Khi trái tim yêu thương dẫn lối - kỳ 2: Chuyện đời ở cửa hàng '0 đồng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong nhịp sống hối hả của Sài Gòn, giữa những con đường đông đúc và tòa nhà chọc trời, có những cửa hàng 0 đồng với thông điệp “Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho” như gam màu sáng bừng lên tình người chốn phồn hoa.

Món gì cũng miễn phí

Xưa rồi câu cửa miệng nhiều người vẫn thường nói “của đâu là của cho không…”, tại TPHCM có những cửa hàng 0 đồng với đủ món đồ từ quần áo, giày dép đến thực phẩm, dụng cụ học tập… đều được biếu tặng mà không lấy một đồng nào, cũng không ràng buộc điều kiện gì.

Đều đặn các ngày thứ Hai - Năm - Bảy, gian hàng 0 đồng tại Lô 9 cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) lại mở cửa đón khách. Chị Quỳnh (33 tuổi, quê Trà Vinh) đưa con gái đến lựa chọn vài chiếc áo ấm khi Sài Gòn trở lạnh.

Cô con gái nhỏ reo lên vui sướng khi phát hiện chú gấu bông có đôi mắt tròn xoe nằm lẫn trong chiếc thùng giấy, cạnh đó còn có chiếc cặp khá mới in hình Doraemon đáng yêu. Chị Quỳnh tâm sự, mình đang làm nhân viên vệ sinh trong công ty ở TP Thủ Đức.

“Thu nhập chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt và đi học cho con, vì vậy tôi ít dám mua sắm quần áo. Từ khi biết cửa hàng 0 đồng này, tôi thường đưa con đến chọn những thứ cần thiết. Có khi là chiếc mền, áo ấm, đôi giày, có khi là sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Món nào cũng mới và dùng rất tốt” - chị Quỳnh thổ lộ.

Quần áo, sách vở, giày dép… đều có đủ ở những “cửa hàng 0 đồng”. Ảnh: U.P
Quần áo, sách vở, giày dép… đều có đủ ở những “cửa hàng 0 đồng”. Ảnh: U.P

Dắt chiếc xe đạp chất đầy ve chai dựng vào một góc đường, bà Minh (65 tuổi) khẽ khàng tiến đến khu vực giày dép, ướm chân vào đôi ba-ta và vui mừng khi có đôi giày ưng ý.

“Đôi giày mới này giúp tôi đỡ đau chân hơn khi đi nhặt phế liệu. Ở đây sang trọng như shop thời trang hiệu vậy, không ai nghĩ là cửa hàng 0 đồng. Những người phục vụ của gian hàng rất nhiệt tình, dễ thương. Họ còn giúp tôi chọn kích cỡ cũng như đồ phù hợp với mình.

Gian hàng rất ý nghĩa khi san sẻ được với mọi người, nhất là những người khó khăn trong dịp cuối năm này. Tôi xin cảm ơn mọi người!” - bà Minh cười rồi nhanh chóng rời đi, tiếp tục công việc thường nhật.

Trong nhịp sống sôi động của Sài Gòn đô hội, những cửa hàng 0 đồng là điểm dừng chân cho những tấm lòng quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau. Những đồ dùng cũ không có con số để đong đếm giá tiền, nhưng đằng sau nó là câu chuyện về lòng tốt và sự chia sẻ, khiến cho mỗi món đồ trở nên đặc biệt và giá trị hơn.

Phường Thảo Điền vốn nổi tiếng là nơi có nhiều đại gia sinh sống. Vì vậy, không ít người nghi ngại việc mở cửa hàng 0 đồng trên địa bàn dường như không cần thiết.

Tuy nhiên, cửa hàng 0 đồng (đường 59 phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) không chỉ phục vụ người nghèo trên địa bàn mà người dân ở các phường lân cận, thậm chí người ở tận Đồng Nai, Bình Dương cũng lặn lội tìm đến.

Cửa hàng rộng chừng 100 m2 đầy ắp đồ. Những sào quần áo được treo móc cẩn thận, sát tường là những kệ đồ đạc phân loại theo công dụng, độ tuổi… giống như một cửa hàng. Khoảng 8 giờ sáng, nơi này đã tấp nập người ra vào.

“Tới lựa đồ hả em? Vào đi, nay nhiều đồ mới về đẹp lắm”; “Lần sau chị đến nữa nghen”… những người phụ trách cửa hàng 0 đồng niềm nở đón khách. Bà Bích Ngọc, nhân viên cửa hàng cho biết, người đến đây thường là dân lao động, người nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Họ mưu sinh bằng nghề bán vé số, giúp việc hoặc người buôn thúng bán bưng nơi vỉa hè.

