Về nơi khởi nguồn ánh sáng điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm ẩn mình dưới con dốc sâu ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai), Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn là công trình mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. Nhà máy được xây dựng cách đây 70 năm và được xem là nơi khởi nguồn ánh sáng điện trên vùng đất Gia Lai.
Sau Nhà máy Thủy điện Ankroet (còn có tên gọi là Suối Vàng) ở tỉnh Lâm Đồng hoàn thành năm 1946, Thủy điện Bàu Cạn được người Pháp xây dựng năm 1949, đưa vào sử dụng năm 1950.
Trường tồn cùng thời gian
Ông Nguyễn Ngọc Minh-Trưởng phòng Hành chính Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn-cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn vẫn là nguồn cung cấp điện chính phục vụ hoạt động sản xuất chế biến của nhà máy chè, tưới cho gần 1.000 ha chè và cả điện sinh hoạt của đơn vị. Không những thế, từ năm 2006, nguồn năng lượng này còn được phát lên điện lưới quốc gia với sản lượng điện hàng năm vào khoảng 1 triệu KVA, thu về thêm cho công ty 600-700 triệu đồng. “Đây là công trình được chúng tôi tiếp quản sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, khi những cai người Pháp-chủ Đồn điền chè Bàu Cạn-bỏ về nước. Thừa hưởng những tiến bộ khoa học, chúng tôi đã phát huy giá trị của nó trên vùng đất Tây Nguyên”-ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, mặc dù vẫn hoạt động ổn định nhưng theo thời gian, các hồ chứa cung cấp nước cho nhà máy thủy điện này đã dần bị bồi lấp. Do vậy, gần 10 năm trở lại đây, thường từ tháng 1 đến tháng 5, nhà máy phải ngừng hoạt động vì thiếu nước. Trước đây, khu vực nhà máy toàn rừng rậm, những hồ chứa nước sâu hơn 4 m không bao giờ cạn. Tuy nhiên, hiện tại, những hồ chứa đã trơ đáy, hệ thống mương dẫn nước về nhà máy cũng không còn chảy và thủy điện phải dừng hoạt động hơn 3 tháng qua. Ông Minh cho biết, hiện có 6 nhân viên của Công ty chia ra làm 3 ca trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn cho nhà máy hoạt động và vận hành phát điện. “Tuy đôi lần gặp sự cố nhưng 70 năm qua, nhà máy hoạt động tương đối ổn định. Ngoài một đoạn đường ống ngắn bị hoen rỉ đã được hàn vá thì công trình này hầu như còn nguyên vẹn so với thời kỳ sơ khai”-ông Minh tự hào nói.
 Sau 70 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn vẫn mang đến nguồn điện sáng phục vụ người dân.   Ảnh: M.N
Sau 70 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn vẫn mang đến nguồn điện sáng phục vụ người dân. Ảnh: M.N
Nhớ lại sự cố ông Minh vừa nói, ông Lê Hùng-nguyên Đội trưởng Đội cơ khí Nông trường Chè Bàu Cạn-kể: Ông bắt đầu vào làm việc tại đây năm 1976. Khi đó, nhà máy hoạt động rất ổn định. Đến năm 1980, thiết bị của nhà máy gặp sự cố lớn, phải gửi ra Hà Nội sửa chữa mất hơn 6 tháng mới hoạt động trở lại. Đây là công trình sử dụng 100% thiết bị của Pháp nên không có thiết bị thay thế, phải độ chế để sửa chữa. “Tai nạn” này bắt nguồn từ việc bộ điều tốc của tổ máy bị trục trặc, không điều chỉnh được tốc độ quay của tua bin làm văng bánh đà ra ngoài khiến 1 công nhân ngồi trực ở đây tử vong. Sau sự cố, bộ điều tốc không vận hành tự động được nữa mà phải vận hành bằng tay. Điện lực Gia Lai sau đó hỗ trợ đơn vị chế tạo lại bộ điều tốc bằng cơ thủy lực và vận hành theo cơ chế bán tự động.
Tuy chỉ có công suất 0,172 MW nhưng nguồn điện quan trọng này đã thay thế cho các tổ phát điện chạy bằng dầu diezen, cung cấp điện cho việc bơm tưới và chế biến trà; kế đến là phục vụ ánh sáng sinh hoạt cho khoảng 300 công nhân và dân cư sống xung quanh đồn điền chè. Nhằm khai thác hết công suất, đầu năm 1951, nguồn điện này được kéo từ Bàu Cạn về cung cấp cho thị xã Pleiku. Mãi đến năm 1961, do đường dây thường xuyên bị hư hỏng, gặp sự cố rất khó sửa chữa, cộng thêm việc nhà máy đèn đã được tăng cường máy phát điện diezen trong khu vực trung tâm thị xã nên giữa ông chủ sở trà Bàu Cạn và cơ quan Trùng tu điện lực Pleiku (thuộc Tu Công chánh) mới chấm dứt hợp đồng mua bán điện.
