Vỡ mộng "cơn lốc vàng đen" titan (*): Tan hoang thắng cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ở Bình Thuận có nguy cơ bị xóa sổ bởi các mỏ titan.
Từng khấp khởi vui mừng khi thấy các mỏ titan đưa vào khai thác nhưng hiện nay nhiều thanh niên địa phương từng làm công trong các mỏ tuyến quặng thất vọng não nề. Không phải vì thù lao họ nhận quá ít ỏi so với công sức bỏ ra mà đất đai vườn tược, hoa màu của gia đình, người thân họ bị tàn phá nặng bởi "cơn lốc titan".
Thôi làm công nhân, làm dân cũng khổ

Chỉ cho chúng tôi xem vườn xoài đang vào mùa ra trái nhưng cây nào cũng xơ xác lá, chẳng thấy quả đâu, anh Th. có nhà cách không xa một mỏ titan ở khu vực Thiện Ái (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) chỉ biết thở dài: "Nước từ các mỏ khai thác titan chảy ra gây ngập úng nên vườn xoài nhà tôi suýt chết. Từ khi bị ngập nước nhiễm mặn, xoài chẳng cho trái, nguồn thu của gia đình coi như không còn".

Suối Tiên - thắng cảnh của Bình Thuận có nguy cơ bị xóa sổ bởi các mỏ khai thác titan
Suối Tiên - thắng cảnh của Bình Thuận có nguy cơ bị xóa sổ bởi các mỏ khai thác titan
Từng làm công nhân cho một mỏ titan nên anh Th. trải qua những vất vả và hiểm nguy của người khai thác mỏ. Anh Th. cho biết: "Mấy năm trước, khi các công ty khai thác titan đồng loạt tuyển công nhân, anh em ai cũng mừng vì nghĩ có việc làm, đời sống sẽ dần cải thiện. Nhưng làm được một thời gian, tôi nhận thấy những hiểm nguy bệnh tật đang chờ chúng tôi vì bữa ăn nào khay cơm cũng trộn đầy bụi nhỏ li ti. Nghe nói trong mỏ còn có chất phóng xạ nên càng sợ hơn và nhiều người đành phải bỏ làm". Chỉ về phía những đồi cát hoang tàn ven biển, anh Th. nuối tiếc: "Lúc trước những đồi cát vàng này đẹp lắm, dân Sài Gòn ra đây chụp hình rất nhiều. Giờ thì tan tành hết".
Một kỹ sư từng công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết theo quy định, chủ đầu tư phải tái tạo môi trường, hoàn thổ cho những khu vực đã hoàn tất việc khai thác mới tiến hành khai thác các khu khác. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những khu vực đã đóng mỏ xơ xác, hoang tàn. Tại khu vực ven biển thuộc địa bàn TP Phan Thiết, những dãy bạch dương được trồng nhằm phục hồi môi trường đều bị chết khô. Thậm chí có cây còn lộ ra những bịch bọc bộ rễ, chứng tỏ cây không thể phát triển trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Dù bức xúc về tình rạng khai thác titan tàn phá môi trường nhưng nhiều người dân địa phương lại lo sợ không dám ra mặt phản ánh sự việc với cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù. Ông Trần Hữu Bình (93 tuổi, có 70 tuổi Đảng) - một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về những thiệt hại do các mỏ khai thác titan ở Bình Thuận, cho biết ông cũng chịu nhiều áp lực sau khi lên tiếng phản đối việc khai thác titan gây hại đến môi trường. "Nhiều người khuyên tôi thôi đừng đề cập các mỏ khai thác titan nữa. Nhưng bà con ngại đụng chạm nên nhờ cậy mình mà mình không lên tiếng thì không được. Tôi phản ánh chuyện này cũng chỉ mong muốn các mỏ khai thác titan được đánh giá đầy đủ về những hậu quả mà nó gây ra để có hướng xử lý " - ông Bình bày tỏ.
Ngành du lịch lâm nguy
Vào những ngày đầu tháng 8-2018, khi chúng tôi đến khu vực Suối Tiên (một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận), nơi này vẫn thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, dòng suối lại có màu nâu đỏ và đang có dấu hiệu cạn dần. Hai bên suối nhiều đoạn bị sạt lở, thu hẹp cũng làm cho cảnh quan mất đi vẻ thơ mộng vốn có. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu các mỏ khai thác titan tiếp tục sử dụng nước ngầm như hiện nay thì Suối Tiên sẽ biến mất trong lai không xa.
Tương tự, Bàu Trắng được ví là hồ nước ngọt quý giá của Bình Thuận cũng được các chuyên gia cảnh báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác titan vô tội vạ. Nếu không có phương án bảo vệ nguồn nước ngọt quý hiếm này thì đến một lúc nào đó Bình Thuận sẽ rơi vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng và thiệt hại sẽ rất nặng nề.
Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết những hệ lụy do các mỏ khai thác titan gây ra quá nhiều, người dân bức xúc đã nhiều năm nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. "Ngay cả chuyện các cơ quan quản lý nhà nước thì nói mỏ đã dừng hoạt động để đánh giá lại nhưng trên thực tế người dân và báo chí ghi nhận mỏ vẫn còn hoạt động mà cũng không làm rõ được để xử lý thì làm sao có thể xử lý những chuyện khó hơn" - ông Thiện nói.
PGS-TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, cho biết việc khai thác titan cần phải dùng rất nhiều nước nên sẽ gây ảnh hưởng đến hệ nước ngầm và có nguy cơ gây cạn kiệt các hồ nước tự nhiên ở Bình Thuận. "Những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận như Bàu Trắng, Suối Tiên cũng lâm nguy nếu các mỏ titan vẫn khai thác theo cách thức như thời gian qua" - ông Cánh cảnh báo.
Trong nhiều văn bản báo cáo cho UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cũng nhìn nhận thời gian qua, tại các khu vực khai thác titan trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, nhất là về mùa khô. Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, môi trường sẽ bị suy thoái và nhất là sự bức xúc vì thiếu nước của người dân quanh các khu vực khai thác titan, từ nhiều năm trước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương đưa ra điều kiện ràng buộc các dự án khai thác titan không được phép khai thác nước từ nguồn nước ngầm, nước từ các suối, ao, hồ mà phải mua nguồn nước từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh. Song đến nay, phương án này vẫn chưa thực hiện. 
Lê Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.