Tuyệt kĩ bắt cá gần bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi ngày người dân Quảng Nam chèo thuyền thúng chở theo ngư cụ cách bờ biển gần một hải lý kéo lưới khai thác hải sản. Ngày may mắn, một mẻ lưới thu gần tấn cá, bán được 30 triệu đồng, chia đều cho 12 người.
Sáng sớm, trên bãi biển xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) dày đặc dấu chân ngư dân hằn trên cát.  Người đang đánh bắt cá, người chờ từng mẻ lưới kéo vào bờ cá nằm gọn phía trong để lựa chọn thu mua kịp đem ra phiên chợ sáng bán.
Cũng giống như mọi người dân trong vùng, lão ngư Nguyễn Nô (thôn Tây Sơn Đông) rời nhà từ 5 giờ sáng để hành nghề. Ông Nô có khuôn mặt làn da đen sạm đứng trên bờ hướng đôi mắt chăm chú nhìn ra từng con sống xô vào vờ để bủa lưới.
 
Ngư dân gánh thuyền và ngư cụ ra biển thả lưới
“Sóng lớn, nước chảy mạnh cá dạt vào gần bờ trú ngụ, lúc đó thả lưới xuống đánh bắt được nhiều”, lão ngư 61 tuổi nói về kinh nghiệm và giải thích thêm sóng xô bờ càng mạnh, có nghĩa nước trong lòng biển dao động lớn thì cá dạt vào gần bờ ở.
Bằng đôi mắt và kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề truyền thống kéo lưới khai thác hải sản gần bờ, lão ngư Nô xác định được vị trí có luồng cá đang ở. Ông cùng 12 lao động nhanh chóng đưa khối tài của mình gồm, một chiếc thuyền thúng rộng khoảng 5m2 được quét đặc quánh lớp dầu rái phía ngoài ngăn nước chảy vào và cùng tấm lưới dài 400 m, cao 5 m đưa lên thuyền.
Tấm lưới phía trên kết phao, phía dưới kết chì dày đặc, ở phía giữa có một túi để gom cá mắc vào. Ngoài ra hơn 1.000 m dây thừng đưa được lên thuyền thúng. Hai đòn gánh, mỗi chiếc làm bằng một khúc tre lớn bằng cổ chân buộc vào thuyền cùng với bốn người đàn ông nhắc lên, số người còn lại dùng sức đẩy đi trên mặt cát ra đến đoạn giáp nước để bắt đầu vượt sóng.
Những cột sóng vỗ bờ cao gần 1m xô đẩy liên hồi nhưng không ngăn nổi chiếc thuyền thúng bé nhỏ có bốn người ngồi trên vươn ra biển. Trước khi rời bến, đầu tấm lưới được buộc vào sợi dây thừng và một người đứng trong bờ cầm lấy, thuyền vừa di chuyển thì người này có nhiệm vụ thả dây. Khi thuyền cách bờ hơn 500 m, hai người làm nhiệm vụ chèo thuyền, hai người buông lưới xuống nước.
Sau 30 phút tấm lưới dài gần nửa km đã thả xong chạy dọc song song với bờ biển. Lúc này thuyền cập bờ và nhóm lao động chia ra thực hiện công việc. Mỗi đầu lưới được buộc dây và 6 người phối hợp nhịp nhàng kéo.
 
