Vỡ mộng "cơn lốc vàng đen" titan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các hồ chứa bùn đỏ ở mỏ titan sẽ phình to, nếu vỡ sẽ tạo ra cơn lũ bùn quét từ đồi cát xuống tới biển, gây tổn thất nặng nề.

Dù đã thông báo tạm ngưng khai thác các mỏ titan cách đây 3 năm nhưng hằng năm, sản lượng khoáng sản nói trên xuất khẩu lên đến hàng ngàn tấn. Báo Người Lao Động đã quay lại các mỏ titan để tìm câu trả lời.


Tỉnh bảo ngưng, đêm máy đào vẫn hoạt động

Tiếp xúc với chúng tôi vào đầu tháng 8-2018, người dân sống bên dưới một mỏ khai thác titan tại khu vực mỏ Thiện Ái (thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) phản ánh: "Những lần tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND nói tỉnh đã tạm dừng hoạt động các mỏ khai thác titan hiện thời để đánh giá lại hậu quả nhưng mỏ khai thác titan vẫn hoạt động. Dân phản ánh nhiều thì họ chuyển sang khai thác vào ban đêm".

Để rõ thực hư, đêm đến, chúng tôi tìm cách tiếp cận một mỏ titan ở khu vực Công ty Đức Cảnh đang rào chắn. Đúng như người dân phản ánh, khi bóng tối phủ lên những đồi cát rộng lớn ven biển, bên trong mỏ vẫn sáng đèn và xuất hiện nhiều xe máy xúc đào xới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh luôn xuất hiện những chòi canh sẵn sàng rọi đèn đến khu vực nào nghi ngờ có người lạ xuất hiện. Khi xe chúng tôi vừa có mặt ở cổng vào mỏ titan nói trên lập tức xuất hiện một người lạ bám đuôi.

Khó có thể tiếp cận gần, chúng tôi sử dụng thiết bị ghi hình trên cao (flycam). Lúc này, một đại công trường trong đêm hiện ra. Những chiếc máy hút cát cứ thế ào ào hút vào hệ thống vít xoắn tuyển quặng. Gần đó, các vòi nước thải phun ra rất mạnh. Mọi hoạt động bên trong mỏ diễn ra một cách gấp rút và cho thấy một bờ cát bị sập xuống trong quá trình hút.


 

 Mỏ titan thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tạo ra các “quả bom” bùn đỏ tiềm ẩn gây nên những đợt lũ bùn
Mỏ titan thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tạo ra các “quả bom” bùn đỏ tiềm ẩn gây nên những đợt lũ bùn



Mấy hôm sau, quay lại khu vực trên, chúng tôi nhận thấy ban ngày bên trong mỏ có rất nhiều công nhân và xe cơ giới hoạt động. Điều đáng lo ngại, qua những trận mưa, những hồ chứa bùn đỏ như càng rộng ra, mỗi hồ giống như sân bóng đá chứa bùn nước sền sệt một màu đỏ quạch còn bờ bao thì lại quá mong manh. "Nếu mưa nhiều mà không có phương án thu gom nước thì hồ ở mỏ titan sẽ phình to và có nguy cơ bị vỡ. Với lượng bùn lớn như thế, nếu hồ vỡ sẽ tạo ra những lũ bùn đỏ quét từ đồi cát xuống tới biển, thiệt hại là rất lớn. Những đợt vỡ hồ chứa bùn đỏ tại mỏ titan Bình Thuận trước đây đều xuất phát từ tình huống tương tự" - một chuyên gia về lĩnh vực khai thác titan nhận định khi xem những hình ảnh do chúng tôi ghi nhận về hiện trạng khu mỏ nói trên.

Trở lại khu vực mỏ titan từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ cách đây 2 năm tại huyện Hàm Thuận Nam (do Công ty Tân Quang Cường khai thác), chúng tôi nhận thấy môi trường ven biển vẫn còn dấu vết của sự tàn phá do những khối bùn đỏ khổng lồ quét qua. Phía bên dưới mỏ, nơi tiếp giáp bãi biển, chúng tôi thấy có một dòng suối màu nâu đỏ chảy ra rồi hòa lẫn vào làn nước biển xanh biếc.

