Ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp:Nhiều đề tài,dự án chưa đạt hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh GIa Lai có 85 đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Trong số này, không ít đề tài, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều đề tài, dự án không đạt hiệu quả, nguy cơ lãng phí tiền tỷ.
Giúp người dân phát triển kinh tế
Với mục đích giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh và các địa phương đã triển khai 84 dự án, đề tài ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp với kinh phí thực hiện hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH-CN triển khai. 
Sau khi triển khai, nhiều dự án và đề tài ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Điển hình là Dự án “Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng đuôi đỏ” tại Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Dự án có kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi hơn 9.000 con cá lăng đuôi đỏ. Đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều con đạt trọng lượng 10-15 kg. Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm-chia sẻ: “Từ khi triển khai đến nay, dự án đã mang lại hiệu quả nhất định. Đàn cá thích nghi với môi trường và sinh trưởng tốt. Nhiều người dân đã đến học tập kinh nghiệm nuôi cá lăng đuôi đỏ và các loại cá khác”.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại hồ chứa Vĩnh Sơn, huyện Kbang. Ảnh: N.T
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại hồ chứa Vĩnh Sơn, huyện Kbang. Ảnh: N.T
Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp trồng rừng bán ngập tại lòng hồ Thủy điện Ia Ly-Gia Lai” sau khi triển khai cũng đã phát huy hiệu quả. Mục sở thị, chúng tôi nhận thấy những cây tràm được trồng tại đây sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần chống sạt lở đất. Hay một đề tài khác cũng hứa hẹn mang lại kết quả khả quan là “Ứng dụng tiến bộ KH-CN trồng cây hồng đẳng sâm (sâm dây) tại huyện Kbang”. Tham quan thực tế tại mô hình trồng hồng đẳng sâm rộng 0,5 ha của ông Phạm Văn Xây (xã Đak Rong, huyện Kbang), chúng tôi thấy vườn cây phát triển xanh tốt. Ông Xây cho hay: “Cây sâm thích hợp với đất này nên lên nhanh và tốt lắm. Củ sâm cũng to bằng ngón tay rồi. Chúng tôi đã hái lá bán. 1 kg lá có giá 50 ngàn đồng. Nhiều quán ở thị trấn Kbang mua về nấu lẩu với thịt gà. Cũng có nhiều hộ dân đến tham quan mô hình này”. 
Dự án “Trồng và sơ chế chuối rừng tại huyện Chư Pah” được triển khai đã góp phần không nhỏ giúp người dân tộc thiểu số tại xã Ia Kreng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng thu nhập. Ông Trần Đình Quyến-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah-cho biết: “Dự án giúp 10 hộ dân tại xã Ia Kreng biết cách làm mới để tăng thu nhập. Trước đây, những hộ dân này chỉ vào rừng nhặt quả nhưng nay họ mang cây về trồng thành vườn rồi bán. Chúng tôi đang nhân rộng mô hình và kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, bao tiêu sản phẩm để đưa chuối rừng thành một sản phẩm đặc trưng của huyện”.
Nguy cơ lãng phí tiền tỷ
Trên thực tế, không ít dự án, đề tài ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh và các địa phương về việc triển khai các đề tài, dự án ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2018. Qua giám sát, đoàn nhận thấy có hàng chục dự án, đề tài không hiệu quả. Cụ thể, trong 11 dự án, đề tài cấp tỉnh đã triển khai, ngoài 6 dự án, đề tài có hiệu quả thì 4 dự án, đề tài chưa đánh giá hiệu quả và 1 đề tài không hiệu quả. Đối với 73 dự án, đề tài cấp huyện đã triển khai với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng có 31 dự án, đề tài không hiệu quả; 23 dự án, đề tài có hiệu quả và 19 dự án, đề tài chưa đánh giá hiệu quả.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế dự án nuôi cá lăng đuôi đỏ tại Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Ảnh: N.T
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế dự án nuôi cá lăng đuôi đỏ tại Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Ảnh: N.T
Một trong những đề tài không mang lại hiệu quả như kỳ vọng là “Nghiên cứu sử dụng tuyến trùng làm chỉ thị đánh giá chất lượng đất trồng hồ tiêu và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nhằm phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Chủ trì thực hiện đề tài là Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với kinh phí là 748 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, đề tài không đạt hiệu quả nhân rộng. Nguyên nhân là đề tài mang tính chất nghiên cứu môi trường nhằm phục vụ công tác quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất trong nông nghiệp nên sau khi nghiệm thu, Sở KH-CN đã chuyển giao cho các cơ quan, địa phương nhằm đưa vào thực tế công tác quản lý, khuyến cáo kỹ thuật chứ không có mô hình cụ thể để nhân rộng.
Tương tự, có 31 dự án, đề tài quy mô cấp huyện triển khai trong giai đoạn 2016-2018 đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tại huyện Mang Yang, có 4 dự án, đề tài đã triển khai nhưng đều chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là 2 dự án: “Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu” với kinh phí thực hiện hơn 600 triệu đồng; “Trồng bắp lai giống VN8960 liên kết sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt” với kinh phí thực hiện 280 triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-lý giải: “Khi bắt đầu làm dự án tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt cho cây hồ tiêu thì có hiệu quả, vườn cây lên xanh tốt. Sau đó, giá hồ tiêu giảm mạnh, người dân bỏ bê nên dự án này không hiệu quả và không thể nhân rộng. Dự án trồng bắp lai giống VN8960 cũng vậy. Thời điểm đầu triển khai có hiệu quả nhưng sau không tìm mua được giống bắp để nhân rộng mô hình”.
Trong các buổi làm việc, kiểm tra thực tế tại những nơi triển khai dự án, đề tài ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp, nhiều thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh bày tỏ mối quan ngại về việc thu hồi nguồn vốn và phương hướng khắc phục đối với những dự án, đề tài không hiệu quả. Theo ông Đặng Phan Chung, UBND tỉnh và các địa phương cần liên kết 4 nhà (nhà khoa học-nhà quản lý-nhà sản xuất-nhà doanh nghiệp) để phát huy tiềm năng, hiệu quả cho các dự án, đề tài ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần sớm thành lập Quỹ phát triển KH-CN theo quy định của Bộ KH-CN; các sở, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ cũng như có cơ chế giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp trong các dự án, đề tài KH-CN đã triển khai; cần có cơ chế hỗ trợ và kêu gọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các dự án, đề tài.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.