Cần bảo tồn, gìn giữ
Theo tìm hiểu của ông Hùng, việc thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn được điều hành bởi kỹ sư điện người Pháp tên là De Mabe. Đa số thợ mộc, thợ nề được tuyển từ Đà Nẵng và một số ít là người Bình Định; còn lao động đơn giản, người Pháp thuê đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar tại chỗ. Vào năm 1950, Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn có chiều cao cột nước 37 m, tua bin trục ngang công suất 250 cv, quay 1.000 vòng/phút đi vào hoạt động ổn định. Tổ máy hoạt động hoàn toàn tự động nhờ có bộ điều tốc và bộ điều chỉnh điện áp tự động để luôn bảo đảm chất lượng điện năng đạt 50 Hz, 230 v/400 v với công suất định mức 172 kw. Toàn bộ nhà máy lúc đó chỉ cần 1 công nhân vận hành. Sau sự cố hư bộ điều tốc, nông trường mới điều thêm người vận hành. Tùy thời điểm, có lúc 6 người trực máy nhưng cũng có lúc lên đến 12 người tham gia bảo vệ và vận hành phát điện.  
Trên bức tường của nhà máy còn lưu dấu thời gian năm 1950 khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: M.N
Trên bức tường của nhà máy còn lưu dấu thời gian năm 1950 khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: M.N
Ông Hùng cho hay, trước đây, để phục vụ dây chuyền chế biến trà, ông chủ Pháp đã sắm máy phát điện nhỏ chạy bằng dầu diezen. Tuy nhiên, do nhận thấy suối Ia Púch (nằm cách đồn điền chỉ vài trăm mét) có nguồn nước dồi dào nên người chủ Pháp lúc bấy giờ là Choisnel mới nghĩ đến việc khảo sát địa chất, thủy văn để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn trên dòng suối này. Công suất điện dùng để chế biến chè vào mùa mưa chỉ ở mức 70 kw, vì thế mỗi gia đình công nhân khi ấy được dùng 2 bóng 6 tấc (20 W/bóng), riêng nhà của các ông Cai và Xếp thì được thêm ổ cắm điện để lấy điện dùng quạt máy, bàn ủi…, nhưng chỉ được mở từ lúc 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Riêng điện dùng cho khu vực biệt thự của các ông chủ người Pháp thì được cấp liên tục 24/24 giờ. 
Ông Nguyễn Quang Hiền-nguyên Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai, người đã dày công nghiên cứu về công trình Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn-trăn trở: Nhắc đến những cái xưa cũ của ngành Điện tại Gia Lai thì phải nói đến Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn. Hiếm có một tổ máy nào sau 70 năm vẫn còn hoạt động tốt. Do vậy, nếu không được quan tâm đúng mức, để nhà máy này ngừng hoạt động thì rất đáng tiếc. “Suối Vàng cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam nhưng nay đã thay thế toàn bộ thiết bị mới. Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn hiện còn nguyên đường ống dẫn nước, trạm biến áp, tua bin vẫn hoạt động. Về tổng thể vẫn còn “nguyên rin”, xứng đáng được đăng ký cấp kỷ lục Guinness”-ông Hiền nêu quan điểm.
Kênh dẫn nước nhiều tháng nay đã không còn chảy khi hồ chứa áp lực phía trên để dẫn nước vào đường ống đã trơ đáy. Ảnh: M.N
Kênh dẫn nước nhiều tháng nay đã không còn chảy khi hồ chứa áp lực phía trên để dẫn nước vào đường ống đã trơ đáy. Ảnh: M.N
Bởi vậy, theo ông Hiền, việc vinh danh cho công trình này cần được làm ngay. Bởi lẽ, đến thời điểm nào đó, tổ máy không còn hoạt động nữa thì sẽ làm giảm giá trị của một công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử của ngành Điện, biểu tượng cho sự khởi thủy dòng điện năng, đánh dấu thời đại công nghệ tiên tiến của thế giới du nhập vào Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung. Công trình “một thời để nhớ” này cần được bảo tồn, gìn giữ như một hiện vật quý giá để thế hệ mai sau nghiên cứu, khám phá và chiêm ngưỡng. “Đặc biệt, ngoài công năng phát điện và ý nghĩa về mặt lịch sử cũng nên xem xét đến việc đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây. Có thể mở đường, giới thiệu quảng bá cho du khách gần xa về một địa điểm tham quan “có một không hai” này”-ông Hiền đề xuất.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.