Voi chuyên làm nghề du lịch nay thất nghiệp, lũ lượt lê bước bỏ phố về quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị đẩy vào cảnh "ở không" và thiếu thức ăn do đại dịch COVID-19, những con voi chuyên làm nghề du lịch ở Thái Lan lũ lượt lê bước về quê. Giờ đây, chúng thoải mái tắm, chơi trong bùn và sống cùng tự nhiên.
 
Một đàn voi thất nghiệp gồm 11 con trong chuyến hành trình dài 150km từ huyện Mae Wang tới Ban Huay ở miền bắc Thái Lan hồi đầu tháng 5 - Ảnh: AP
Du khách đã biến mất khi dịch COVID-19 bùng phát. Mọi thứ đều đóng cửa. Mọi người đều bị sốc, nhưng không ai sốc nhiều bằng chủ nhân của những con voi.

Bà Sangdeaun "Lek" Chailert

Những ngày qua, người ta chứng kiến nhiều đàn voi và các quản tượng đi qua các khu rừng và đồi núi ở miền bắc Thái Lan. Những chuyến đi đường dài như thế này được thực hiện nhiều ngày trước khi những con voi đến được các bản tại những khu vực xa xôi dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, nơi sinh sống của nhiều người dân tộc thiểu số Karen với truyền thống thuần hóa voi nhiều thế kỷ.
Hành trình bất định
Đó là chuyến hành trình của sự bất định, cả với người chủ và những con voi bị thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Không ai biết được liệu họ có thể quay lại nơi làm việc hay không khi hàng chục trại voi - từng thu hút rất đông khách du lịch quanh năm - giờ đây đóng cửa vì xứ sở chùa vàng đã cấm du khách quốc tế.
Tình hình đã trở nên nguy cấp vì theo Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP, Anh), khoảng 2.000 con voi nhà như vậy hiện có nguy cơ chết đói do chủ không thể lo đủ thức ăn cho chúng. 
Theo Hãng tin AP, do không có du khách, các khu bảo tồn và trại voi thương mại thiếu tiền để nuôi dưỡng voi. Do đó, họ đã cho voi vượt qua quãng đường hơn 100km để về nhà. Nhiều người chủ đưa voi về các ngôi làng để đỡ lo những chi phí hằng tháng từ tiền thuê đất và cơ sở làm ăn, tiền trả cho nhân viên và thức ăn.
Đầu tháng 5, bà Sangdeaun "Lek" Chailert, nhà hoạt động động vật hàng đầu của Thái Lan kiêm người sáng lập Quỹ Cứu voi, đã tham gia một chuyến đi 5 ngày cùng một trong các đàn voi, đi từ các trại voi ở huyện Mae Wang tại Chiang Mai tới một ngôi làng của người Karen ở huyện Mae Chaem. Những đoàn nào có voi con sẽ phải dừng chân nhiều hơn để voi con nghỉ ngơi và uống sữa mẹ.
"Chúng ăn thức ăn dọc đường đi, nhưng chúng cũng mệt mỏi, đặc biệt những con voi già và voi con" - nhà hoạt động sinh năm 1961 chia sẻ với Đài Channel News Asia ngày 23-5.
Trở về quê hương
Voi nhà ở Thái Lan vẫn được dùng để kéo gỗ băng qua những khu rừng rậm mãi đến năm 1989, khi chính phủ cấm khai thác gỗ. Kể từ đó, voi được dùng thu hút khách du lịch với nhiều hình thức như cưỡi voi hay xem voi biểu diễn. Hơn 30 năm qua, nhiều trại voi đã mở cửa trên khắp Thái Lan, đặc biệt tại Chiang Mai. Nhưng giờ đây, voi - từng được xem như một tài sản quý báu mang lại nguồn thu nhập - đang trở thành gánh nặng.
"Đến cuối tháng 1, chúng tôi không còn một du khách nào. Tôi từng có gần 200 nhân viên, nhưng hiện giảm còn 60-70 người và chỉ trả 50% lương so với trước đây... Những con voi chỉ làm tăng thêm gánh nặng" - ông Thanapat KR, chủ một trại voi ở tỉnh Ratchaburi, chia sẻ. 
Ông cho biết dù không có thu nhập, ông vẫn phải chăm sóc đàn voi với chi phí thức ăn cứ hai ngày tốn hơn 300 USD. Vừa qua, ông đã rao bán 10 con voi với giá tổng 37.500 USD, lỗ lớn so với số tiền mua ban đầu 68.700 USD.
Để cứu giúp những con vật này, Quỹ Cứu voi - một tổ chức phi lợi nhuận ở Thái Lan - đã ra mắt một dự án giúp các quản tượng trồng thức ăn cho voi. Họ kêu gọi chủ đất trên khắp các tỉnh của Thái Lan cho chủ nuôi voi thuê đất trống với giá rẻ. 
Ngoài ra, họ hợp tác với cộng đồng người Karen ở miền bắc Thái Lan xây dựng lại môi trường tự nhiên cho voi, chuyển các khu vực bị chặt phá thành những trang trại bền vững và mở đường cho các hoạt động du lịch sinh thái.
"Nhiều con voi đã quay về quê sau nhiều thập niên phục vụ trong ngành du lịch. Do đó, tôi đang cố yêu cầu quản tượng tham gia dự án bảo tồn có tên gọi "Hãy mang voi và quản tượng về nhà". Bằng cách này, họ sẽ không rời khỏi làng trong khi vẫn có thể thu hút du khách đến" - bà Lek hi vọng.
Theo Đài Channel News Asia, tại một ngôi làng xa xôi của người Karen ở Mae Chaem, các quản tượng và những con voi thất nghiệp vừa qua đã được chào đón nồng nhiệt. Dân làng đã chuẩn bị nhiều loại trái cây cho con vật và cả những bài hát địa phương để chào mừng. Một số người già đã khóc khi họ được thấy voi quay về lần đầu tiên trong nhiều thập niên.
2.000

Ước tính có khoảng 4.400 con voi nhà ở Thái Lan. Trước khi Thái Lan công bố các biện pháp để hạn chế sự lây lan của COVID-19, khoảng 2.000 trong số này phục vụ trong ngành du lịch và giờ rơi vào cảnh thất nghiệp. Bà Lek cho biết chỉ riêng tại Chiang Mai, hơn 100 con voi thất nghiệp đã về quê, trong đó có một số con chỉ mới 2 tháng tuổi.

BÌNH AN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.