Vượt biên để bán con mất cả vợ lẫn con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Căn nhà sàn trống hoác, 5 đứa con nheo nhóc đứng tựa cửa nhìn ra núi. Mẹ chúng đã không còn trở về trong chuyến đi bán con định mệnh ở Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua.
Đó là vụ tai nạn xảy ra tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 20.9. Bốn thai phụ ở H.Kỳ Sơn, Nghệ An và người dắt mối đi bán con đều gặp nạn trên chuyến xe này, trong đó có Moong Thị L. (29 tuổi, ngụ xã Chiêu Lưu) tử nạn.
 
5 đứa trẻ, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 3 ở trần trùng trục. Căn nhà sàn nằm chênh vênh trên hông núi ở bản Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu, H.Kỳ Sơn) buồn hiu. Lương Thị Dậu, chị cả của 4 đứa em, năm nay 14 tuổi nhưng người bé tẹo như mới lên 9 - 10, đang chuẩn bị bữa tối cho cả nhà bằng nồi xôi đang hong trên bếp củi. Nhà đông con, nghèo, nên học hết lớp 5, Dậu đã phải bỏ học. Đứa em gái kế Dậu cũng đã bỏ học năm ngoái khi học hết tiểu học. “Con phải bỏ học để đi làm rẫy. Hai chị em con cũng vừa mới đi rẫy gặt lúa về được mấy ngày thôi”, Dậu nói. Rẫy cách nhà hơn 2 giờ đi bộ. Hai chị em gùi gạo, muối, thức ăn khô mang theo để ở luôn trong cái chòi trên rẫy.
 
Mẹ mất, 5 chị em Lương Thị Dậu đang đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn.
Từ ngày mẹ đi Trung Quốc bán em và không trở về nữa, gánh nặng gia đình đè lên vai người chị cả ốm o đang tuổi ăn, tuổi ngủ này. “Bữa đó, con và bố đang đi rẫy, khi về nhà thì không thấy mẹ nữa. Hàng xóm nói mẹ đi Trung Quốc, xa lắm, phải cả tháng mới về”, Dậu kể, nước mắt chảy dài xuống hai gò má đen sạm. Có tiếng xe máy rồ ga leo dốc, mấy đứa nhỏ chạy ra cầu thang ngó xuống, thấy bố về liền chạy xuống đón. Nhìn chiếc bao bóng đựng nửa cái thủ lợn treo bên cái móc xe, mấy đứa trẻ vui như tết, tranh nhau cầm cái bao chạy lên cầu thang đưa cho chị cả. Hôm nay, bữa cơm sẽ có thịt.
Anh Lương Văn Hồng, chồng của Moong Thị L., ôm đứa con út vào lòng, kể: “Vợ em đi Trung Quốc khi em đang đi rẫy. Về đến nhà không thấy vợ đâu, hỏi mới biết vợ cùng với Xeo Thị T. ở cùng bản đã sang Trung Quốc bán con. Từ đó, vợ em cũng không liên lạc về vì vợ không biết chữ”. Ngày 8.10, anh Hồng nhận hung tin khi xã cho anh biết, Sở Ngoại vụ Nghệ An vừa có thông báo vợ anh đã tử vong trong một vụ tai nạn ở xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) vào ngày 20.9. Vụ tai nạn có 5 người ở H.Kỳ Sơn gặp nạn, trong đó có 4 người đang mang thai ở tháng thứ 7 và 8. Người tử vong là vợ anh Hồng, 4 người khác bị thương.
 
Anh Lương Văn Hồng, chồng của Moong Thị L. đang kể về hành trình đi bán con của vợ và bị tử vong do tai nạn tại Trung Quốc.
Nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài 6 con bò, anh Hồng cũng phải bán lấy 50 triệu đồng, vay thêm 80 triệu đồng nữa để sang Trung Quốc. Hơn 1 tháng ở xứ người cùng với người chú họ, anh Hồng mới đưa được tro cốt vợ về. “Em đã làm đơn lên xã đề nghị công an điều tra ai đã đưa vợ em đi, nhưng chưa có kết quả vì cả 4 người bị thương trong vụ tai nạn đó đến giờ cũng chưa về”, anh Hồng nhìn lên mái nhà thủng lỗ chỗ, buồn bã nói.
Căn nhà sàn ở bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm, H.Kỳ Sơn) của vợ chồng Moong Thị M. (24 tuổi), một nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn lật xe khi đi bán con cũng trống trơ. Một người hàng xóm nói với tôi “chồng nó đang đi rừng, M. đi Trung Quốc chưa về”. Vợ chồng M. đã có 2 con, khi đang mang thai đứa thứ 3 thì M. nghe lời dụ của người bà con là Moong Thị K. ở cùng bản nên sang Trung Quốc bán con. 3 tháng trôi qua, vẫn chưa về. Ở bản này, trước M. đã có 3 phụ nữ sang Trung Quốc bán con.
 