Sáu người đứng trong bờ kéo một đầu lưới khi mặt trời chưa lên
“Tấm lưới xuống nước gặp con sóng sẽ có sức nặng, cùng khối chì của lưới nên nặng cả tấn, do đó chúng tôi phải kết hợp nhuần nhuyễn tạo ra lực đồng đều kéo. Để trợ lực, mỗi người buộc một vòng dây vào bụng sau đó nối vào dây, cách làm này giữ cho lưới không bật ra ngoài khi sóng xô ra”, lão ngư Nô chia sẻ.
Lợi dụng con sóng xô vào bờ, nhóm ngư dân đứng trên đất liền kéo lưới đi vào, sóng đẩy ra thì giữ lại, công việc được lặp đi lặp lại như vậy. Sau hai giờ vật lộn với nước biển, tấm lưới nằm cách bờ khoảng 100 mét thì công việc bắt đầu hối hả. Hai đầu dây được gom lại tạo thành một vòng tròn và những người đàn ông khỏe mạnh lội ra nơi nước đến ngang bụng gom lưới ngăn cá thoát ra ngoài.
Khi lưới gom lại khoảng 30m2 thì cá nằm phía trong chao lượn tìm cách thoát ra ngoài, tuy nhiên phía đáy chì đã bịt lối, phía trên phao nổi lên mặt nước ngăn lại. Hai người được phân công ghép đáy lưới, hai người ghép phao lưới để khóa lưới, số người còn lại nhẹ nhàng kéo vào bờ. Túi lưới được vào bờ đựng hơn 1 tấn cá nục, cá cơm, cá chim, cá sòng, cá nhồng… nhảy đành đạch trong tiếng reo hò vui mừng của ngư dân.
“Mẻ lưới trúng đậm rồi, với giá bán cá nhỏ 30.000 đồng một kg, cá lớn từ 70.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi kg thu về hơn 30 triệu đồng. Mẻ lưới này được xếp vào loại trúng đậm do gặp phải đàn cá”, ông Nô hạch toán và cho hay một ngày nhóm của ông kéo khoảng 4 mẻ lưới, nghề này không làm vội được, quá trình kéo lưới rất chậm.
 
Sau 2 giờ tấm lưới dài 400 m được kéo vào bờ
Theo ông Nô nghề kéo lưới bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, đây là khoảng thời gian cá vào bờ nhiều nên đã trở thành nghề truyền thống của ngư dân. Một người bỏ vốn đầu tư mua ngư cụ khoảng 20 triệu đồng rồi kêu gọi lao động trong địa phương đi đánh bắt. Thành quả thu lại người chủ hưởng 40 phần trăm, số tiền còn lại chia đều cho mọi người tham gia công việc.
“Ngày may mắn một nhóm chúng tôi thu về hai tấn cá, thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên lộc biển nên có ngày chỉ bắt được vài chục kg, mỗi người thu được vài chục ngàn đồng là bình thường”, ông Nô bộc bạch.
Tham gia kéo lưới công việc cùng ông Nô, cụ Nguyễn Thị Cạ (81 tuổi) chia sẻ, đây là nghề truyền thống gắn bó từ nhỏ. Cuộc đời của bà bám lấy tấm lưới để mưu sinh, nuôi con cái ăn học và nay tuổi đã lớn nhưng vào vụ thì không thể bỏ nghề.
 
Cụ Nguyễn Thị Cạ tham gia kéo lưới ở tuổi 81
“Ngày đánh bắt nhiều tôi thu được tiền triệu, ngày ít vài chục ngàn, đồng thời giải quyết được thời gian rảnh rỗi của tuổi già”, cụ Cà nói và cho biết trong vùng có 10 nhóm chuyên kéo lưới.
Ông Nguyễn Năm, xã Duy Hải có 12 người đang làm việc bên bờ biển. Ông cũng như mọi người trong làng ra biển từ sớm đánh bắt cá. Ngư cụ đều giống nhau, quá trình kéo lưới cũng tương tự. Vào mùa, ông Năm mang lưới ra đánh bắt, khi hết mùa lại làm lao động trên những con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.
Theo ông Năm, cũng là nghề biển nhưng đánh bắt gần bờ sáng đi làm, chiều tối về nhà không phải lênh đênh trên biển dài ngày. “Ngày con nước chảy mạnh thì đánh bắt được nhiều, ngày biển êm thì thu về ít. Vào vụ đánh bắt thì ngày nào cũng phải gắn bó mưu sinh, không thể bỏ sót”, đôi tay ông Năm chai sạn do cầm sợi dây kéo cả ngày nói và tâm sự với ngư dân nơi đây từng mẻ lưới kéo cá nằm đầy phía trong tiếng cười nói rôm rả, mẻ lưới ít cá thì động viên nhau nhanh chóng kéo mẻ khác tìm kiếm vận may.
 
Lưới được tạo thành vòng tròn để gom cá mắc vào túi
 
Thương lái đến lựa chọn thu mua cá
Lộc Hà (Nông Nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 13)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.