(GLO)- Với sự cần cù, chịu thương chịu khó, sau hơn 40 năm gắn bó với vùng đất Gia Lai, giờ đây gia đình ông Phan Quang Doanh (thôn Nha Hyơn, xã Chư Á, TP. Pleiku, Gia Lai) đã vươn lên thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Hơn 11 giờ trưa nhưng ông Doanh vẫn lúi húi vạch từng lá hồ tiêu để kiểm tra mầm bệnh. Thấy chúng tôi tới thăm, ông vui vẻ nói: “Dạo này thời tiết chuyển mùa nên hồ tiêu rất dễ bị bệnh, phải thường xuyên kiểm tra để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.
Ông Doanh bên vườn hồ tiêu xen cà phê của gia đình. Ảnh: T.T.K |
Ông Doanh sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, ông quyết định khăn gói lên Tây Nguyên lập nghiệp. Đi một vòng từ Đak Lak đến Kon Tum, cuối cùng ông dừng chân tại Gia Lai. Năm 1977, ông dạy học tại một trường cấp 2 trên địa bàn huyện Mang Yang (cũ), nhưng với đồng lương ít ỏi thời bao cấp nên cuộc sống rất chật vật. Vì thế, đến năm 1989, ông xin nghỉ việc, nhận tiền chế độ rồi mua 3,5 ha đất ở xã Chư Á để trồng một số cây ngắn ngày như: đậu, mì, bắp. Đất không phụ người, sau vài năm, gia đình ông cũng tích góp được một số vốn. Lúc này, ông liền nghĩ đến chuyện chuyển đổi cây trồng.
Thấy cây hồ tiêu và cà phê phù hợp với đất đỏ bazan và đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 1996, ông Doanh bắt đầu tìm tòi và học hỏi kỹ thuật trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, do mới tiếp cận cũng như chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên toàn bộ gần 3.000 trụ hồ tiêu của gia đình bị chết rụi. Không nản chí, 2 năm sau, ông tiếp tục trồng 2.000 trụ nữa. Lần này ông chăm sóc kỹ càng hơn nhưng khi hồ tiêu phủ trụ thì bị bệnh vàng lá, thối rễ rồi chết dần.
Thất bại 2 lần liên tiếp khiến gia đình ông vô cùng hoang mang. Lúc này, khó khăn chồng chất khó khăn, họ phải đi làm thuê để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống. Hàng ngày, vợ chồng ông còn tăng gia bằng cách trồng hoa màu đem ra chợ bán; chăn nuôi heo, gà, ủ phân chuồng để bán cho các hộ gia đình trồng hồ tiêu, cà phê. Ông Doanh kể: “Hồi đó đói khổ liên miên, 5 đứa con thì đang tuổi ăn tuổi lớn mà cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Nhiều đêm, tôi trăn trở không sao ngủ được vì thương vợ, thương con. Kinh tế quá khó khăn, tôi không dám nghĩ tới ngày quay lại với cây hồ tiêu, chỉ lo cải tạo lại đất trồng cây ngắn ngày để nhanh có tiền trang trải cuộc sống. Cũng may là đất đỏ bazan ở đây rất tốt nên trồng cây gì cũng cho năng suất cao, mỗi héc-ta cũng thu được vài tấn đậu, dăm tấn bắp”.
Với sự chịu thương chịu khó, chỉ sau vài năm, gia đình dần dần có ít vốn liếng. Được sự hỗ trợ, động viên của gia đình, ông Doanh lại khăn gói đi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng hồ tiêu cũng như các mô hình sản xuất tiên tiến ở huyện Chư Sê và tỉnh Đak Lak. Năm 2004, được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, trong vòng 3 năm, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ 3,5 ha sang trồng hồ tiêu, trong đó có 3 ha trồng hồ tiêu bằng trụ sống xen cà phê. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cà phê xen hồ tiêu phát triển tốt, lại đúng vào thời điểm giá hồ tiêu và cà phê lên cao nên gia đình ông dần dần có của ăn của để và từng bước làm giàu.
Thời điểm này đang là mùa khô nhưng cả hồ tiêu lẫn cà phê đều phát triển xanh tốt. Ông cho biết, đây là kết quả của quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, đó là hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đề cao sử dụng phân bón hữu cơ. Chỉ vào một dây hồ tiêu trồng bằng trụ sống, ông khoe: “Mỗi cây hồ tiêu đạt từ 12 đến 15 kg khô, còn cà phê mỗi cây đạt từ 15 đến 18 kg khô. Năm rồi giá hồ tiêu tuy thấp nhưng bù lại sản lượng cao, trừ mọi chi phí gia đình tôi thu nhập lên tới 1 tỷ đồng”.
Nhận xét về ông Phan Quang Doanh, ông Jen-Trưởng thôn Nha Hyơn, cho biết: “Anh Doanh là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Anh luôn vận động bà con trong thôn chăm chỉ lao động, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Anh còn tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Trần Trung Kỳ