Vào mặt trận chống dịch Kỳ 1: Nữ dân quân vào 'trận chiến' Trúc Bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 3 thanh niên chưa năm nào dừng hầu hết hoạt động chào mừng, tụ họp đông người như năm nay. Thay vào đó những người trẻ là các anh bộ đội, chị dân quân, các bạn đoàn viên thanh niên xung phong vào mặt trận dập dịch COVID-19.
Nữ dân quân Trần Hà Ly xung phong vào “trận chiến” Trúc Bạch giúp đỡ bà con - Ảnh: NAM TRẦN
Nữ dân quân Trần Hà Ly xung phong vào “trận chiến” Trúc Bạch giúp đỡ bà con - Ảnh: NAM TRẦN
Đêm 6-3 xác nhận có ca nhiễm thứ 17, một đoạn phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) là khu vực đầu tiên ở thủ đô nhận lệnh phong tỏa. Nhà nằm ngay cạnh con phố này, nữ dân quân Trần Hà Ly (28 tuổi) thao thức không chợp mắt nổi.
Lúc đầu mình cứ nghĩ chắc chỉ cách ly lúc ấy thôi, đến khi một người bạn túc trực đêm đó gọi điện báo về phải cách ly nhiều ngày lắm, ăn uống tại đây luôn. Giây phút ấy, mình quyết định xung phong vào vùng dịch hỗ trợ anh em.
TRẦN HÀ LY
Hễ dân cần là có mặt
Dịch bùng phát ngay chính nơi mình sinh sống, nữ dân quân có gương mặt xinh đẹp bộc bạch lúc đó cô chỉ suy nghĩ đơn giản là bản thân sinh ra và lớn lên ở địa bàn này, bà con đang cần mình nên chẳng nề hà khó khăn.
Nhận nhiệm vụ tại khu vực cách ly, đều đặn mỗi ngày từ 9h sáng, Ly cùng năm anh em dân quân trong tổ công tác đẩy chiếc xe chở đầy thức ăn, nhu yếu phẩm cần thiết gõ cửa từng nhà dân ở khu phố Trúc Bạch. Trên tay Ly cầm thêm cuốn sổ ghi chép ghi rõ suất ăn và chữ ký xác nhận của bà con.
Chiều bắt đầu từ 16h, anh em trong đội dân quân đều kịp thời giao tận tay từng suất cơm để bà con ăn cho đúng bữa. Thời gian còn lại, đội dân quân hỗ trợ trực chốt, tuyên truyền về cách phòng chống dịch COVID-19 và đặc biệt động viên tinh thần bà con ráng giữ sức khỏe thật tốt để sớm hoàn thành thời hạn cách ly tập trung.
Là nữ dân quân duy nhất xung phong vào khu vực phong tỏa, Ly cười hiền nói có lẽ là nữ nên... được ưu ái hơn một chút, được bà con và anh em đồng đội tạo điều kiện hết sức, bố trí nơi nghỉ riêng.
"Mình cũng vác được, cũng bê được đấy. Sức ít thì mình xách ít, miễn là làm việc gì dân cần - cô cười hiền lành - Nhưng đôi khi các anh nghĩ cho mình lắm nên bảo: "Để đấy anh làm cho". Trong lúc khó khăn, căng mình chống dịch như thế này, chỉ cần câu nói động viên thôi cũng thấy ấm lòng".
Ở khu phố Trúc Bạch có gần 70 hộ dân thực hiện lệnh cách ly tập trung, nhìn bà con sống trong "tâm dịch Hà Nội", Ly càng thấy thương và đồng cảm với họ nhiều hơn. Dù anh em có phải trực qua đêm đến tận sáng nhưng hễ người dân cần hỗ trợ gì là đội dân quân có mặt ngay lập tức.
Cô bộc bạch vào những đêm đầu tiên nhìn các anh chị trong ca trực không được ngủ, phải liên tục túc trực và báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Ly càng thấy thương và lấy đó là động lực để đảm đương nhiệm vụ, tình nguyện làm thêm những việc không tên khác, miễn là hỗ trợ được đồng đội, giúp đỡ được bà con đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống dịch
"Xung phong vào đây chị có lo sợ không?". Ly quả quyết: "Chưa bao giờ tôi lo sợ cả. Thực sự tôi đã tìm hiểu kỹ về dịch bệnh, biết cách phòng tránh cho bản thân mình. Cứ mười người hỏi tôi có sợ không, tôi đều trả lời là không thấy sợ gì cả".
Nữ dân quân xinh đẹp chia sẻ không thấy sợ là bởi hầu hết người dân thủ đô trong khu cách ly đều được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng chống dịch COVID-19. Bản thân cô cũng tự trang bị kiến thức phòng tránh, do đó hai bên dân - quân có sự tương tác rất cao, không còn rào cản nào nữa mà cùng chung tay chống lại dịch bệnh.
