Vùng đất của tiếng vó ngựa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùng 9 Tết hàng năm, hàng ngàn người dân và du khách khắp nơi lại đổ về xã An Xuân, H.Tuy An (Phú Yên) để hòa vào cuộc đua có lẽ có một không hai: đua ngựa gò Thì Thùng.
 
Tuy không phải ngựa đua chuyên nghiệp nhưng cả kỵ sĩ và kỵ mã đều đua rất quyết liệt đem lại niềm vui đầu xuân cho mọi người. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Sử sách còn ghi lại, anh em nhà Tây Sơn đã tuyển chọn ngựa ở Phú Yên để hình thành những đoàn Sảo Mã oai hùng, làm nên bao chiến công vang dội, đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789, cách nay tròn 230 năm.
Nhiều đời vua dưới triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Thiệu Trị, đều tuyển chọn ngựa ở Phú Yên để sung vào chuồng ngựa ngự dụng, nhất là ngựa có sắc trắng.
Năm 1827, vua Minh Mạng truyền cho tỉnh Phú Yên mua 25 con ngựa, nếu là sắc trắng sẽ thưởng 100 lạng bạc, các sắc khác thưởng 80 lạng. Vua Minh Mạng cũng cho vời về kinh đô hai người dân Phú Yên nuôi ngựa giỏi để hướng dẫn cách nuôi tại các chuồng ngựa ngự dụng…
 
Quang cảnh hội đua ngựa truyền thống trên Gò Thì Thùng (xã An Xuân, H.Tuy An, Phú Yên). ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Cách đây gần 20 năm, cuộc đua ngựa gò Thì Thùng đầu tiên rất ít người biết đến, ngay cả người dân Phú Yên. Cuộc đua ngựa độc đáo này đã hình thành như thế nào?
Người ta thường gọi xã miền núi An Xuân là vùng đất của tiếng vó ngựa. Núi ở đây cao hơn 420 m so với mực nước biển, nhiều thung lũng sâu, đường giao thông những năm cuối thế kỷ 20 vẫn còn cách trở. Vì vậy, ngựa thồ là phương tiện khá phổ biến để vận chuyển lâm thổ sản về xuôi và đưa hàng hóa từ đồng bằng lên. Ngựa đi riết rồi thành đường sá đi lại trong xã.
Cuộc sống của người dân An Xuân những năm đó còn khá nhiều khó khăn. Lo cái ăn chưa đủ nên đời sống văn hóa của người dân An Xuân gần như không có gì. Dân Phú Yên, khách ở xa chỉ biết An Xuân có địa đạo gò Thì Thùng nổi tiếng trong chống Mỹ. Đó là một ngọn đồi có hệ thống địa đạo chằng chịt. Mùa khô năm 1966, quân dân, du kích An Xuân và bộ đội địa phương đã bắn rơi 9 máy bay trực thăng, tiêu diệt 1.030 lính Mỹ trong một trận càn nhờ vào địa đạo Thì Thùng. Ngọn đồi xưa giờ là bãi cỏ xanh cho đàn ngựa ung dung gặm cỏ, thưa thớt những bụi hoa mua gợi nhớ những chiều hoang biền biệt trong bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan.
 
Một pha té ngựa của một kỵ sĩ trên đường đua. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
 
Chàng kỵ sĩ nhỏ tuổi bị hất khỏi lưng ngựa... . ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
 
nhưng vẫn cố kìm dây cương. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
 
Sự cố gắng của chàng kỵ sĩ trẻ tuổi không thành. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
 
Tuy nhiên, sau khi ngã, anh chàng lại chạy theo để đua tiếp. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Chúng tôi còn nhớ, ông Ngọc là người dân ở xóm nhà gần gò Thì Thùng, sớm gắn chặt đời mình trên yên ngựa. Hồi nhỏ, ông là đứa trẻ mồ côi chăn ngựa mướn, lại rất mê đua ngựa dù chưa bao giờ biết đến trường đua, kỵ sĩ. Về già, ông đem suy nghĩ của mình về việc tổ chức đua ngựa ở gò Thì Thùng bàn với trưởng thôn. Không ngờ ý tưởng của ông được nhiều người trong thôn ủng hộ. Đêm đầu tiên, họ tập trung ở sân trường học trong thôn bàn bạc đến tận khuya cho cuộc đua đầu tiên sẽ được tổ chức tại gò Thì Thùng. Khó khăn nhất đặt ra là tiền đâu mà tổ chức?
Họ chia nhau đi từng nhà, vận động các tay đua cũng chính là các hộ dân có chăn nuôi ngựa, vận động bà con góp tiền để tổ chức cuộc chơi. Kiếm đồng tiền ở miền núi không dễ, nhưng nhà nào cũng hồ hởi, dù chỉ vài ngàn đồng lúc bấy giờ.
Trường đua là một khoảnh đất rộng, tương đối bằng phẳng trên gò Thì Thùng. Trước khi vào cuộc đua, ông trưởng thôn làm chút lễ mọn với lòng thành kính những người đã ngã xuống đây trong cuộc chiến năm xưa. Sau đó, cây rừng, dây rừng các loại được mọi người chặt, gom về để dựng, rào thành trường đua. Mất cả buổi chiều, một trường đua “dã chiến” mới hoàn thành.
Trong khi ở ngoài gò Thì Thùng mọi người lo chuẩn bị mọi thứ cho buổi đua ngựa đầu tiên thì tại nhiều gia đình, các kỵ sĩ đã lựa chọn những chú ngựa khỏe nhất cho cuộc đua ngày mai. Không có huấn luyện viên, ai có nhiều kinh nghiệm lên rừng xuống suối với đàn ngựa thì chia sẻ kinh nghiệm cầm cương với bọn trẻ. Ngựa ở An Xuân chỉ quen với chủ, với núi rừng trong công việc thồ hàng, không quen với nơi đông người, lại chưa bao giờ chạy đua, nên các kỵ sĩ rất lo lắng.
 