Nhà dân ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, H.Kỳ Sơn.
Một người dân bản dẫn tôi đến nhà Moong Thị V. nhưng không có ai ở nhà. Vợ chồng V. đã có 2 con, khi mang thai đứa con thứ 3, cuối tháng 11 vừa qua, V. được một người phụ nữ trong xã dẫn sang Trung Quốc bán con. Khi xe khách mới chạy được 60 cây số, đến H.Con Cuông (Nghệ An) thì V. chuyển dạ, được đưa vào bệnh viện để sinh con. Hai ngày sau, V. ôm con theo “cò” sang Trung Quốc bán nhưng ra đến Móng Cái thì bị cơ quan chức năng phát hiện, giữ lại.
 
Trưởng bản Chà Lắn (xã Hữu Lập, H.Kỳ Sơn) Lò Văn Vinh thở dài khi tôi hỏi về tình trạng phụ nữ sang Trung Quốc bán con. Anh bảo ở đây có 4 - 5 trường hợp bán con rồi. Chỉ vào căn nhà nho nhỏ mới xây xong nằm bên con đường gập ghềnh đá, anh Vinh nói, đó là nhà của vợ chồng Lò Thị G. “Nó có 2 đứa con rồi, năm nay có thai đứa thứ 3 và đã sang Trung Quốc đẻ rồi bán được 50 triệu đồng, về làm nhà đó. Công an xã lên nhà bảo nó không được đi bán con nữa, nó nói nghèo quá nên bán một đứa để làm cái nhà ở thôi, không bán nữa”, anh Vinh kể.
 
Căn nhà sàn của vợ chồng anh Lương Văn Thương, người kiện đòi tiền bán con vì bị người dắt mối trả 4 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như đã hứa.
Tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Lương Văn Thương ở bản Chà Lắn. Anh Thương vừa kiện lên trưởng bản vì không đòi được tiền bán con. Anh Thương kể, tháng 4.2017, anh đang làm vàng ở Quảng Nam thì vợ anh ở nhà nghe lời dụ dỗ của Moong Thị Ba ở cùng bản rủ sang Trung Quốc bán con. Bà Ba có con gái là Oanh lấy chồng bên Trung Quốc. “Vợ gọi điện hỏi tôi nhưng tôi bảo đừng đi, nhưng vợ nói nhà đang nợ nần nên muốn đi bán con để lấy tiền trả nợ”, anh Thương kể.
Khi thai được gần 8 tháng, là đứa con thứ 6 của vợ chồng anh, chị Lương Thị M. (vợ anh Thương) theo Oanh sang Trung Quốc chờ đẻ để bán con với giá 50 triệu đồng. Hơn 1 tháng ở xứ người, chị M. sinh một bé trai, bán cho họ rồi trở về. Thế nhưng về nhà, bà Ba chỉ đưa cho chị M. 4 triệu đồng. Anh Thương làm đơn kiện lên bản tố cáo bà Ba thất hứa. “Tôi hỏi bà Ba thì bà này nói đứa con bị chết nên họ không trả tiền. Nhưng người khác lại nói đứa con ấy vẫn sống khỏe mạnh. Bản đã báo cáo lên xã để xã giải quyết chứ bản không làm được”, trưởng bản Vinh nói. Sau nhiều lần đòi, đến nay bà Ba đã đưa cho vợ chồng anh Thương 15 triệu đồng.
 
27 tuổi, đã có một con trai 8 tuổi, Moong Thị B. (ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, H.Kỳ Sơn) một mình sang Trung Quốc bán con, không cần môi giới. B. kể, khi đang mang thai đứa thứ 2, B. hỏi những người đã từng đi bán con, họ nói con trai giá 60 triệu, con gái 50 triệu đồng. B. và chồng bàn nhau và cùng quyết định bán con để lấy tiền sửa lại nhà. Ngày 24.4, B. đón xe đi Quảng Ninh. Khi vừa lên xe, thấy B. mang bầu đã lớn, mấy người phụ nữ hỏi chuyện rồi mách nước cho B. đường đi. Khi ra đến Móng Cái, họ còn đón taxi cho B. đi gặp một nhóm người để họ dẫn sang Trung Quốc. Ngày 3.5, B. sinh một bé trai. “Đẻ xong, họ bồng con đi, em ở thêm 2 ngày nữa rồi nhận được 45 triệu của một người nói tiếng Việt rồi họ đón xe cho em về”, B. kể.
 
Một góc bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, H.Kỳ Sơn, nơi có nhiều phụ nữ đã bán con sang Trung Quốc.
Người mẹ trẻ đã bán con cúi mặt xuống sàn nhà, buồn bã khi tôi hỏi bán con mà không thương nó sao? “Em ân hận lắm, nếu được chọn lại, em sẽ không bán con nữa”, B. nói, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen sạm, khắc khổ.
Tiếp xúc với hàng chục trường hợp đi bán con ở vùng cao xứ Nghệ, tôi thấy tim mình như bị bóp nghẹt nhiều lần. Ngồi với B. và ơn trời tôi đã thấy được giọt nước mắt ân hận của một người mẹ bán con. Giọt nước mắt để tôi còn có thể tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn tình mẫu tử.
Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.