Vó ngựa cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồi núi chiêng chao, cây rừng nghiêng ngả, mái tóc phiêu bồng…, K’Truik đang cùng con tuấn mã Rambô tung vó băng băng về đích trong ánh mắt đắm đuối của sơn nữ buôn làng.

Có lẽ, hiếm nơi nào có “hội đua ngựa” độc đáo, nguyên sơ và hồn nhiên như thế! “Kỵ mã” đầu trần, chân trần, ngựa không yên, không bàn đạp. Họ bước vào cuộc chơi bản năng phóng khoáng, để thỏa chí và thể hiện bản lĩnh của những bước chân lữ hành không bao giờ mỏi…

1. Chiều xuống yên ả phía chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Chúng tôi ngược về núi để chứng kiến các “kỵ mã chân trần”, những người con sinh ra giữa buôn làng, lớn lên trên lưng ngựa... tự do bay bổng với cuộc chơi bên sườn núi.

Bên con ngựa “vằn” Lang Biang vừa thắng cuộc chơi, K’Truik nói: “Ồ, ở xứ sở này, những đứa trẻ lên năm, lên bảy đã biết cưỡi ngựa cỏ rong chơi, biết ngã cùng ngựa. Ngựa cũng như người, phải biết vuốt ve nó từ nhỏ thì nó mới thích mình, nghe mình”.

Ngày trước, ở buôn người Lạch, Cil dưới chân núi này nhà nào cũng phải có vài con ngựa. Ngựa được thả đi hoang trong rừng, mỗi tuần mới “thăm” một lần để xác định vị trí, lúc nào cần mới huýt sáo tìm về. Già Păng Ting Bụt từng là chàng trai phong trần, lãng tử ngày nào đã nhiều lần chinh phục gái đẹp trong buôn trên lưng ngựa. Già nói, thời Pháp, ở cao nguyên này thường xuyên tổ chức đua ngựa không yên, và già đã nhiều lần mang về vinh quang cho người Lạch. “Dạy ngựa khó lắm, phải ngã bùn, ngã suối với nó nhiều lần thì mới thuần được. Còn đua ngựa không yên thì hai cái đùi là quan trọng, vì đó là bộ phận điều khiển ngựa, giữ thăng bằng”, già Păng Ting Bụt cho hay.

Mỗi lần đi rẫy “thăm” trâu, đi rừng “thăm” ngựa là bọn trẻ tụ họp đua ngựa. Nói là cuộc chơi, nhưng con ngựa nào về đích trước là nổi tiếng khắp buôn, và người điều khiển cũng có giá “bắt chồng” cao ngất ngưởng. K’Truik vinh dự được buôn làng nhiều lần gọi tên con tuấn mã của mình là Ơh sha pran kơ (con ngựa mạnh mẽ). Ngoài những cuộc chơi, K’Truik cùng con Rambô đã bốn lần đoạt quán quân trong các giải “đua ngựa không yên” do tỉnh, huyện tổ chức. Hãnh diện lắm! Bởi thế, nên đã tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, nhưng K’Truik vẫn trở về bên đàn ngựa của ông nội để lại, để cùng vui, cùng buồn trong những cuộc chơi với đám bạn “kỵ mã” trong buôn, như K’Hiêm, K’Tiến, Cil Bris… với những chú ngựa cưng Juli, Jiky, Biôli…

Đua ngựa ở Lang Biang.

Đua ngựa ở Lang Biang.

Ngựa là người bạn không thể thiếu đối với người sống phía thượng nguồn. Ngựa giúp con người qua đèo dốc hiểm trở, ngựa để cưỡi đi “thăm trâu, thăm bò”, ngựa để đổi chác… “Người Lạch còn đi tán gái bằng ngựa đó. Hồi xưa, vùng Păng Tiêng, Đam Rông nghe tiếng vó ngựa người Lạch là nể rồi”, già Krajan Plin thổ lộ. Bởi thế, ca dao người Lạch có câu: “Con ngựa Păng Tiêng tôi đã cưỡi/ Bông hoa Păng Tiêng tôi đã ngửi…”

Đua ngựa không yên chinh phục đỉnh núi Lang Bian là trò chơi dân gian, hình thành một cách hồn nhiên như để thể hiện sức mạnh, sự phóng khoáng, bay bổng của những người con núi rừng nam Tây Nguyên.

2. Chia tay với những “kỵ mã chân trần”, chúng tôi trở về TP. Đà Lạt khi sương trắng phủ kín mặt hồ. Đêm càng khuya, Đà Lạt càng lạnh. Trên cao, vầng trăng bàng bạc hắt xuống phố. Chợt có tiếng vó ngựa gõ nhịp trên dốc vắng như bản tình ca chậm đều, buông lơi. Lục lại ký ức, thuở Đà Lạt còn hoang vu, người Pháp đã dùng phương tiện là ngựa để đến đây. Và, một phần nhờ ngựa mà bác sĩ Yersin đã chinh phục cao nguyên Lâm Viên, khai sinh Đà Lạt. Đến những năm 1930, cung đường Lamartine vòng quanh hồ Xuân Hương có một đường chính, hai đường phụ dành cho người cưỡi ngựa và đi xe đạp. Vó ngựa đã gắn với Đà Lạt từ thuở đó…