Khi chạy cũng rất tùy hứng, phải có người chỉ đường ngựa mới chạy đúng làn đua. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Buổi sáng ở vùng cao An Xuân thật dễ chịu với không khí se lạnh, sương mù bãng lãng quanh các ngọn núi. Ngày đua ngựa hầu như nhà nào cũng gác lại chuyện nương rẫy. Từ sáng sớm, các nẻo đường dẫn đến gò Thì Thùng đã thấy già, trẻ, gái, trai lục đục kéo về để cổ vũ cho cuộc đua.
Tại các chuồng ngựa, khẩu phần của các chú ngựa hôm nay cũng đặc biệt hơn mọi ngày. Tại gò Thì Thùng, mấy chú ngựa chưa quen với cảnh đông người bắt đầu thấy khó chịu, ghì cương, liếc mắt phòng ngừa. Hiểu được điều này, các thủ tục khai mạc buổi đua ngựa đầu tiên được tổ chức tại gò Thì Thùng cũng hết sức đơn giản, nhanh chóng.
Không có mũ bảo hiểm chuyên nghiệp, những chiếc mũ chống lạnh của người dân vùng cao đã được huy động cho các kỵ sĩ. Những bông hoa rừng đẹp nhất cũng được các cô gái chuẩn bị để cổ vũ cho các kỵ sĩ bước vào cuộc đua.
Trong số kỵ sĩ tốp đua đầu tiên, người ta chú ý đến tay đua Võ Văn Lưu, kỵ sĩ trẻ nhất, hồi đó mới học lớp 8. Theo cha đi ngựa từ nhỏ, nên Lưu là đứa trẻ cỡi ngựa giỏi nhất vùng này. Nhiều người không ngờ, hàng ngày nó lầm lầm lì lì, mà vào cuộc đua nó giỏi đến thế. Những chú ngựa thồ chưa quen với tiếng trống, tiếng cổ vũ của người xem nên mỗi lúc chạy càng nhanh mà không theo một “đường đua” nào. Có chú ngựa đang chạy bỗng dưng đứng lại vì sợ hãi đám đông...Thật là một cuộc đua chẳng giống cuộc đua ngựa nào!
Trong số tiền ít ỏi quyên góp được, Ban tổ chức dành lại một ít làm phần thưởng cho các giải nhất, nhì, ba. Phần thưởng cũng rất thiết thực với người dân vùng cao, thường là những đồ dùng ít tiền dành trong sinh hoạt gia đình. Kèm với hiện vật là những bó hoa rừng đã được chị em chuẩn bị sẵn...
 
Người dân hào hứng, vui nhộn trong ngày đầu xuân. ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Sau cuộc đua, các chú ngựa và những người chủ của nó lại trở về công việc cũ, đợi cuộc đua năm sau...
Cứ thế, đến nay cuộc đua ngựa gò Thì Thùng đã trở thành một hoạt động thể thao truyền thống, ngày càng thu hút đông du khách gần xa. Năm nay, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989 - 2019), cuộc đua được tổ chức bài bản hơn để đáp ứng đời sống tinh thần không chỉ cho người dân địa phương mà còn khá đông du khách đến Phú Yên dịp Tết này…
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về
Cô về chẳng lẽ về không
Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau
Ngựa ô đi tới Quán Cau
Ngựa hồng thủng thẳng đi sau Gò Điều...
 
Người xem hội đông đến hàng nghìn người, có người leo lên cây cao để xem cho rõ . ẢNH: DƯƠNG THANH XUÂN
Vài câu ca trên cho thấy ngựa đã gắn bó với đời sống người dân Phú Yên từ hàng trăm năm trước. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, đàn ngựa ở Phú Yên không dưới 600 con với những đội tải mã đưa hàng vào Khánh Hòa rồi lên Tây nguyên. Trong hai cuộc kháng chiến giữ nước, ngựa Phú Yên cũng gắn với nhiều trận thắng nổi tiếng như trận Trường Lạc, Sơn Hòa..., và tướng Lư Giang, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 80 - 83 đã được người dân Phú Yên ca ngợi qua những câu thơ:
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Thanh gươm yên ngựa lên đường thắng xông
Vẫy vùng, Nam Bắc Tây Đông
Lấy thân che chở non sông nước nhà
Vẻ vang trai Việt Nam ta...
Trần Thanh Hưng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.