thanh Việt-(Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.