Vùng đất vắng bóng đàn ông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là xã biên giới, điểm trọng yếu trên cung đường vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, Lóng Sập bị ma túy giày xéo, khổ đau, bế tắc. Trong và sau cơn lốc đó là những câu chuyện ứa nước mắt, ấm nóng tình người, thắm tình quân dân nơi biên ải…
Cung đường gieo rắc khổ đau
Từ Hà Nội ngược Quốc lộ 6 hơn 200 km, chúng tôi có mặt ở Lóng Sập khi trời đã xế chiều. Lóng Sập là xã biên giới, có cửa khẩu thuộc huyện Mộc Châu, Sơn La. Có một điều đặc biệt: Trên bản đồ, khu vực biên giới Việt-Lào gần với Hà Nội nhất chính là Lóng Sập. Điều đó làm chúng tôi liên tưởng đến nhận định của các cơ quan phòng chống ma túy rằng, Mộc Châu hay Mai Châu (thuộc Hòa Bình, cạnh Mộc Châu) là điểm nóng ma túy với những cái tên nghe tê tái như Hang Kia, Pà Cò, Lóng Luông vì gần biên giới, gần quốc lộ và đô thị lớn. Ma túy được chuyển từ Tam giác vàng (vùng sản xuất ma túy nhiều nhất thế giới tại biên giới Lào, Myanmar và Thái Lan) qua Lào rồi vào Việt Nam qua ngả Mộc Châu; trong đó nhiều nhất là trên địa bàn Lóng Sập.
 
Đường vào bản Buốc Pát
Đường vào bản Buốc Pát
Thấy chúng tôi vừa đến, Thượng tá Sa Trọng Thời, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập vẫy tay chào. Đưa tay bắt, Thượng tá Thời vồn vã: “Anh em rửa mặt nghỉ ít phút, rồi ta lên Buốc Pát. Tối nay, chúng tôi họp để chuẩn bị khai giảng lớp xóa mù chữ trên đó. Bà con háo hức đi học lắm!”. Đúng là dịp may hiếm có khi mục đích của chúng tôi trong chuyến đi này là muốn ghi lại những nỗi khổ đau mà ma túy gieo rắc ở vùng biên và cuộc chiến đấu chống lại tệ nạn này ở vùng biên.
Dù đã tăng cường đấu tranh phòng chống nhưng hiện nay, Lóng Sập vẫn là cung đường buôn bán ma túy phức tạp. Năm 2021, dù dịch COVID-19 xảy ra, nhiều hoạt động giao thương, buôn bán ngưng trệ nhưng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập vẫn bắt được 23 vụ/31 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 23 bánh heroine, trên 30.000 viên ma túy tổng hợp …
Mười năm trước, nhắc đến ma túy thì Lóng Sập là điểm nóng ở Tây Bắc, ai nghe đến cũng ái ngại, và bản Buốc Pát mà chúng tôi sắp vào là nơi nóng nhất trong xã Lóng Sập. Bản chỉ có 14 hộ dân nhưng có đến 11 gia đình có người nghiện, 4 người đi tù vì buôn bán, tàng trữ ma túy. “Bản không đàn ông” là cái tên được đặt cho Buốc Pát lúc bấy giờ vì hầu hết đàn ông, thanh niên đã từng bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão ma túy.
Chuẩn bị xong đồ đạc, chúng tôi được bố trí lên xe máy ngược Buốc Pát. Bản cách trung tâm xã Lóng Sập chừng 10 km, cheo leo trên sườn của dãy núi Pha Luông gần biên giới Việt - Lào. Sau vài phút bon bon trên đoạn đường trung tâm xã, xe rẽ vào con đường đất ngoằn ngoèo, có đoạn một bên là núi, bên là vực. Có khi, con đường mờ tịt, mù sương, chốc chốc, chiếc xe máy lại gằn lên từng hồi để vượt dốc đứng.
Thấy tôi bấu chặt, người cầm lái là Thượng úy Mùa Láo Xuân trấn an: “Cứ yên tâm, con đường này tôi đi mỗi ngày, thuộc từng ổ gà. Cũng may là mấy hôm trước trời nắng, chứ mưa thì chỉ có nước đi bộ lên thôi. Nói chung, đường giờ đã dễ đi hơn, trước đây bản nằm sâu trong rừng, cách chỗ bây giờ hơn 6 km nữa đấy”. Sau chừng 20 phút di chuyển, chúng tôi thấy thấp thoáng những bóng nhà. Đó là Buốc Pát.