Đã qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lão xà ích Phạm Đứng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Xe ngựa Đà Lạt một thời vẫn phảng phất nét phong trần. Lão kể: Trước thời Bảo Đại, vó ngựa Đà Lạt đã gõ nhịp trên những con đường dốc hoang sơ chạy quanh thành phố. Thời đó, người ta gọi là xe thổ mộ, có hai băng ghế dọc, bánh gỗ và bạc đồng, giờ thì đã thành… đồ cổ. Sau đó một thời gian, hàng loạt xe ngựa xuất hiện trên thành phố mộng mơ. Ngựa chở hàng từ nhà vườn tỏa đi các chợ, đưa học sinh đến trường, ngựa giúp du khách qua những chốn phiêu bồng… “Chiếc xe ngựa đã gắn bó với người Đà Lạt và trở thành nét độc đáo không thể thiếu trong lòng du khách”, lão xà ích Phạm Đứng tâm sự.

Dịch vụ ngựa thồ thịnh hành một thời tại Lâm Đồng.

Dịch vụ ngựa thồ thịnh hành một thời tại Lâm Đồng.

Đà Lạt trong kỷ niệm của khách lữ thứ là mimosa òa mình bên thác đổ, mai anh đào hồng gối trời xanh, là biệt thự cổ... và không thể thiếu âm thanh nhịp vó ngựa gập ghềnh. Không giống các phương tiện khác, xe ngựa dung hòa con người trong một không gian mở, không gian của chuyện nhân tình thế thái, không gian của cộng đồng.

Hơn ba thập niên trong nghề, xà ích Trần Mạnh Dũng cho rằng, lòng yêu nghề là sợi dây buộc chặt ông với chiếc xe ngựa. Tiếng vó ngựa lóc cóc trên đường phố Đà Lạt nửa đêm lục lạc ngựa về… là những thanh âm thăm thẳm trong lòng. Ông Dũng nhớ ngày xưa xe ngựa nhiều lắm, một cái xe nuôi cả nhà. Giờ chỉ còn khoảng mươi chiếc của những người không chịu “buông” nghề, giữ lại làm du lịch, rước dâu, đóng phim. Cung đường đi cũng đã ngắn dần, không còn rong ruổi cùng du khách như xưa nữa.

Nhưng dù sao, trong muôn vàn âm thanh cuộc sống, trên phố thị cao nguyên Đà Lạt tĩnh lặng, xa xăm, tiếng vó ngựa vẫn gõ ròn trên dốc vắng và cả tiếng lục lạc xao động miền ký ức. Đó là nét văn hóa, hình ảnh tâm thức đối với ai đã từng một lần đặt chân lên thành phố cao nguyên.

3. Mấy ai có được cái thú mỗi buổi chiều ngồi vắt vẻo bên thành xe ngựa, nhìn ngắm ruộng đồng xanh mướt và bình yên, tiếng vó ngựa gõ nhịp, tiếng lục lạc len trong gió. Đời xà ích ở xứ trồng rau nổi tiếng Đơn Dương (Lâm Đồng) là thế. Sướng mà… lam lũ. Ông Nguyễn Quốc Xuân, người đã trải qua 40 năm gắn bó với nghề ngựa ở xã Lạc Lâm nói: “Con người sinh ra, nếu được chọn nghề thì ít ai chọn nghề xe ngựa, nhưng “kiếp” ngựa đã chọn mình…”. Lục tìm ký ức, ông Xuân kể, thời huy hoàng của nghề xe ngựa là vào thập niên 90 thế kỷ trước, ở đây có trên dưới 500 xe. Ngựa “nuôi” cả gia đình mình. Một ngày làm xe ngựa bằng sáu công làm hợp tác xã. Giờ không còn mấy, vì ô tô nhiều rồi.

Đời người, đời ngựa ở xứ này cứ đan xen, quấn quyện. “Người xưa có câu: “làm thân trâu ngựa” nhưng với nghề này, mình đói chứ không để ngựa đói” - anh Nguyễn Quốc Trưởng, người nối nghiệp xe ngựa của ông Xuân triết lý. Tôi hiểu, cũng giống những xà ích ở Đà Lạt, kinh tế của các gia đình này chủ yếu nhờ vào sức ngựa. Song, có lẽ trong tương lai, những con Hồng, con Tía (tên ngựa)… trên vựa rau Đơn Dương rồi cũng chồn chân, để lại khoảng trống mênh mang cho những gã xà ích trót yêu nghề ngựa. “Đến đâu, hay đó. Ở huyện nông thôn mới này, ô tô đã đến từng vựa rau. Nói thế, chứ ai đã chọn nghề ngựa để mưu sinh, đã yêu nghề thì không thể nào bỏ được”, anh Trưởng nói.

Theo sự phát triển của xã hội, “chức năng” của ngựa đã bị thu hẹp và ngựa trên cao nguyên Lâm Viên cũng giảm đi nhiều. Nhưng, vào một đêm trăng thanh lên xứ mộng mơ Đà Lạt, một chiều thung thăng đi về phía núi… tiếng vó ngựa vẫn gõ ròn và tung bay trên nền trời xanh sâu thẳm.

Có thể bạn quan tâm

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.