Vị Thủ tướng hết lòng vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Hai Khải - chính là cái tên trìu mến mà người dân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) dành tặng cho Cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong ký ức của những người dân nơi đây, ông là nguyên lãnh đạo mẫu mực, gần dân, vì dân - tựa như câu đối trong đình Tân Thông khắc họa về cuộc đời ông: “Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ/Yêu quê hương xin cống hiến lúc tuổi già”.

“Mất đi một nhà bảo trợ giàu lòng nhiệt tâm”

Hai ngày qua, lối vào nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không ngớt dòng người đến viếng. Đó là những người hàng xóm, người dân Củ Chi và nhiều người ở xa lặn lội đến thắp nén hương vĩnh biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người mà họ kính trọng. Trong dòng người đó, có những em nhỏ là học sinh của trường Mầm non Tân Thông Hội 2 và trường Tiểu học Tân Thông - hai ngôi trường từng được ông Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng.

 

Anh Nguyễn Thanh Phong (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) - chủ tiệm cắt tóc khoe tấm hình chụp chung cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Anh Nguyễn Thanh Phong (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) - chủ tiệm cắt tóc khoe tấm hình chụp chung cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2 (trước đây là trường Mẫu giáo Bông Sen 2) là trường đầu tiên ở Củ Chi được ông Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng mô hình bán trú. Sau 20 năm, ngôi trường nhỏ bé này trở thành đơn vị Anh hùng lao động. Nước mắt rơi từng hàng dài, bà Nguyễn Thị Bước - nguyên Hiệu trưởng Mẫu giáo Tân Thông Hội 2 - kể: “Ông hay nói với chúng tôi, trong chiến tranh, Củ Chi là đất thép, nhân dân đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân Củ Chi, từ người già đến trẻ nhỏ”.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - nguyên giáo viên trường mẫu giáo Tân Thông Hội 2 - không kìm được nước mắt kể: “Thời điểm đó, bác Khải mỗi lần về thăm quê đều ghé thăm trường. Bằng tình cảm thân thương, gần gũi, bác Khải bế các bé, nhắc nhở chúng tôi dạy các cháu thật ngoan, ăn ngon, ngủ khoẻ để mau lớn, sau này là mầm non tương lai của đất nước. Chúng tôi rất ghi nhớ những khoảnh khắc này” - bà Thảo nhớ lại.

Tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời khiến thầy Lê Văn Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông (xã Tân Thông Hội) - bần thần 2 ngày nay. “Thời gian đầu, nơi đây chỉ có 1 trường đủ đáp ứng cho 300 em học sinh tiểu học ở xã, còn lại số khác phải đi học tận thị trấn. Thấu hiểu được nỗi lo này, chú Hai Khải đã đi vận động tài chính để xây dựng ngôi trường nhằm phục vụ con em bà con nghèo trên địa bàn. Sau 1 năm khởi công xây dựng (từ ngày 2.9.2009), nơi đây đã mọc lên ngôi trường mang tên Trường Tiểu học Tân Thông khang trang theo tiêu chuẩn quốc gia với quy mô 1 trệt, 2 lầu gồm 40 phòng học và khối phụ, tổng kinh phí xây dựng trên 37 tỉ đồng. Điều này đã tạo niềm vui, phấn khởi rất lớn cho những hộ nghèo tại địa phương. Chú Hai Khải mất, không chỉ đất nước thiệt thòi lớn mà ngôi trường này cũng mất đi 1 nhà bảo trợ giàu lòng nhiệt tâm” - đôi mắt đỏ hoe, thầy Hoàng rơm rớm nước mắt chia sẻ với chúng tôi.

Theo thầy Hoàng, thi thoảng từ nhà (cách trường khoảng 1km) nguyên Thủ tướng lại đến thăm trường với áo sơ mi, quần tây khá bình dị. Sau khi rảo bước quanh trường, ông ngồi uống trà với ban giám hiệu để chia sẻ tình hình giảng dạy. “Chú Hai Khải còn giúp nhà trường gây quỹ khuyến học để nâng đỡ những học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - thầy Hoàng nói.

 

Ông Nguyễn Văn Khỏe bật khóc khi kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ảnh phải).
Ông Nguyễn Văn Khỏe bật khóc khi kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ảnh phải).

Vắng người bạn trà Hai Khải

Là bạn học thuở nhỏ cùng nguyên Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Khỏe (Trưởng ban quản lý di tích lịch sử đình Tân Thông, xã Tân Thông huyện Củ Chi) buồn bã nói: “Lần cuối cùng gặp, ông Hai Khải chỉ nói, trong người không được khỏe”. Rưng rưng nước mắt, ông Khỏe kể tiếp: “Thường ngày, ông hay lên đình, đều đặn từ 8h sáng đến 11h cùng ngày. Chúng tôi hay ra đây uống trà và ôn lại chuyện gian khổ ngày xưa, thời giăng câu, xúc cá…. Bữa nào, ông không đi được thì ông đều bảo người nhắn”.

Ông Khỏe còn cho biết, nguyên Thủ tướng về quê đã để lại rất nhiều ấn tượng cho nhân dân. Vào năm 2009, ông đã có công rất lớn trong việc xây sửa ngôi đình Tân Thông khang trang như ngày hôm nay. Ngôi đình không chỉ là nơi thờ cúng, là văn hóa tâm linh mà từng là cơ sở cách mạng của nhân dân Tân Thông ngày xưa. “Ngoài ra, ông Hai Khải còn giúp sửa lại miếu bà của làng để cho nhân dân rằm tháng 8 làm lễ cầu vong; xây cất 1 nhà thờ của dòng họ Phan nhằm giáo dục truyền thống trong dòng họ”- ông Khỏe nói.