Đặc biệt, cửa hàng còn có nhiều người nước ngoài như Philippines, Malaysia đến nhận đồ hỗ trợ. Đa số khách nhóm này làm nghề giúp việc cho gia đình đại gia, người nổi tiếng.

“Mỗi ngày, cửa hàng có trung bình 40-50 người đến nhận đồ từ thiện. Những người cần đến nhận một lần, thấy đồ đẹp nên thường xuyên lui tới, riết rồi người quản lý và khách hàng thành quen mặt nhau” - bà Ngọc nói.

Những “cửa hàng 0 đồng” mang niềm vui đến cho nhiều người. Ảnh: U.P
Những “cửa hàng 0 đồng” mang niềm vui đến cho nhiều người. Ảnh: U.P

Những con người hào sảng

Tại cửa hàng 0 đồng phường Thảo Điền này có nhiều chuyện không ngờ, như người phụ trách thường xuyên nhận được quần áo hàng hiệu, có cái còn nguyên nhãn mác… Đặc biệt, hồi giữa năm 2024, nơi đây còn phát hiện 2 lượng vàng trong túi đồ cũ. Nhân viên nhanh chóng trình báo cho cơ quan chức năng để tìm chủ nhân gói vàng, gửi lại.

Anh Phạm Đức Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thảo Điền và là người sáng lập cửa hàng 0 đồng này cho biết, đây là điểm “ai cần thì lấy” đã duy trì suốt hai năm qua. Cửa hàng được Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đoàn Thanh niên phường Thảo Điền thành lập mục đích hỗ trợ người lao động gặp khó khăn sau dịch COVID-19.

Biết đến hoạt động của Hội, nhiều trường học, công ty cũng vận động gom quần áo cũ gửi đến, thỉnh thoảng có nơi gửi thêm gạo, dầu ăn, nước mắm… Cửa hàng nhờ vậy cũng thêm phong phú mặt hàng.

“Với phương châm “Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho” nên có những người không khó khăn, tuy nhiên có món đồ họ tìm mua không có, trong khi ở cửa hàng lại có thì họ cũng sẽ đến lấy. Nơi đây như một trạm trung chuyển, mọi người có thể đến lấy những thứ mình cần và cho những thứ mình dư. Không nhất thiết phải là những người khó khăn, mà những người có điều kiện vẫn đến bình thường” - anh Hùng chia sẻ.

Bà Bùi Thị Thu Uyên, chủ Gian hàng 0 đồng quận Bình Thạnh bộc bạch: “Trước đây tôi và những người bạn hay tham gia các hoạt động từ thiện như bếp ăn 0 đồng phát tại các bệnh viện. Nhận thấy năm nay khó khăn, nhiều người dân thu nhập thấp không có điều kiện mua quần áo mới để mặc nên tôi mở gian hàng 0 đồng, nhằm chia sẻ phần nào những lo toan với họ. Bên cạnh người lao động, cửa hàng còn đón cả dân văn phòng, học sinh, sinh viên... Bất cứ ai cần đến có thể đến và được đón tiếp như nhau”.

Thoáng chốc, có nhiều người chạy xe máy đỗ xịch trước cửa hàng, không vào mà chỉ đưa vội mấy túi đồ đã qua sử dụng góp tặng rồi nhanh chóng rời đi. Họ tặng từ quần áo tới đồ chơi, gấu bông, sách vở... cẩn thận xếp gọn trong những chiếc túi nhỏ. Khi được hỏi tên, địa chỉ, phần lớn người góp đồ đều cười xòa, xua tay tỏ ý không cần rồi nhanh chóng rời đi.

Trong khi đó, chị Đoàn Thị Nguyệt (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) quyết định cùng chị của mình mở cửa hàng “Áo dài 0 đồng” nhằm gửi tặng những chiếc áo dài đến tay người thật sự cần. Sau khi nhận áo dài cũ, chị Nguyệt kiểm tra, chỉnh sửa, sau đó giặt ủi phẳng phiu và phân loại theo màu áo, đính số đo ba vòng lên áo để khách dễ dàng tìm áo vừa vặn, đúng sở thích.

Sau gần hai năm hoạt động, cửa hàng “Áo dài 0 đồng” của chị Nguyệt đã trao gần 6.000 bộ áo dài miễn phí đến với bà con gần xa có nhu cầu sử dụng.

(Còn nữa)

Theo Uyên Phương (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...