Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không được lơ là, chủ quan, phải bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đặt sức khỏe, tính mạng người dân trên hết.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các kịch bản về diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tới, đồng thời thay đổi các biện pháp phòng chống nhằm sớm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19.

Hai kịch bản ứng phó tại Việt Nam

Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 10,2 triệu ca mắc Covid-19, khoảng 8,7 triệu người đã khỏi bệnh. Trong tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm gần 40%, số ca tử vong giảm hơn 26%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm gần 30%.

Theo Bộ Y tế, từ cuối tháng 12-2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số ca mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành có xu hướng giảm từng ngày. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân một phần do tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phù hợp, hiệu quả và năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên nên đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, WHO mới đây đã đưa ra các kịch bản về diễn biến dịch Covid-19 có thể xảy ra trong thời gian tới. Trước tiên, biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên số ca mắc, số trường hợp diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm. "Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền" - GS Phan Trọng Lân nói.

Với kịch bản thứ hai, các biến chủng mới liên tục xuất hiện vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc-xin, lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng. Theo GS Phan Trọng Lân, với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách đã từng làm như vắc-xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch…

Từ thực tế nêu trên, Việt Nam đã xây dựng 2 kịch bản, gồm khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành và sẵn sàng các biện pháp dự phòng, tránh bị động khi xuất hiện các tình huống, biến chủng mới sẽ kích hoạt động thái ứng phó.


 

 Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, học sinh an tâm trở lại trường. Ảnh: TẤN THẠNH
Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, học sinh an tâm trở lại trường. Ảnh: TẤN THẠNH


Phải tiếp tục cảnh giác, không chủ quan

Trước đó, tại chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 38/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Nhiều chuyên gia dịch tễ đồng tình với đề xuất này và cho rằng đây cũng là xu hướng hiện nay trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết thời gian qua, dù số ca mắc Covid-19 còn cao nhưng số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong đã giảm mạnh, không có tình trạng quá tải hệ thống y tế. Điều này cho thấy dịch đang được kiểm soát tốt. "Hiện nay, dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, cùng với việc mở cửa du lịch, Việt Nam đã nới lỏng các hoạt động để phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", từng bước bảo đảm an sinh xã hội" - PGS Trần Đắc Phu nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân chưa nhiễm vẫn phải dự phòng nguy cơ. Thực tế thời gian qua, có rất nhiều người đã nhiễm rồi vẫn tái nhiễm. Vì thế, người dân không được lơ là, chủ quan mà vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS-CoV-2. Các địa phương vẫn phải sẵn sàng những phương án để ứng phó dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc bất ngờ tăng cao hoặc virus kháng lại vắc-xin.

Theo PGS Trần Đắc Phu, ngay cả việc thực hiện 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế đến nay vẫn cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện tất cả song vẫn nên tuân thủ thực hiện tối đa có thể. "Nhiều người nói với việc nới lỏng các hoạt động như hiện nay tức là chúng ta đã trở về cuộc sống bình thường cũ. Điều này không đúng. Hiện nay, chúng ta chưa xem Covid-19 là bệnh thông thường vì vẫn phải xét nghiệm, phải cách ly khi mắc bệnh… Các hoạt động phòng chống dịch vẫn được khuyến cáo thực hiện nhưng điều đáng mừng là hiểu biết phòng bệnh của người dân đã được nâng lên nhiều, hệ thống y tế đã có kinh nghiệm trong việc phân tầng điều trị hiệu quả. Chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cơ sở đặt vấn đề sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết" - PGS Trần Đắc Phu nhận định.


Covid-19 có thể sớm thành bệnh lưu hành

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết WHO nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, đồng nghĩa với việc tỉ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức ổn định. Với nhận định đó, WHO khuyến khích các quốc gia thực hiện những biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Ngoài ra, WHO cũng đang thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi 4

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức ngừa bệnh, nhất là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin, sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur đang triển khai thu thập dữ liệu đối tượng đã tiêm chủng, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, tỉ lệ nhiễm, tái nhiễm, số ca mắc nặng thuộc địa bàn được phân công quản lý để phân tích và đề xuất việc sử dụng vắc-xin Covid-19 trong thời gian tới.


Theo Ngọc Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.