Vượng khí làng chài dưới chân đèo hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghe kể, những vạn dân Xuân Hải đã có mặt dưới chân đèo Cù Mông (ranh giới 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên) từ hàng trăm năm trước. Họ đến sống cộng sinh bên ghềnh đá hoang dại, ra biển kiếm ăn bằng những thuyền con và thúng chai rồi dần tạo dựng nên một làng biển giàu mạnh…
 Một góc làng thúng Xuân Hải dưới chân đèo Cù Mông
Một góc làng thúng Xuân Hải dưới chân đèo Cù Mông
Nghệ sĩ cưỡi sóng
Sau hàng trăm năm ẩn mình dưới chân đèo đá, đến bây giờ làng chài Xuân Hải (thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) mới được khách du lịch bốn phương khám phá ra. Một buổi chiều giữa tháng 5-2019, chúng tôi tìm về “mục sở thị” cái làng thúng chai đẹp nhất dải miền Trung này. Buổi chiều, nắng vàng vọt rọi xuống tự tình với sóng biển. Tiếng âm ba vang vọng, giữa một màu bình yên, no ấm. Từ đỉnh đá, làng chài Xuân Hải “lộ diện”, cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng. Đó là một bức tranh sống động giữa cái hoang vu của đá, sóng và con người miệt biển. Ngư phủ Xuân Hải có lối sống tự do, phóng khoáng. Họ còn được ca tụng với cái mỹ danh nghệ sĩ cưỡi sóng. 
Trò chuyện với tôi, cựu lão ngư Hồ Văn Thìn (68 tuổi, làng biển Xuân Hải) nói: “Khách thập phương thấy làng chài này nhiều thúng chai bắt mắt, nên gọi nghệ sĩ hay nghệ thuật gì đó. Cả tài sản của Xuân Hải chỉ có mỗi thúng chai và những ngư dân chuyên ăn đêm. Ngoài ra, bãi biển ở làng chài này còn sở hữu một loại cát cực kỳ hiếm, đó là cát vàng hạt to, không bị dính bẩn khi nằm lên đó. Thế nên, ngày trước lớp trẻ cứ yêu nhau là hay ra bãi cát dựng lều, tỏ tình…”.
Chứng kiến khoảnh khắc ngư phủ làng chài Xuân Hải ra khơi mưu sinh, phần nào cảm phục trước sự tinh tế, khéo léo của con người nơi cửa bể. Có lúc, cả chục ngư phủ ngồi trên chiếc thúng chai tưởng chỉ nhỏ như vỏ đậu, quay quanh con sóng hung dữ đang xô vào ghềnh đá. Một du khách đang đi “bụi” nói với tôi rằng, cuộc mưu sinh của cư dân làng chài này thiên về nghệ thuật hơn là cái hiện thực cơm áo hàng ngày.
Còn ông Nguyễn Thu (60 tuổi) khoe rằng, đã từng đi nhiều nước trên thế giới như Ý, Áo, Đức, Pháp… nhưng chưa có nơi nào đáng sống như làng chài Xuân Hải - nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông. “Dù đi đâu tôi vẫn cứ muốn quay về đây để buổi chiều nào cũng được nghe tiếng sóng vỗ vào gành đá. Được nghe tiếng dân làng rôm rả kéo thúng chai buông khơi, rồi trẻ con nô đùa bên sóng, chúng tôi rất may mắn sở hữu một món quà vô giá mà tạo hóa ban cho, không có tiền bạc nào có thể đánh đổi được cả”, ông Thu tự hào.
Làng thúng “ăn” đêm
Theo lão ngư Hồ Thìn, làng thúng chai Xuân Hải hiện có gần 1.000 hộ dân, với trên 5.000 nhân khẩu. Cả làng có khoảng 500 thúng chai, đánh bắt ở những vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ. Cư dân vạn chài Xuân Hải thường lợi dụng đêm đen để ra biển dàn trận, tổ chức cuộc “săn”. “Hàng ngày, cứ 17 giờ 30 phút các tàu thuyền bắt đầu ra khơi, đến 6 giờ sáng mới trở về bờ để bán hải sản. Trước đây, đa số dân làng ra biển kiếm ăn bằng thúng chai. Vài năm trở lại đây, nhiều người giàu có, cũng đã đóng được tàu lớn để ra biển xa, bắt cá lớn”, ông Thìn chia sẻ.
Đang khéo léo gỡ những mảng hàu và vỏ ốc bám trên tấm lưới, ngư phủ Trần Hiến (47 tuổi, làng chài Xuân Hải) vui vẻ nói: “Nghề thúng chai cũng lai rai thôi chú. Có đêm trúng thì được vài ba triệu, vào chính vụ cá trích có mẻ kiếm trên chục triệu. Còn bình quân thì 500.000 - 700.000 đồng/mỗi đêm/2 canh đánh bắt.” Theo anh Hiến, thúng chai này làm được rất nhiều nghề, như lưới trích (nghề chính, chuyên bắt cá trích), lưới tôm, bóng mực, lưới ba màng, lưới cao (cá sòng, cá ngân), lưới một (cá phèn, cá hố, cá liệt), lưới chuồn (bắt cá chuồn bay)… Mùa cá trích kéo dài từ tháng 9 đến tháng giêng năm sau (tháng 1), vạn dân Xuân Hải gọi là “mùa no ấm”. “Vài năm trở lại đây, xuất hiện thêm một nghề mới, đó là nghề săn loài cá chuồn bay. Nghề này là nghề hót, dễ hốt bạc lắm!”, anh Hiến nói.