Tại khu cách ly, nữ dân quân trẻ tuổi còn bật mí "bí kíp" tăng sức đề kháng tại chỗ như: cố gắng có cơm là ăn đúng bữa, có thời gian sẽ chợp mắt một chút xíu để lấy lại sức khỏe. Đặc biệt làm nhiệm vụ liên tục không có thời gian tập thể dục, Ly lựa chọn đi bộ mấy vòng liền quanh khu vực cách ly cũng là một cách giúp cô rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho bản thân.
Vừa đưa cơm xong mồ hôi nhễ nhại, cô xin phép được kéo chiếc khẩu trang đang đeo xuống một lúc. Liên tục làm việc với cường độ cao, dù là con gái nhưng Ly thừa nhận chẳng có thời gian để... tô son nữa. Cô dí dỏm: "Cũng may đeo khẩu trang, son có hết cũng không sao".
Trước khi xung phong vào đội dân quân phòng chống dịch, Ly khá "đa-zi-năng" vừa làm tổ chức sự kiện vừa làm công tác giáo dục mầm non. Cô còn năng nổ tham gia công tác Đoàn, Hội và từng đảm nhiệm vai trò là bí thư Đoàn phường nơi mình sinh sống. Dịch bùng phát, gác lại công việc thường nhật, Ly toàn tâm toàn ý xung phong vào đội dân quân.
Nhưng những ngày đầu tiên, khó nhất là làm sao thuyết phục được bố mẹ ủng hộ vào mặt trận này. Ly thừa nhận mới đầu mẹ là người lo lắng nhất, bố nửa muốn cho đi nửa muốn không cũng bởi tình hình dịch bệnh quá căng thẳng. Vừa vận động tư tưởng cho "các cụ", cô làm luôn công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại gia, tự mình cách ly với gia đình khi đảm nhiệm nhiệm vụ trực chiến tại khu vực Trúc Bạch.
"Bố mẹ dần ủng hộ, nay không còn gọi điện cho mình nhiều mà toàn gọi điện cho các anh chị đồng đội hỏi han tình hình. Bố mẹ hỏi xem đội mình ăn ngủ thế nào, có cần gì không để bố mẹ mang vào và lo lắng về nơi ăn chốn nghỉ của những anh em làm nhiệm vụ xa nhà. Thực sự cảm động lắm vì bố mẹ đã đồng lòng với mình" - cô gái Hà thành bộc bạch.
Hiện tại đội dân quân của Ly gồm 10 thành viên, hầu hết là người trẻ xung phong hỗ trợ ở "trận chiến" Trúc Bạch. Anh em thay phiên nhau trực ca, sẵn sàng giúp dân khi dân cần. Riêng nữ dân quân Trần Hà Ly được ưu tiên đảm nhiệm trực ca ngày chừng 8 giờ/ngày, những lúc cần tăng cường sẽ lên đến 12 giờ/ngày.
"Nghe đến vùng dịch ai cũng lo sợ lây nhiễm nhưng Ly rất dũng cảm ở lại với chúng tôi, động viên và giúp chúng tôi yên tâm hơn" - một người dân tại khu vực cách ly xúc động chia sẻ.
Với Ly, mỗi ngày ở Trúc Bạch là một kỷ niệm. Cô cho biết sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến đến ngày khu phố Trúc Bạch hết thời hạn phong tỏa tập trung. "Một khi mình đi rồi thì sẽ đi đến tận cùng" - nữ dân quân Trần Hà Ly quả quyết.
Dân nhường nhà cho lực lượng trực chiến
Ngõ 165 Cầu Giấy là con phố thứ hai bị phong tỏa tại Hà Nội sau khi có thông tin về ca nhiễm COVID-19 thứ 39. Làm nhiệm vụ trực chiến từ đó đến nay, trung úy Nguyễn Trung Hiếu (27 tuổi, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cùng anh em trong tổ công tác luân phiên nhau trực chốt sáu ca/ngày, nhắc nhở bà con tuân thủ cách ly, theo dõi lượng người ra vào khu vực bị phong tỏa.
Anh chia sẻ mới đầu bà con cũng lo sợ, nhưng nay ai cũng biết cách tự phòng tránh cho bản thân, chưa kể bà con xung quanh còn ủng hộ, bố trí chỗ ngồi, cho mượn nhà để anh em trực chiến có mệt thì thay phiên nhau ngả lưng một chút hay mưa gió có chỗ mà trú chân. "Chẳng có khó khăn gì đâu, mình là lính trẻ nên phải đi thôi" - trung úy Hiếu quả quyết.
HÀ THANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.