Nước uống đỏ ngầu, dân lo sốt vó

Chỉ cho chúng tôi xem hồ chứa nước giếng đỏ ngầu, bà Mai Thị Tĩnh (ở thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) bức xúc: "Từ khi mỏ khai thác titan đào sâu xuống lớp cát đỏ thì nước ở khu vực dưới này cũng bị nhiễm đỏ theo. Tình trạng nước nhiễm đỏ đã kéo dài 2 năm nay rồi, đâu có nấu ăn được".

Theo phản ánh của người dân, trước đây các mỏ khai thác titan bắt đầu hoạt động thì nước giếng bị nhiễm mặn, sau đó chuyển sang màu đỏ quạch giống như màu bùn đất ở mỏ titan. Hiện nay, nước giếng vừa bị nhiễm mặn vừa bị nhuộm đỏ không dùng cho sinh hoạt được. Dẫu vậy, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kết luận nguyên nhân vì sao nguồn nước bị ô nhiễm như thế. "Dân phản ánh hoài mà chẳng thấy ai xuống lấy mẫu nước kiểm tra để trả lời nguyên do nên dân ở đây đâu có bắt đền công ty chủ mỏ titan được" - một người dân ở thôn Hồng Hải chán chường nói.

Ngược về hướng TP Phan Thiết, đến khu vực Long Sơn - Suối Nước, chúng tôi cũng nhận thấy bên dưới các mỏ khai thác titan có nhiều vùng trũng thấp đọng đầy nước màu đỏ. May có con đường lớn chạy dọc biển; nếu không, những hồ nước đỏ này sẽ chảy qua các khu du lịch rồi tràn ra biển.

Dù vậy, những hồ nước đỏ bên trên cũng đã khiến cho một số khu du lịch khốn đốn.

Người quản lý của khu resort Madam Cuc cho biết khoảng 2 năm nay, nguồn nước giếng dùng để tưới tiêu cho khu nghỉ mát này đã bị ô nhiễm. "Khi nước bị nhiễm bẩn, có màu đỏ gần giống như màu nước bên trên các mỏ titan thì xảy ra tình trạng cây chết sau khi tưới. Do đó, chúng tôi phải xây trạm xử lý nước rồi mới tưới cây. Chi phí để xử lý nước mỗi tháng tốn hàng chục triệu đồng. Đáng lo hơn là nguồn nước ngọt có dấu hiệu cạn kiệt dần" - người quản lý lo lắng.

Lo lắng của người quản lý khu resort nói trên đã được các chuyên gia chứng minh là có thật. Theo nghiên cứu của GS-TS Đặng Trung Thuận (Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam), các mỏ khai thác titan lộ thiên sẽ phải đào hố sâu nên việc ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm là không tránh khỏi. Do phần lớn các khu vực quy hoạch khai thác titan đều nằm ven biển, nơi nguồn nước ngọt chỉ tồn tại trong các cồn cát hoặc các ao hồ, sông suối nhỏ và thường chỉ có dòng chảy vào mùa mưa nên lượng nước này chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân tại khu vực. Vì thế, khi các mỏ titan sử dụng nhiều nước để tuyển quặng, nguồn nước ngọt vốn khan hiếm của Bình Thuận càng cạn kiệt thêm. Song hệ lụy mà các mỏ khai thác titan gây ra không dừng lại ở đó.

Thiếu cơ sở cấp phép khai thác

Trong bản kiến nghị về những bất cập trong quy hoạch khai thác titan tại Bình Thuận vừa trình Thủ tướng Chính phủ, nhóm chuyên gia của Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết hiện các dự án đã cấp phép khai thác còn hiệu lực đến tháng 12-2026 là 27 giấy phép, với trữ lượng khoảng 21 triệu tấn, tổng công suất khoảng 1,4 triệu tấn/năm, thời hạn tồn tại bình quân của mỗi dự án là 15 năm.

Trên thực tế, việc cấp phép manh mún, nhỏ lẻ này được chuyên gia xác định chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác không bài bản gây tổn thất tài nguyên, chưa kể những tác động tiêu cực đến môi trường như trong thời gian qua.


Lê Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.