Bà Tô Thị Chua (54 tuổi), khẳng định: “Hiện tại, nghề thúng chai vẫn đang là số 1 ở Xuân Hải. Nhiều chủ thúng chai hành nghề trúng mánh, không những xây được nhà cao cửa rộng mà còn cho con ăn học đến đại học nữa. Ngày xưa bố mẹ chúng chỉ có học hết lớp 3 là cố lắm! Giờ con em trong làng này đều được đi học hết, đứa thấp nhất cũng hết lớp 9 hoặc 12”.
Có thời “cắn cỏ” nuôi bộ đội
Bà Chua kể rằng, trước kia làng biển Xuân Hải từng là vùng đất cách mạng. Vì thế, những năm trước giải phóng, chiến trận ác liệt, dân làng phải sống cảnh trốn chạy. “Hồi ấy, dân chúng tôi mỗi khi qua bên chợ Gò Duối (nay xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu) bán than (đốt từ cây rừng) mua gạo thì thường bị lính ngụy bắt lại, lục soát. Chúng dùng khèo (cây rừng) vót nhọn, chọc vào bị, thấy có gạo là quy cho tội tiếp tế cho cộng sản nên bắt đổ ngay. Thời ấy, đói thế mà vẫn quyết che chở, nuôi bộ đội giải phóng”, bà Chua nói.
Năm 1973, bà Chua mới chỉ 8 tuổi, có bố là bộ đội đang ẩn náu ở những ngọn núi phía sau làng chài. Mỗi ngày, mẹ Chua phải đùm cơm trong bị, giả làm người đi lấy than để đưa cơm cho chồng. Có hôm, mẹ lâm bệnh dặn Chua (lúc ấy mới 10 tuổi) vắt cơm bỏ vào bị, lần đường lên núi đưa cho bố và đồng đội ăn. Lên nửa dốc núi, cô bé Chua bị lính ngụy phát hiện, bắt lại để lục soát. Tay chân cô bé nhỏ nhắn run rẩy, sắp đổ quỵ xuống đất. May thay, vừa lúc có bà cô hàng xóm quen với tay lính ra can lại, bảo: “Con cháu nó tội lắm! Đưa bị lên rừng cho ba nó lượm than về đổi gạo ăn chứ không có gì đâu, đừng lục soát nó!” Nhờ vậy mà cô bé Chua thoát chốt địch bình an vô sự.
Đó là một buổi chiều mùa hạ năm 1973, lúc đó địch và ta còn đang vây ráp, truy đuổi nhau ác liệt. Dân lành là những người phải cam chịu đói khát lầm than, khi cuộc chiến nổ ra. “Khi mang cơm lên đến chỗ ẩn náu của các chú bộ đội. Lúc ấy, tui tận thấy có 4 chú đang trên 4 cây như cái đòn gánh, cứ quật qua, quật lại. Tui hỏi: “Các chú đang làm gì vậy”.  Có chú trả lời: “Khổ lắm cháu ơi, do dưới hang tụi chú đang nấu canh nên phải quật cho tan khói, chứ để địch phát hiện có khói, chúng ném bom là chết hết”.
Ông Thìn kể thêm: “Còn ba tôi là ông Hồ Nhào những năm 1966 đến 1977, đã lấy thùng phuy, đào hầm dưới bếp để nuôi  nhiều bộ đội trong nhà. Trong khi đó, mẹ tôi là bà Đăng Thị Phết, năm 1966 theo đội cảm tử quân vào thị xã Sông Cầu để cướp chính quyền. Nhưng sau đó bà bị địch bắn chết… Kể ra vậy, để thấy dân làng chài Xuân Hải dù nghèo nhưng luôn sòng phẳng với quê hương đất nước. Ăn rau, cắn cỏ cũng quyết bảo vệ quê hương chứ không chịu theo địch…”.
Hôm nay, nhìn quê hương của mình đang thay da đổi thịt, ông Thìn phấn khởi hẳn. Tuy nhiên, trong con mắt của bô lão này vẫn còn bộn bề lo âu. Ông bộc bạch: “Từ khi Nhà nước có chủ trương làm Quốc lộ 1D nối từ TP Quy Nhơn (Bình Định) đi thị xã Sông Cầu đã làm bật dậy làng chài Xuân Hải. Tuy nhiên bây giờ vẫn còn nhiều mối lo lắm. Dân làng còn nghèo, dẫu có lợi thế về du lịch nhưng chưa khai thác được nhiều vì không ai quan tâm, thiếu đầu tư”.
10 năm trở lại đây, biển gần bờ nạn giã cào bay hoành hành. Chúng (giặc giã cào-PV) tàn sát cá, cua từ bé đến lớn, kéo phá hết ngư lưới cụ của vạn dân Xuân Hải, tổn thất hàng chục triệu đồng. Mong Trung ương, địa phương sớm có giải pháp loại bỏ ngay giặc giã này. “Còn một mối lo khác, làng chài chúng tôi bây giờ đang đứng trước vấn nạn nhức nhối, đó là rác thải. Rác thải bủa vây, đang dần đầu độc cả bãi biển rồi…”, ông Thìn lo lắng nói.
NGỌC OAI (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.