Vàng xanh trên đỉnh Phàn Liên San  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, vùng chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy núi Phàn Liên San (thuộc địa phận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến nay còn khoảng 6.000 gốc. Loài cây này đã được huyện Phong Thổ xác định chọn làm giống cây chủ lực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho bà con trong thời gian tới.
 

Người dân thoát nghèo nhờ hàng nghìn gốc chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên.
Người dân thoát nghèo nhờ hàng nghìn gốc chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên.


Món quà quý thiên nhiên ban tặng

Cách trung tâm xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ khoảng 15km, từ chân dãy núi Phàn Liên San, men theo con đường mòn dốc bậc thang vắt ngang dãy núi, dẫn chúng tôi lên tới vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ở đây, người đồng bào dân tộc Dao sống rải rác ở vùng chân núi, bên trên là những cây chè hoang cao vút trải dài khắp núi rừng.

Theo chân người dân đi rừng hái chè, cả đoàn mất chừng 5 giờ đồng hồ leo từ chân núi mới lên đến đỉnh Phàn Liên San. Con đường đi hái chè là một hành trình khá gian nan, người dân phải dậy từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, họ mất khảng 4 giờ đồng hồ băng qua những cánh rừng rậm rạp.

“Mỗi lần đi hái chè mất đến cả ngày đường, chúng tôi phải mang theo cơm đùm, cơm nắm để ăn trong rừng” ông Tẩn Chin Hồi, người Dao ở bản Tô Y Phìn nói.

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên có thân to xù xì, bám đầy rêu mốc của thời gian, có cây cao lên đến hơn 10m, lá chè đanh, bóng và khá to. Những gốc chè bé nhất có đường kính khoảng 30cm, cây lớn nhất cũng phải hai vòng tay người ôm không hết.

Cây chè Shan tuyết cổ thụ đã có mặt ở vùng núi này từ bao giờ không ai biết rõ, nhưng thói quen uống trà thay nước của bà con nơi đây cũng hình thành từ bao đời nay. Trà đã hiện diện trong đời sống như một nét văn hoá của người dân nơi này, với họ cây chè trên núi cao kia gắn liền với những kỷ niệm của cha ông, là một phần của hiện tại và là chìa khóa của tương lai.

Bà Phàn Tả Mẩy (trú thôn Mồ Sì San) nói: “Đến nay tách trà đã là đầu câu chuyện của người Dao ở dãy Phàn Liên San. Khách đến chơi nhà luôn được mời một tách trà “ống lam” pha với nước suối cho ra thức uống thơm mát vô cùng”.

Chè “ống lam” là tên gọi mĩ miều được người dân nơi đây dành cho loại chè được người dân chế biến thủ công, sau khi thu hái chè được bà con sao thủ công rồi bỏ vào ống nứa treo lên gác bếp để sử dụng dần. Khi dùng, nước trà không có vị chát, mà lại có hương thơm thanh mát cùng vị ngọt nhẹ.

 

 Hàng nghìn gốc chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên tại xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Hàng nghìn gốc chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên tại xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu.



Lưu giữ và phát triển chè Shan tuyết

Thời gian gần đây, nhu cầu thưởng trà của người dân ngày càng cao, do có chất lượng tốt và nguồn gốc cây chè tự nhiên nhiều năm tuổi, nên chè Shan tuyết ở vùng núi cao Phàn Liên San được nhiều người săn đón. “Trước đây, người dân chúng tôi thường hái lá chè không sơ chế mà bán thẳng cho thương lái, họ nói người Trung Quốc rất thích loại chè này”, bà Phàn Tả Mẩy chia sẻ.

Trước tình hình đó, huyện Phong Thổ đã khảo sát và kiểm đếm số lượng cây chè còn lại trên địa bàn. Đến nay có khoảng 6.000 gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm rải rác ở các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San. Số lượng tập trung nhiều nhất ở xã Mồ Sì San vào khoảng hơn 2.000 cây.

Đồng thời, địa phương đã lên phương án liên kết về việc giữ gìn bảo tồn và phát triển cây chè trên địa bàn. Theo đó, Nhà nước, nhà đầu tư chính (HTX Biên Cương) và người dân liên kết với nhau bảo vệ, phát triển thương hiệu “Hồng trà Shan Mồ Sì San”.

Ông Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch liên kết đầu tư và bảo tồn thương hiệu chè cổ, tuyên truyền vận động bà con cùng ký cam kết không chặt phá rừng chè, cùng nhà đầu tư hướng dẫn bà con cách thu hái lá chè đảm bảo đúng phương pháp”.

Bên cạnh đó, HTX Biên Cương cùng các chuyên gia, hướng dẫn người dân thực hiện thu hái, sơ chế đúng phương pháp hữu cơ. Đơn vị cũng đã xây dựng, lắp đặt hệ thống máy móc dây chuyền chế biến hiện đại bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm chè Shan tuyết tự nhiên. Hiện nay, cây chè Shan tuyết đã được nhân giống trên địa phận xã với diện tích khoảng trên 4 hécta.

“Chúng tôi thực hiện ngay trên dãy núi này để đảm bảo cây chè sau khi nhân giống vẫn giữ được nguồn gen và đảm bảo phát triển tốt do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng”, ông Trần Văn Chính - thành viên hội đồng quản trị HTX Biên Cương cho biết.

 

Chè Shan tuyết được người dân sao thủ công và cất giữ sử dụng mỗi ngày.
Chè Shan tuyết được người dân sao thủ công và cất giữ sử dụng mỗi ngày.


Loài cây xóa đói của người cao

Xã Mồ Sì San là một trong những xã nghèo của huyện Phong Thổ, toàn xã có khoảng hơn 300 hộ dân, trong đó chiếm đến trên 90% là đồng bào người Dao, có khoảng 78% hộ nghèo.

Từ năm 2018 trở lại đây, người dân trong vùng không còn hái chè bán lá cho thương lái nữa, mà đã cùng chính quyền cam kết hái chè theo vụ và bảo vệ rừng chè được gọi là “vàng xanh” trên đỉnh Phàn Liên San.

Từ tháng 3 - 6 hàng năm là vào vụ hái chè của bà con nơi đây. Ngoài ra, có khoảng 40 hộ dân tích cực tham gia hái chè trong năm, cùng HTX tham gia chế biến, từ đó có thu nhập ổn định hơn. Trừ hết mọi chi phí đi, mỗi năm mỗi hộ cũng để ra được khoảng 30 triệu đồng.

Ông Tẩn Chin Lùng thông tin: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chính quyền xã Mồ Sì San đã chọn cây chè Shan Tuyết là giống cây chủ lực phát triển kinh tế trong thời gian tới để tận dụng và phát huy những lợi thế của địa phương”.

Bên cạnh đó, xã Mồ Sì San đã xây dựng kế hoạch bảo tồn cùng với lợi thế địa hình, khí hậu của địa phương để khai thác du lịch sinh thái. Mục tiêu hết năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống thêm 5% nữa.

Chính quyền huyện Phong Thổ cho biết, huyện đã xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, do đó đã ban hành đề án Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tòa huyện Phong Thổ sẽ trồng mới bổ sung 120 ha chè ở các xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San. Khi thu nhập đảm bảo, đồng bào sẽ có trách nhiệm hơn trong việc triển khai, bảo tồn, thu hái, chế biến, từ đó tạo ra những sản phẩm chè Shan tuyết đặc sắc.

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/vang-xanh-tren-dinh-phan-lien-san-1120470.ldo
 

Theo Trần Trọng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.