Ayun Pa quyết tâm về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 4 xã của thị xã Ayun Pa (Gia Lai) thì Ia Rtô và Ia Rbol đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thị xã đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giúp 2 xã còn lại về đích NTM trong năm 2019.
2 xã chưa đạt chuẩn NTM của thị xã Ayun Pa là Chư Băh và Ia Sao. Trong đó, xã Chư Băh còn 3/19 tiêu chí chưa đạt, xã Ia Sao còn 7 tiêu chí chưa đạt. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 xã trên đều cam kết quyết tâm đạt chuẩn NTM trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: Mới đây, Thị ủy, UBND thị xã đã ra quyết định điều động, luân chuyển cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Ia Sao nhằm tạo bước đột phá trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của địa phương, trong đó có mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2019. Cùng với đó, thị xã huy động nguồn lực ưu tiên giúp cả 2 xã hoàn thành các tiêu chí còn lại. Trong đó, Ban Thường vụ Thị ủy phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng, đến ngày 24 hàng tháng nộp về Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã nhằm gây quỹ hỗ trợ xóa 19 căn nhà tạm cho hộ nghèo xã Chư Băh trong năm 2019. “Sau khi hoàn thành ở xã Chư Băh, thị xã sẽ làm tiếp ở xã Ia Sao và các xã khác nếu còn nhà tạm dột nát. Cùng với đó, thị xã cũng vận động sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân để xóa nhà tạm cho hộ nghèo”-ông Lộc cho hay.
 Người dân xã Ia Sao tu bổ kênh mương nội đồng. Ảnh: Đ.P
Người dân xã Ia Sao tu bổ kênh mương nội đồng. Ảnh: Đ.P
Về phía xã Chư Băh, ông Rcom Tam-Chủ tịch UBND xã-cho biết, 3 tiêu chí địa phương chưa đạt gồm: trường học, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong số này, tiêu chí trường học sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2019 vì UBND thị xã đã bố trí vốn ngân sách hơn 4,28 tỷ đồng để xây dựng bổ sung các hạng mục phòng học, nhà làm việc, nhà thi đấu đa năng và sân bê tông để đạt chuẩn. Xã còn 3 cán bộ chưa đạt chuẩn do thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng ngắn hạn, trong quý II-2019 sẽ hoàn thành. Vừa qua, xã cũng đã thành lập các câu lạc bộ Phụ nữ phòng-chống bạo lực gia đình để hoàn thành tiêu chí thành phần này. 
Theo Chủ tịch UBND xã Chư Băh, khó nhất là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Hiện xã mới có 239/948 hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh (chỉ đạt 25,2%, trong khi yêu cầu phải đạt 70% trở lên). Để sớm hoàn thành tiêu chí này, vừa qua, xã đã cùng với các thôn rà soát, lên danh sách các hộ dân có các công trình phụ chưa đạt chuẩn để nắm bắt nhu cầu, vận động thực hiện. “Người dân vừa kết thúc vụ thu hoạch mì, nhiều nhà có tiền nhưng không biết phải xây dựng nhà tiêu, nhà tắm như thế nào để đạt chuẩn nên xã thành lập các tổ công tác xuống hướng dẫn cho họ. Cùng với đó, xã làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ mỗi hộ vay 20 triệu đồng xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành tiêu chí này”-Chủ tịch UBND xã Chư Băh cho hay.
Bà Nay HBíp (buôn Chư Băh, xã Chư Băh) bày tỏ: “Lúc trước, nghe thợ xây nói làm nhà tắm, nhà vệ sinh tốn 20-30 triệu đồng nên gia đình phân vân lắm. Vừa rồi, được cán bộ xã xuống hướng dẫn cách làm, mình thuê thợ hồ về làm trả công mỗi ngày 200.000 đồng, sau 1 tuần thì xong cả nhà tiêu, nhà tắm và mua bồn chứa nước Inox hết tổng cộng 10 triệu đồng”.  
Về phát triển kinh tế, thị xã đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị và phát triển bền vững với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng phường, xã; đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích mở mang ngành nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, từng bước đưa bộ mặt nông thôn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ông Lê Minh Trí-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho biết: Thị xã vừa cấp 58 con dê sinh sản cho 27 hộ nghèo xã Chư Băh để phát triển chăn nuôi, hướng đến thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, thị xã hướng dẫn nông dân ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm mía với Nhà máy Đường Ayun Pa nhằm giữ diện tích mía có năng suất cao, thu nhập ổn định; đồng thời, hướng đến xây dựng các tổ sản xuất cây ăn quả như xoài, na dai, cam; thay đổi cơ cấu giống lúa, mì… nhằm giúp người dân có thu nhập cao hơn.
Cùng với đó, thị xã đặt quyết tâm mỗi xã, phường có 1 làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, buôn Sar và buôn Rưng Ma Rai (xã Ia Rbol) đã đạt chuẩn NTM. Việc xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với lộ trình xây dựng xã NTM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số. Về điều này, bà Rcom HBiơi-Bí thư chi bộ buôn Sar-chia sẻ: “Sau khi được quy hoạch theo chương trình xây dựng NTM, làng đã khang trang hơn, nhà sàn được sắp xếp quy củ, trông đẹp mắt. Bà con ai cũng phấn khởi, đoàn kết, tập trung sản xuất, chăn nuôi để có cuộc sống ấm no, đầy đủ”.
Dù còn nhiều việc phải làm nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thị xã Ayun Pa chắc chắn sẽ về đích NTM trong năm 2019, hướng đến mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. 
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.