Mầm non trơ trọi
Thiếu tá Tăng Ngọc Đảm, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập trò chuyện với chúng tôi trên chốt biên phòng Buốc Pát. Thiếu tá Đảm chia sẻ, khoảng chục năm trước, bản đồng bào dân tộc Mông này chỉ có một lớp học lụp xụp, nằm giữa những nương ngô và cây dong riềng. Toàn bộ học sinh trong bản được học ghép trong một phòng học rộng khoảng 30m2. Cột nhà loang lổ do mối xông, vách thưng hỏng gần hết, mưa xuống là ướt khắp lớp học. Đồ vật lành lặn nhất của lớp chỉ là hơn chục bộ bàn ghế học sinh và chiếc bảng gỗ do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lóng Sập tặng. Lớp có mấy chục em nhưng thường vắng quá nửa. Các em không đến lớp do gia đình đều rất nghèo, những người trụ cột gia đình đều liên quan tới ma túy, đang phải đi cải tạo hoặc đi cai nghiện… Bụng các em còn đói, lại thiếu người quan tâm, chăm sóc thì việc đến trường với các em điều khó có thể thực hiện được.
 
Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, lúc đó còn là Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cùng với các cháu học sinh mầm non và tiểu học tại điểm trường Buốc Pát.
Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, lúc đó còn là Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cùng với các cháu học sinh mầm non và tiểu học tại điểm trường Buốc Pát.
Cùng chúng tôi trở lại bản Buốc Pát còn có Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Sơn La. Như 10 năm trước, mọi người trong bản vẫn dễ dàng nhận ra anh với dáng người mảnh khảnh, dong dỏng cao, khi nào cũng tươi cười, chỉ khác là tóc đã điểm bạc, da đã điểm những chấm đồi mồi. Rảo bước trên cung đường tuần tra biên giới, anh chỉ từng lối mòn, ngã rẽ về từng nhà. Anh bảo: “Lóng Sập có 23km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào nên là một trong những địa bàn “nóng”, là nơi ma túy dễ thẩm lậu về Việt Nam. Lóng Sập cùng với Lóng Luông (huyện Vân Hồ) và Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình), tạo thành vùng lõm ma túy. Những người nghèo, người cả tin, nghiện ma túy ở các bản vùng biên này dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép ma túy. Vì thế, ma túy, cái đói nghèo cứ đeo đuổi cùng kiệt người dân ở đây”.
Trong một buổi sáng tuần tra đầu năm 2012, đến Buốc Pát, Thượng tá Tưởng (lúc đó là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập) thấy một lớp học vắng vẻ nên đi vào. Trong góc lớp, lác đác mấy trẻ nước mũi giàn giụa, mong manh áo mỏng, không mặc quần, run lên từng hồi theo cơn gió rít. Phía ngoài, mấy cháu khác đang nhồm nhoàm, cố gặm bắp ngô nướng đen thui. Bắp ngô già, đã phơi khô nên cứng đơ, nướng lửa to bị đen mà hạt không chín. Gặm bắp ngô, mặt mũi đứa nào đứa nấy đen nhẻm mà không được no. Cảnh các cháu đói, rét khiến anh chạnh lòng, xót xa.
Anh kể tiếp: “Tôi nhớ sáng hôm sau là thứ 7, dù đã muộn giờ ăn sáng nhưng trong bếp ăn của đơn vị còn thừa nhiều cơm và thức ăn. Thậm chí có những suất còn nguyên, chưa ai động đến. Hỏi mấy anh nuôi mới biết, cứ đến cuối tuần cán bộ, chiến sỹ được nghỉ nên thường không ăn sáng. Lúc đó, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ: Hay là mình đưa những thức ăn lên cho các cháu ở Buốc Pát. Có cơm ăn, các cháu sẽ đến lớp, không lang thang trên nương rẫy kiếm ăn nữa. Sau một hồi suy nghĩ, tôi báo cáo việc này với lãnh đạo xin ý kiến họp bàn, triển khai”.
(Còn nữa)
Theo VIẾT HÀ - ĐỨC ANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.