Về "thánh địa" sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nằm trên độ cao 2.000-2.200 m so với mực nước biển, nơi bốn mùa mây phủ, là những vườn sâm Ngọc Linh đang sinh sôi dưới những tán rừng nguyên sinh. Không chỉ được “bảo vệ” bởi địa hình cách trở mà những vườn sâm Ngọc Linh còn luôn được canh phòng nghiêm ngặt, cẩn mật bởi nhiều lý do… Sau nhiều lần lỡ hẹn, mới đây tôi đã được đến thăm những vườn sâm này.
Nghiêm ngặt đường lên “thánh địa”
Từ quốc lộ 14 rẽ phải lên tỉnh lộ 672, sau nửa giờ xe lăn bánh là đến con đèo ám ảnh đối với cánh lái xe-đèo Măng Rơi. Có người gọi trại đi là đèo “văng rơi” vì những đoạn cua khúc khuỷu, những con dốc dựng đứng nơi đây. Vượt đỉnh đèo, mở ra trước mắt là cả một thung lũng nằm giữa bốn bề rừng núi-huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), nơi vẫn lưu truyền về cây “thuốc giấu”, sâm đắng hay còn gọi là “củ ngãi” của đồng bào Xê Đăng. Khi xưa là thế, nhưng giờ đây cây “thuốc giấu” đã không còn là bí mật nữa khi đã được cả thế giới biết đến: sâm Ngọc Linh-một trong những loài sâm mà thân, rễ và rễ củ có chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư (trong khi sâm Hàn Quốc chỉ có khoảng 25 hoạt chất saponin).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. (Ảnh nguồn internet)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. (Ảnh nguồn internet)
Từ xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi theo con đường vừa mới được đổ bê tông ngược lên đỉnh núi. Từ chốt thứ nhất đã được khóa cẩn thận, “lính” của ông Trần Hoàn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum-cho biết, chỉ khi có lệnh của một trong 3 người thì mới mở được cửa, đó là ông Trần Hảo (em ruột ông Trần Hoàn) và ông Hồng, ông A Sỹ (những người trực tiếp chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển vườn sâm). Sau khi có lệnh, người trên vườn sâm mới chạy xe xuống mở cổng chứ người gác chốt không bao giờ có chìa khóa. Muốn lên vườn sâm phải qua 5 chốt như vậy.
Len giữa những triền núi mờ mây phủ, cuối cùng chúng tôi cũng đến “đại bản doanh” đầu tiên là vườn sâm số 1 của Công ty. Nơi đây có độ cao 2.000 m so với mực nước biển. Phía trên những triền núi là vườn sâm Ngọc Linh đang sinh trưởng mạnh mẽ.
Chăm sâm trên độ cao hơn 2.000 m
Hiện nay, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum của ông Trần Hoàn đang sở hữu trên 500 ha cả diện tích sâm giống và sâm kinh doanh-diện tích lớn nhất cả nước-nên nơi đây được ví là “thánh địa” của sâm Ngọc Linh.
“Khu vực này ngày trước là nơi sinh trưởng của sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên, thế nên việc trồng sâm ở đây hoàn toàn không có một tác động kỹ thuật nào ngoài việc làm luống, tạo mùn, bởi cây sâm Ngọc Linh sống chủ yếu nhờ thảm lá cây mục trong những cánh rừng già trên độ cao này. Vì vậy, những nơi độ mùn thấp, công nhân phải đi bộ gùi về những thảm lá mục về bón cho cây”-anh A Sỹ, người trực tiếp chăm sóc vườn sâm cho hay. Nghe qua thì đơn giản thế nhưng tất cả đều phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt, bởi thân nước của sâm Ngọc Linh luôn “đỏng đảnh” trước sự thay đổi. Nếu chăm sóc không cẩn thận, những đám sâm cứ thế lụi dần đi rồi chết.
Là người tham gia trồng, quản lý, chăm sóc “thánh địa” sâm Ngọc Linh từ những ngày đầu tiên, anh A Sỹ là người biết rất rõ những khó khăn sau không biết bao nhiêu ngày đêm lăn lóc, ăn ngủ ngay bên những luống sâm. “Công ty mới làm được đường thì đỡ vất vả, chứ lúc trước lên vườn sâm phải đi bộ 3-4 tiếng đồng hồ. Việc chăm sóc vườn sâm khó khăn lắm, nói ra không hết đâu. Mình phải chăm sóc, quản lý cho tốt, đừng để nó ốm đau, đừng để chim, chuột nó ăn, nó phá”.
Theo lời anh A Sỹ, ngoài một số loài chim “nghiền” hạt sâm Ngọc Linh khi chín thì có 1 loài chuột cực kỳ tinh khôn. Loài chuột này có màu hung đỏ, thân thuôn, dài, thường lấy lá sâm làm tổ và xem củ sâm Ngọc Linh là món khoái khẩu. Chỉ cần vài đêm không để ý, cả vạt những thân cây sâm ngã rạp in đầy dấu răng của loài gậm nhấm. “Cuộc chiến” giữa công nhân chăm sóc, bảo vệ với loài chuột tinh khôn này hàng ngày vẫn diễn ra. Bởi ở cái lạnh này, không có loài mèo nào có thể sinh sống mà săn chuột trên diện tích rộng hàng trăm héc ta như vậy. 
Nặng lòng với sâm Ngọc Linh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Không chỉ gây dựng nên một “thánh địa” sâm Ngọc Linh có diện tích lớn nhất cả nước được đầu tư bài bản, ông Trần Hoàn-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum-còn góp phần lưu giữ nguồn gen gốc quý giá của sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên. Mỗi năm, ông hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho người dân từ việc cung cấp giống sâm Ngọc Linh miễn phí. Và đây chính là cơ hội để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Trò chuyện với ông Trần Hoàn mới thấy, nỗi lo lớn nhất của ông chủ “thánh địa” này là sợ cây sâm Ngọc Linh bị lai tạp giống. Ít ai biết rằng, 20 năm trước, ông Trần Hoàn đã cầm trên tay những củ sâm Ngọc Linh tự nhiên cả trăm năm tuổi. “Năm 1997, mình đã bắt đầu thu gom của bà con các xã quanh chân núi Ngọc Linh để đem đi gây giống từ những đầu mầm. Chỉ 2 năm đầu mầm đã cho hoa, hạt. Cứ như thế, mình cũng đã có cả một vườn sâm gốc giữ nguyên bản nguồn gen quý cũng như hoàn thiện quy trình gieo ươm, chăm sóc sâm Ngọc Linh”-ông thổ lộ. Cứ thế, những vườn sâm hình thành dưới sự âm thầm chăm chút, bảo vệ đến gần như bí mật của ông chủ vườn sâm với sự giúp sức của những người dân địa phương và nhân viên Công ty. Tháng 5-2011, sự kiện Công ty cùng UBND tỉnh Kon Tum lần đầu tiên công bố kết quả sau hơn 13 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển vườn sâm gốc với 140 ha đã khiến nhiều người kinh ngạc.
 
