(GLO)- Sau một thời gian im ắng, “vàng tặc” đã trở lại bãi vàng suối Đek, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai để xới tung từng mảng núi tìm vàng trong sự bất lực của lực lượng chức năng.
Nhiều lần bị “xóa xổ”
Những hầm vàng sâu hun hút vào trong lòng núi. Ảnh: Văn Ngọc |
Xã Pờ Tó từ lâu không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng mía bạt ngàn mà còn bởi nơi đây tồn tại một bãi vàng như cái “ung nhọt” khó loại bỏ triệt để. Từ những năm 80 thế kỷ trước, khi những đoàn người từ miền Bắc đi kinh tế mới, bãi vàng này cũng được khai sinh. “Hốc Pờ Tó” từ đó trở thành “điểm đen” của các tệ nạn xã hội, như cờ bạc, ma túy, bảo kê... Những tin đồn về các trại đào trúng vàng lan ra khiến bãi vàng suối Đek như cục nam châm thu hút “vàng tặc” ở tứ xứ tụ họp. Vào thời “thịnh vượng” của bãi Đek (khoảng năm 2010), mỗi ngày có đến hàng trăm người cùng máy móc đào bới đống cát sỏi từ dòng suối lên để đãi vàng với hy vọng đổi đời. Đến cuối năm 2012, khi Công an tỉnh bất ngờ “đánh úp” bắt giữ nhiều người đào vàng trái phép, tịch thu và tiêu hủy nhiều máy móc thì bãi vàng mới chính thức được xóa sổ.
Bãi vàng giữa lòng suối Đek bị “khai tử” nhưng “vàng tặc” vẫn không quên giấc mộng vàng khi dời địa điểm khai thác lên trên đỉnh núi cách đó không xa. Không khai thác quy mô, rầm rộ và lộ liễu như thời điểm trước, nhưng các “vàng tặc” cũng đã nhen nhóm trở lại với những hầm vàng xẻ dọc ngang trên đỉnh núi. Thời điểm P.V Báo Gia Lai tiếp cận với khu vực này vào tháng 5-2015, tại ngọn núi cách suối Đek chừng hơn 2 km, từ phía bờ suối nhìn lên đã thấy những vết đào bới nham nhở. Tại đây, P.V phát hiện nhiều hầm vàng được đào sâu hun hút vào trong lòng núi. Tuy không có người trong hầm nhưng dấu vết còn rất mới, chứng tỏ bãi vàng vẫn đang hoạt động. Sau đó, Công an huyện Ia Pa đã phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra khu vực này thì phát hiện 1 máy đào, 1 máy ủi, 1 vị trí bị đào xới với diện tích 1.350 m2 và sâu khoảng 10-12 mét để đãi vàng. Bên cạnh đó cũng phát hiện 5 lao động làm thuê từ tỉnh Hòa Bình vào đào vàng tại đây.
“Mỏ vàng” này sau đó đã bị phá hủy, các phương tiện bị thu giữ nhưng không vì thế mà “vàng tặc” bỏ cuộc. Đến 31-1-2016, Công an huyện Ia Pa phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa kiểm tra khu vực suối Đek thì phát hiện một nhóm đối tượng đang đãi vàng trái phép. Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm này đã bỏ chạy và để lại 2 máy nổ, 1 máng đãi vàng.
Nhưng vẫn tồn tại
Cả một mảng núi rộng lớn bị san ủi. Ảnh: L.V.N |
Ông Hoàng Văn Tư-Chánh văn phòng UBND huyện Ia Pa cho biết: “Chúng tôi có nghi ngờ việc rò rỉ thông tin mỗi lần đi truy quét ra ngoài nên các “vàng tặc” mới biết mà tẩu tán như vậy nhưng hiện vẫn chưa có chứng cứ gì. Vì không bắt được đối tượng và máy móc nên rất khó xử lý. UBND huyện sẽ phải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình để triệt phá các tụ điểm này”. |
Cơ quan Công an hành động quyết liệt là vậy nhưng vẫn không thể dập tắt được những “mỏ vàng” cứ thế mọc lên trên các ngọn núi xung quanh suối Đek. Đầu tháng 11-2016, P.V Báo Gia Lai đã tiếp cận với ngọn núi được cho là đang bị “vàng tặc” đào xới tìm vàng. Tại đây, theo chỉ dẫn của nguồn tin, chúng tôi phát hiện một con đường mòn dẫn lên đỉnh núi do “vàng tặc” làm. Ở đầu con đường, dưới chân núi, các “vàng tặc” đã ngụy trang bằng cách chặt cây để che lấp. Bởi thế, nếu lực lượng chức năng muốn đến khu vực khai thác buộc phải di chuyển bằng con đường mòn khác, trắc trở và lộ liễu hơn hoặc leo trên những sườn núi rất cheo leo. Men theo con đường mòn này khoảng 2 km, chúng tôi choáng ngợp trước “công trường” mà “vàng tặc” đang… thi công. Ngay trên đỉnh núi, các đối tượng đã dùng máy xúc đào sạt một mảng lớn, diện tích hàng ngàn m2, rồi đào sâu xuống lấy nước phục vụ cho việc đào đãi vàng. Tại hiện trường vẫn còn nhiều đoạn ống nước loại phi 50 kéo từ hồ nước lên những khu vực cao hơn.
Bám theo đường ống, những hầm vàng bắt đầu hiện ra. Trong một khu vực rộng lớn, “vàng tặc” chặt cây, xới tung từng mảng rồi đào hầm vào trong lòng núi, đường kính mỗi hầm khoảng 1 mét. Dấu vết đào bới có cả cũ lẫn mới, chứng tỏ “vàng tặc” đã tiến hành khai thác từ lâu và vẫn đang hoạt động. Theo chỉ dẫn của nguồn tin, các “vàng tặc” chỉ vừa rút xuống núi vì đoàn liên ngành cũng vừa lên kiểm tra bãi vàng cách đó một ngày. Trong khi đó, ngày 29-9-2016, Công an huyện cũng đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra khu vực suối Đek tại lô 2, khoảnh 4, tiểu khu 1147 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa, địa giới hành chính thuộc làng Bi Yông, xã Pờ Tó cũng đã phát hiện ra bãi vàng này, nhưng các đối tượng đã kịp thời “tẩu tán” trước khi lực lượng chức năng đi truy quét và tiếp tục quay trở lại đào đãi vàng khi họ rút đi.
Lê Văn Ngọc