Tiếp lời ông Khỏe, ông Nguyễn Văn Dũng (thư ký đình, 58 tuổi) có gần 30 năm trông giữ đình Tân Thông, kể: “Thường ngày, ông Hai Khải lên đình, ngoài chuyện ôn lại chuyện xưa, quê hương thì ông còn thường xuyên hỏi han chuyện trong làng, trong xã. Đám ma ai trong làng, bà con chòm xóm, ông cũng có mặt. Ông là vị lãnh đạo quốc gia gần gũi với bà con, bình dị chan hòa, mọi người ai cũng yêu mến”.

Nhớ lại 6 năm về trước, con gái anh Nguyễn Văn Trung (49 tuổi, làm bảo vệ đình) đỗ đại học. Lo lắng tiền trang trải học tập cho con, anh Trung vô tình chia sẻ câu chuyện này với mọi người, trong đó có nguyên Thủ tướng. “Thương cháu chịu khó, học giỏi, ông Hai Khải đã hỗ trợ, động viên tôi và cháu rất nhiều để con tôi ăn học ra trường, giờ cháu đang công tác trong cơ quan nhà nước tại TPHCM” - anh Trung chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Phong - chủ tiệm cắt tóc nằm trong một căn nhà cấp 4 gần đình Tân Thông - hồi hộp kể lại lần cắt tóc đầu tiên cho ông Phan Văn Khải. Hôm đó là buổi sáng cách đây 4 năm, lúc đó anh còn chưa mở cửa thì nhận được điện thoại nói, có bác Hai Khải tới cắt tóc. Anh Phong rất bất ngờ, đâu nghĩ tiệm cắt tóc nhỏ của mình lại được đón nguyên Thủ tướng tới. “Lúc đó, tôi vừa mừng vừa run. Lúc bác lên, thấy mình run quá, bác nói, con cứ cắt tóc bình thường cho bác như mọi người khác thôi. Sau đó, đều đặn bác Hai Khải hay tới tiệm nhỏ của tôi để cắt tóc mỗi tháng” - chủ tiệm tóc nhớ lại.

Theo anh Phong, trong lúc cắt tóc, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hay hỏi chuyện gia đình, vợ con, công việc. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc anh xin chụp hình chung sau lần thứ 3 ông đến tiệm. “Thấy bác thân thiện, tôi đánh liều hỏi xin chụp hình chung và bác Hai Khải rất thoải mái đồng ý. Tấm hình này tôi đóng khung kính, treo chính diện ở quán và luôn bảo quản cẩn thận” - anh Phong vừa nói vừa chỉ vào tấm hình.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Ngoài đóng góp toàn diện cho sự nghiệp chung trên các lĩnh vực, mỗi vị lãnh đạo có 1 thế mạnh, năng lực riêng. Thế mạnh của ông Phan Văn Khải là tư duy kinh tế tốt, nhiều đóng góp lớn, có thành quả ngay khi ở TPHCM làm Chủ tịch UBND TPHCM và đặc biệt là ở cương vị đứng đầu Chính phủ. Thành tựu đổi mới có nhiều thế hệ lãnh đạo đóng góp công sức, nhưng ông Phan Văn Khải có đóng góp rất quan trọng về mặt đổi mới kinh tế, bởi ông trong suốt quá trình cống hiến chủ yếu làm công tác chính quyền, hành pháp. Phong cách ông rất gần gũi. Cán bộ luôn kính trọng, thương yêu. Ông đóng góp nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đổi mới kinh tế của cả ở TPHCM lẫn Trung ương. Nhớ nhất là khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998 ảnh hưởng lớn tới Việt Nam, nhưng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chèo lái con tàu kinh tế, khắc phục được.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Nguyên đại biểu Quốc hội:

Tôi may mắn có 8 năm cộng tác và làm việc với Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Đặc trưng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là ông luôn duy trì hoạt động của Ban nghiên cứu với các chuyên gia và trí thức hàng đầu của đất nước trong suốt thời gian ông làm việc. Có chủ trương, chính sách gì mới, ông đều đưa qua Ban nghiên cứu, từ đó chấn chỉnh và đưa ra nhiều quyết sách phù hợp. Vậy nên, trong thời kỳ ông làm việc, không có tình trạng quyết sách bị thu hồi, đưa ra rồi bị phản đối. Chính nhờ sự khiêm tốn, luôn lắng nghe những tiếng nói phản biện, cùng sự nhiệt huyết đó của ông nên tôi cho rằng, thời kỳ ông làm Thủ tướng, đất nước chúng ta không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn đi theo hướng bền vững và hợp tác rất tốt với các chuyên gia.

Ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:

Đối với ĐH Quốc gia TPHCM, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như một người cha, người đồng chí, người anh thân thiết. Cố Thủ tướng là người ban hành những văn bản quan trọng, nghị định, quy chế về ĐH Quốc gia TPHCM, đặc biệt, bác là Chủ tịch danh dự của quỹ phát triển ĐH Quốc gia TPHCM và giúp quỹ phát triển rất là tốt trong thời gian vừa qua. Quỹ có tài trợ từ những tấm lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, cá nhân; có tấm lòng với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. “Bác căn dặn ĐH Quốc gia TPHCM phải nỗ lực nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng và xã hội. Chúng tôi rất đau buồn, cán bộ, giáo viên, sinh viên nguyện nỗ lực xây dựng ĐH Quốc gia ngày càng lớn mạnh như lúc sinh thời bác Sáu đã dặn dò”- ông Đạt xúc động nói.

Minh Quân/laodong

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...