Từ “thánh địa” sâm Ngọc Linh này, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tạo  việc làm cho hơn 400 hộ dân tại 20 thôn của 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) bằng hình thức liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ phát triển rừng.

Dẫn chúng tôi qua những luống bậc thang len lỏi qua vườn sâm được trồng hoàn toàn tự nhiên dưới lớp thảm mùn của lá cây, chính ông chủ của “thánh địa sâm” cũng lúng túng vì diện tích quá lớn. Ông cũng rất kiệm lời khi nói về giá trị thực tế quy ra tiền của những vườn sâm gốc này. Thế nhưng, chỉ cần tính hàng triệu cây con vừa mới được ươm thành công đến vườn sâm Ngọc Linh trên 400 ha bắt đầu cho thu hoạch, với giá trị trường hiện nay (loại tốt 100-120 triệu đồng/kg) thì doanh thu cả ngàn tỷ đồng là chuyện bình thường.
Tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.  Mới đây tại hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví đây là quốc bảo, trở thành quốc kế dân sinh. Trong năm nay, Công ty dự kiến sẽ ra mắt chuỗi sản phẩm từ sâm mang thương hiệu “K5 sâm Ngọc Linh Kon Tum”, như: trà lá sâm, dịch chiết sâm, rượu sâm ngọc Linh và củ sâm Ngọc Linh tươi ngâm rượu.
Để bắt kịp thời đại cũng như xu hướng mới, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng mạnh dạn đầu tư, phát triển dược liệu với mô hình hợp tác với các tổ chức, cá nhân có quan tâm về sâm Ngọc Linh. Theo đó, Công ty sẽ bán cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi cho người đầu tư trồng trên đất dự án của Công ty. Người đầu tư có thể theo dõi quá trình chăm sóc và phát triển của cây sâm Ngọc Linh qua camera. Hàng tháng, nhà đầu tư được lên thăm, kiểm tra tại vườn sâm và trực tiếp lên thu hoạch tại vườn. Điều đó mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư lý tưởng trong và ngoài nước.
Gần đây nhất, sáng 16-9-2018, Công ty đã cấp 46.500 cây giống sâm Ngọc Linh trị giá khoảng 20 tỷ đồng cho người dân ở 7 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đak Glei . Được biết, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Công ty cấp miễn phí mỗi năm khoảng 50.000 cây sâm giống cho người dân để sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế của người dân dưới chân núi Ngọc Linh này.
Khánh Toàn

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.