Về Kbang khó bỏ qua homestay của A Ngưi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi gặp anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) lần đầu vào cuối năm 2018. Khi ấy, A Ngưi đã bộc bạch về mong muốn làm du lịch ngay tại nơi anh sinh ra và lớn lên. Vài tháng sau, anh gửi cho tôi một tấm thiệp mời khai trương homestay ở làng Kgiang.

Một homestay đúng chất Bahnar

Cho đến khi nhìn thấy tấm thiệp mời khai trương homestay, tôi mới thật sự tin vào quyết tâm làm du lịch của anh A Ngưi. Sắp xếp công việc, tôi về làng Kgiang một chuyến để được tận mắt nhìn thấy “công trình lớn” đánh dấu một bước đi quan trọng trên con đường theo đuổi đam mê của chàng trai Bahnar giàu nhiệt huyết.

Anh A Ngưi trước homestay của mình. Ảnh: P.L
Anh A Ngưi trước homestay của mình. Ảnh: P.L



Không quá khó để tìm nhà anh A Ngưi như trước, vì ngay từ xa đã thấy cánh cổng tre, bên trên đặt một tấm bảng gỗ ghi “Không gian văn hóa Bahnar” với “chú thích” nhỏ: “cơm lam”, “gà nướng”, “cồng chiêng”, “rượu cần”, thêm tên và số điện thoại của chủ nhân. Bên cạnh ngôi nhà xây của gia đình, anh A Ngưi đã dựng một ngôi nhà sàn, phần mái lợp ngói, vách thưng liếp tre. Đây là nơi anh đón tiếp các đoàn khách, tổ chức giao lưu văn nghệ, hát kể hơmon, trình diễn nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng... Trước khoảng sân rộng rãi, anh dựng một cây nêu khá lớn. Đi sâu ra phía sau lại thấy một ngôi nhà sàn khác, rộng hơn, làm hoàn toàn bằng gỗ, là nơi ngủ nghỉ của du khách. Trong nhà, tấm đệm, gối, chăn mới tinh tươm được anh sắp xếp ngay ngắn. Ngôi nhà sàn có một bên cửa trông ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn, một bên nhìn dọc ra khu đất có con suối nhỏ vắt ngang. “Bên ấy sau này mình sẽ trồng rau dớn, rau rừng, lá é để làm dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách”-anh A Ngưi dự định.

Toàn bộ homestay của anh A Ngưi nằm trên diện tích khoảng 1 ha, mang đậm dấu ấn văn hóa Bahnar. Anh đã sưu tập cho mình một bộ cồng chiêng, một vài chiếc đàn trưng, những bộ quần áo thổ cẩm với nhiều hoa văn Bahnar rất tinh tế do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt thành. Những điểm nhấn ấy hứa hẹn sẽ hấp dẫn, níu chân du khách gần xa đến với ngôi nhà nằm giữa thiên nhiên này.

Ngay trong ngày khai trương, homestay của anh A Ngưi đã đón tiếp 40 vị khách đến ở qua đêm, trong đó có cả du khách nước ngoài. Ai cũng hào hứng khi được trải nghiệm việc lưu trú tại đây, được hòa vào vòng xoang, tiếng cồng chiêng, chếnh choáng trong men rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống, đêm nằm trong nhà sàn nghe vọng về âm thanh làng quê, ruộng rẫy. Một số du khách nữ rất thích thú khi thử mặc trang phục truyền thống của người Bahnar, cánh đàn ông thì ngắm nghía, tìm tòi kiến trúc nhà sàn, cây nêu, cấu tạo của cây đàn trưng và thích thú gõ thử lên từng chiếc chiêng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho không gian rộn ràng, nhộn nhịp như ngày hội. Anh Nacho-du khách đến từ Tây Ban Nha-cho biết, anh “phượt” xe máy cùng bạn bè và được kết nối đến nghỉ tại homestay của A Ngưi. Rất thích thú khi được trực tiếp xem cách chế biến từng món ăn, trải nghiệm văn hóa của người Bahnar, anh Nacho bày tỏ: “Tôi rất thích cách anh A Ngưi làm du lịch. Homestay này thu hút bởi sự hiếu khách, văn hóa độc đáo và các món ăn rất ngon”.

Làm giàu từ di sản

“Mình rất tâm đắc câu nói: Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Vì vậy, mình mong muốn cả cộng đồng làng Kgiang chung tay làm du lịch để nâng cao thu nhập, đồng thời bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống”-anh A Ngưi chia sẻ. Với vai trò Tổ trưởng Tổ quản lý di tích-du lịch (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang), dễ hiểu vì sao anh A Ngưi có tư duy làm du lịch tốt đến vậy. Và giờ đây, điều đó đã thành hiện thực khi đến nay đã có hơn 30 người trong làng từ già đến trẻ đều đồng tình làm theo anh. Những người trẻ năng động được anh A Ngưi phân công dẫn khách theo các tour khám phá; người lớn tuổi và phụ nữ phụ trách ẩm thực, chuẩn bị phần giao lưu văn hóa vào các buổi tối cho du khách nghỉ lại. Nghệ nhân Đinh Chram trong làng cũng sẵn sàng đến hát kể hơmon cho du khách nghe với tất cả niềm hào hứng.

Du khách tham quan tại homestay của anh A Ngưi. Ảnh: P.L
Du khách tham quan tại homestay của anh A Ngưi. Ảnh: P.L



Homestay là kết quả của cả quá trình trăn trở sau khi anh A Ngưi nhận dẫn hàng trăm đoàn khách đi tham quan, khám phá các địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn huyện Kbang như thác 50, thác Kon Bông, Kon Lok... “Nhận thấy du lịch cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người yêu thích, mình mạnh dạn đầu tư homestay và tổ chức các hoạt động đi kèm trên chất liệu di sản văn hóa của dân tộc. Chỉ khi phát huy được nét đặc sắc văn hóa dân tộc thì mới có thể làm du lịch cộng đồng bền vững”-anh A Ngưi tâm sự. Nhờ tâm huyết, sáng tạo mà mỗi tour do anh thiết kế đều nhận được sự ủng hộ rất lớn của du khách. Tiếng lành đồn xa, trung bình anh đón 3-5 đoàn khách (số lượng 10-100 người/đoàn) mỗi tuần. A Ngưi tâm sự: “Điều mình vui nhất chính là nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con dân làng. Ai cũng vui và tự hào khi được cùng với mình giới thiệu đến du khách khắp nơi những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đấy là điều đáng mừng và cũng là động lực để mình cố gắng tổ chức nhiều hoạt động hay hơn nữa”.

Sắp tới, anh A Ngưi cũng sẽ tập hợp các bạn sinh viên đang chờ việc hoặc chưa có việc, đam mê du lịch cùng thực hiện ý tưởng xây dựng ngôi làng nơi anh sinh ra và lớn lên thành làng du lịch cộng đồng. Mặc dù đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, song với sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết, hy vọng chàng trai Bahnar ấy sẽ góp sức để quê hương ngày một khởi sắc.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.